Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tổng quan thị trường thép thế giới trong tuần 40

Satthep.net - Một tuần mới đầu tiên trong quý Tư đã trôi qua, nhưng thị trường thép thế giới vẫn giữ nguyên màu sắc ảm đạm với xu hướng chủ đạo đi xuống do thiếu lửa từ Trung Quốc sau khi nước này tạm ngưng mọi hoạt động giao dịch để nghỉ lễ. Áp lực đè lên thị trường thép còn do giá phế liệu trên thế giới điều chỉnh giảm bởi các nhà sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ tuần này không có động thái thu gom trong bối cảnh nhu cầu thép thành phẩm ngày một yếu hơn.

Thông tin dự báo về nhu cầu thép toàn cầu từ Hiệp hội thép thế giới trong năm 2011 sẽ giảm 5,3% càng khiến niềm tin trên thị trường thép bị lung lay. Trung Quốc, quốc gia chiếm một nửa sản lượng thép thô thế giới, phải đối mặt với nhu cầu chậm hơn trong năm tới do các biện pháp kích thích kinh tế hết thời điểm hiệu lực, đồng thời thị trường bất động sản cũng bị suy yếu do các biện pháp thắt chặt để tránh nguy cơ đổ vỡ của một bong bóng mới.  

Viễn cảnh về thị trường trong quý Tư năm nay theo nhận định của chuyên gia Satthep.net sẽ tiếp tục ảm đạm do tác động bởi nhiều yếu tố. Yếu tố đầu tiên phải kể đến là giá quặng, khi ba “gã” khai khoáng khổng lồ gồm Vale, BHP và Rio Tinto đã đồng ý hạ giá từ 10-13% cho các nhà sản xuất thép, đồng nghĩa với chi phí sản xuất không còn căng thẳng như trong quý Ba. Yếu tố thứ hai là việc các nhà sản xuất thép Trung Quốc sau khoảng thời gian cắt giảm, hoặc ngưng sản xuất theo yêu cầu của chính phủ đáp ứng mục tiêu tiết kiệm năng lượng đã bắt đầu khôi phục sản xuất trở lại, như vậy áp lực nguồn cung một lần nữa lại gia tăng. Yếu tố thứ Ba là từ đây đến tháng 12, khu vực Trung Đông và Ấn Độ sẽ bước vào mùa cưới nên hoạt động giao dịch sẽ yếu đi. Cuối cùng là nhu cầu ở châu Âu sẽ vẫn trì trệ do các nước trong khu vực đối mặt với nhiều khó khăn trên con đường khôi phục kinh tế.

I. Thị trường thép châu Âu

Thị trường thép châu Âu tuần này vẫn chịu sức ép giảm giá do đồng tiền tệ chung EUR của 16 nước trong khu vực trượt giảm so với USD, đồng thời giá chào bán từ các nhà sản xuất nước ngoài vào châu Âu cũng điều chỉnh ngang với giá bán của các nhà sản xuất trong khu vực, trong khi nhu cầu vẫn thấp khiến áp lực nguồn cung gia tăng

Tại bắc Âu

Giá HRC xuất xưởng đứng ở mức 520-530 EUR/tấn (721-735 USD/tấn) và thép cuộn cán nguội CRC là 610-620 EUR/tấn. Nhưng nếu thị trường bất ổn, giới thương nhân sẵn sàng thương lượng để điều chỉnh giá bán.

Việc đồng USD trở yếu thời gian gần đây khiến thép sản xuất trong khu vực khó cạnh tranh hơn so với nhập khẩu. Điều này đang kéo theo hàng loạt hệ lụy mà trong đó vấn nạn nguồn cung có dấu hiệu tăng lên, do vậy, dù nhà sản xuất ArcelorMittal có giá HRC thấp nhất trong khu vực cũng sẽ khó có thể giữ được mức giá 450 EUR/tấn.

Trong khi đó, chào bán từ các nhà sản xuất nước ngoài, tiêu biểu như Essar Steel Algoma (Canada) vào bắc Âu chỉ dao động từ 490-500 EUR/tấn CFR FO, cho thấy hàng nhập khẩu nhiều hấp dẫn hơn.

Tại Nam Âu

Giá HRC đã giảm về 500 EUR/tấn do nhu cầu ở khu vực này vẫn không chuyển biến so với tuần rồi. Còn chào giá xuất khẩu của nhà sản xuất Erdemir (Thổ Nhĩ Kỳ) vào Bỉ tuần này cũng có giá dưới mức 500 EUR/tấn CFR FO.

Riêng Thổ Nhĩ Kỳ, do thị trường ảm đạm với hoạt động giao dịch thấp do người mua thận trọng, tránh dự trữ ở mức cao, khiến công cuộc nâng giá bán của các nhà sản xuất đã thất bại. Giá thép cuộn cán nóng HRC tại thị trường nội địa giảm 10-15 USD/tấn xuống còn 600-630 USD/tấn (xuất xưởng) từ mức 610-650 USD/tấn trước đó. Nguyên nhân khiến HRC chịu sức ép giảm do giá phế liệu hạ nhiệt, tuy nhiên giá quặng tăng khiến chi phí sản xuất vẫn cao đã ngăn chặn giá giảm nhiều hơn.

II. Thị trường thép châu Á

Cùng chung số phận với thị trường thép châu Âu, thị trường thép châu Á tuần này tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tiêu cực do hầu hết các nước giảm hoặc ngừng giao dịch sau khi Trung Quốc tạm rời khỏi thị trường.

Thị trường thép Nhật Bản

Giá phế liệu trên thị trường thế giới hạ nhiệt đã tác động đến quyết định thu mua của một số nhà sản xuất trong nước. Chỉ trong một tuần nhà sản xuất Tokyo Steel đã hạ giá thu mua đến hai lần 500-1.500 yên/tấn (6-18 USD/tấn) cho tất cả các loại. Riêng phế liệu H2 hiện điều chỉnh xuống còn 31.000-32.000 yên/tấn.

Phế liệu giảm đã ảnh hưởng đến giá thép thành phẩm, đặc biệt là giá thép cây. Trong tuần này, giá thép cây tại Nhật đã giảm 1.000 yên/tấn (12 USD/tấn) xuống 58.000-59.000 yên/tấn (697-709 USD/tấn), như vậy giá đã điều chỉnh về mức thấp của hồi tháng 08 và thấp hơn mức giá xuất xưởng của các nhà sản xuất.

Hơn nữa, nhu cầu thép cây tại thị trường Tokyo rất yếu do khách hàng vẫn còn đủ số lượng dự trữ thu gom trước thời điểm hè. Một số nhà dự trữ tỏ ra lo lắng về lượng thép tồn gia tăng trước tình hình lực cầu đang giảm vì giới tiêu thụ trực tiếp ở nước này vẫn muốn chờ thêm thời gian để theo dõi diễn biến của thị trường

Thép cây xuất xưởng của Tokyo Steel là 58.000 yên/tấn, Winfirst là 60.000 yên/tấn và Kyoei Steel đang nhắm đến việc nâng giá lên 60.000 yên/tấn.

Tuần này cũng chứng kiến sự tăng vọt của giá nickel đã tiếp thêm sự tin để các