Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Triển khai giải phóng mặt bằng Khu liên hợp gang thép Vũng Áng và cảng Sơn Dương

Ngày 6-7, tỉnh Hà Tĩnh và Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa - Hà Tĩnh, Tập đoàn Formosa Ðài Loan, đã tổ chức lễ động thổ xây dựng khu liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Ðây là dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực luyện kim, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 7,89 tỷ USD, trở thành dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất hiện nay.

Ðể dự án được triển khai đúng tiến độ, theo cam kết với nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng, nhất là chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Anh đang tập trung sức tổ chức khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) để chuẩn bị bàn giao cho nhà thầu.

Sau ngày khởi công dự án, công việc GPMB tổ chức di dân tái định cư (TÐC) đòi hỏi tính khẩn trương và cấp bách.

Ðây là dự án GPMB, TÐC có quy mô lớn nhất với số diện tích cần giải phóng cũng như số hộ dân cần di dời rất lớn, cho nên, để lựa chọn phương án tối ưu, UBND tỉnh và Ban quản lý dự án khu kinh tế (KKT) Vũng Áng đã giao cho Công ty CP tư vấn xây dựng Hà Tĩnh tổ chức điều tra xã hội học dự án bồi thường GPMB, hỗ trợ TÐC.

Ðồng chí Hồ Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý KKT Vũng Áng cho biết: Khu liên hợp gang thép (KLHGT) và cảng Sơn Dương là dự án lớn, có quy mô GPMB lên tới 2.025 ha đất và 990 ha mặt nước.

Với 1.848 hộ và 7.900 nhân khẩu của năm xã: Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Lợi, Kỳ Phương và Kỳ Thịnh nằm trong vùng dự án phải di dời.

Ðây là dự án di dời lớn nhất từ trước đến nay mà tỉnh phải tiến hành trong một thời gian ngắn, theo yêu cầu của nhà đầu tư, một công việc hết sức khó khăn, phức tạp.

Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức thì dự án KLHGT và cảng Sơn Dương Formosa là dự án trọng điểm nhà nước, có tác động lớn đến sự phát triển của cả tỉnh Hà Tĩnh nói chung và nhân dân huyện nghèo Kỳ Anh nói riêng.

Dự án nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và nhân dân trong tỉnh, cho nên, Ban quản lý KKT Vũng Áng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, đang phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và UBND huyện Kỳ Anh và chính quyền năm xã vùng dự án tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ GPMB.

Theo thỏa thuận giữa UBND tỉnh và đối tác nước ngoài, công việc bàn giao sẽ tiến hành từng phần, giao đất đến đâu triển khai san lấp mặt bằng đến đó. Theo kế hoạch, ba tháng sau ngày khởi công (đến tháng 10 này) tỉnh sẽ giao từ 800 đến 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp một vụ, năng suất thấp và 990 ha mặt biển theo hình thức cuốn chiếu. Sau khi bàn giao, nhà đầu tư sẽ triển khai xây dựng các hạng mục đê chắn sóng, cầu cảng, nạo vét cảng để hút lấy đất cát san lấp mặt bằng nhà máy.

Ðến nay, việc triển khai thực hiện cắm mốc xác định ranh giới của dự án tại các xã đã cơ bản xong. Việc kiểm đếm tại thực địa đang được tiến hành khẩn trương và tương đối thuận lợi vì bà con nhận được tiền hỗ trợ từ phía tỉnh Hà Tĩnh tương đương với sản lượng lúa vụ đông xuân 2009 mà không phải sản xuất.

Công việc khảo sát địa điểm TÐC tại các vùng đất nằm ở phía tây quốc lộ 1A cũng đang được các đơn vị tư vấn tiến hành. Sau khi lấy ý kiến tham gia của người dân sẽ triển khai lập quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu TÐC. Hiện nay, các dự án đường, điện đến các khu TÐC đang được trình thẩm định và phê duyệt.

Dự kiến đến tháng 4-2009 sẽ thi công xong các công trình giao thông, điện, nước để di chuyển dân xã đầu tiên là Kỳ Liên với 215 hộ và 850 khẩu.

Sau khi làm thí điểm di dân ở xã này sẽ rút kinh nghiệm để di chuyển dân bốn xã còn lại. Một điều đáng biểu dương, đó là cả hệ thống chính trị, từ tỉnh đến cơ sở, đang vào cuộc để  vận động TÐC. Cụ thể, các Hội Phụ nữ, Nông dân vừa tham gia vận động nhân dân tiến hành di dời nhanh chóng vừa họp bàn kế hoạch xây dựng mô hình điểm về GPMB, di dân và TÐC...

Ông Nguyễn Văn Bổng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh kiêm Chủ tịch Hội đồng bồi thường - TÐC GPMB huyện cho biết: Quá trình di chuyển một số lượng lớn các hộ dân nằm trong vùng dự án được tính toán kỹ và có những bước đi thận trọng để bảo đảm được yêu cầu về đời sống và sinh hoạt.

Huyện Kỳ Anh đã thành lập Ban chỉ đạo và Hội đồng bồi thường TÐC, GPMB với ba tiểu ban triển khai tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân năm xã.

Tổ chức điều tra xã hội học để nắm được nguyện vọng của nhân dân và xúc tiến xây dựng các dự án TÐC.

Tiến hành kiểm kê đợt 1 diện tích đất nông nghiệp, đất không có công trình để bàn giao mặt bằng trước cho nhà đầu tư. Về công tác tư tưởng, giao cho cấp ủy và chính quyền các xã và hệ thống các đoàn thể, tổ chức chính trị đảm nhiệm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh và huyện.

Thành lập các tổ công tác trực tiếp ở các xã, bao gồm các Sở: Kế hoạch và Ðầu tư, Tài chính, Tài nguyên môi trường cùng Ban quản lý KKT Vũng Áng, lãnh đạo huyện Kỳ Anh, chính quyền xã. Ðến nay đã quán triệt chủ trương di dời đến cán bộ, đảng viên và nhân dân năm xã, thông báo số hộ thuộc diện di dời, dự kiến các khu TÐC cũng như phương án việc làm và đời sống.

Ở các xã thành lập tiểu ban, phân công cán bộ, họp dân theo đơn vị xóm để phổ biến đầy đủ các thông tin về dự án, kế hoạch kiểm kê. Sau khi hoàn thành kiểm kê đất nông nghiệp, từ tháng 11 trở đi bắt đầu triển khai kiểm kê đất ở và tài sản trên đất. Thông qua điều tra xã hội học tìm hiểu nguyện vọng của dân, việc xây dựng phương án di chuyển dân cũng linh hoạt thực hiện theo nhiều phương thức: đăng ký chuyển đến sinh sống ở các khu TÐC, tái định cư xen ghép hoặc dân nhận tiền đền bù, tỉnh hỗ trợ tự tìm địa điểm TÐC.

Chủ tịch UBND xã Kỳ Liên Trần Ðình Thạch cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và huyện, đến nay chính quyền xã phối hợp các đơn vị có liên quan lập kế hoạch di chuyển dân, lên khu TÐC phía tây quốc lộ 1.

Theo lựa chọn của dân sẽ có 43 hộ đăng ký tự di chuyển, 300 hộ di chuyển theo phương thức xen ghép. Ngoài ra, số đất còn lại của xã có thể hỗ trợ di chuyển dân ở các xã khác đến ở. Diện tích đất ở và đất vườn cấp mới cho các hộ TÐC từ 400 đến 600 m2/hộ.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là quỹ đất của xã chỉ đủ diện tích cấp cho đất ở và đất vườn, trong khi đó nguyện vọng lớn nhất của các hộ là khi đến nơi ở mới cần có đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Nguyện vọng này là rất chính đáng nhưng rất khó đáp ứng cho người dân, nên tỉnh và huyện cần tính toán kỹ để có phương án đầu tư chuyển đổi nghề.

Ðồng chí Thạch còn cho biết thêm, để đẩy nhanh quá trình tính toán áp giá đền bù đáp ứng tiến độ GPMB, đề nghị các sở, ban, ngành của tỉnh sớm nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách đền bù thỏa đáng cho các hộ phải di dời. Ðồng thời có chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ dân, tạo việc làm và ổn định đời sống là vấn đề người dân đặc biệt quan tâm và là đòi hỏi chính đáng của nhân dân đối với chính quyền các cấp khi thu hồi đất cho phát triển công nghiệp.

Nắm bắt được nguyện vọng và cùng chia sẻ khó khăn của nhân dân trong vùng dự án, mới đây, UBND tỉnh đã bàn bạc chuẩn bị duyệt một chính sách đặc thù, dành riêng cho GPMB, TÐC và đề án chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho lao động các vùng ảnh hưởng thuộc dự án, nhằm bảo đảm các quyền lợi cũng như vấn đề an sinh xã hội cho nhân dân khi di chuyển đến nơi ở mới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự khẳng định: "Tuy phải tổ chức di dời, TÐC hàng nghìn hộ dân, sẽ có nhiều vấn đề lớn nảy sinh kéo dài, nhưng đây là dự án có tầm ảnh hưởng lớn, có tính đột phá cho sự phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh và khu vực, nên đòi hỏi sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Hà Tĩnh sẽ huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác GPMB, di dân, TÐC. Thực hiện mọi chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi và sớm ổn định cuộc sống cho người dân khi chuyển đến nơi ở mới. Hơn nữa, Ðảng bộ và nhân dân huyện Kỳ Anh, nhất là năm xã trong vùng dự án vốn có truyền thống yêu nước, biết đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, nhất định người dân trong vùng dự án sẽ đồng lòng cùng chia sẻ khó khăn để thực hiện cuộc "cách mạng" di dân TÐC theo đúng kế hoạch, để dự án này được triển khai thuận lợi, đúng tiến độ...".
Nhân Dân

ĐỌC THÊM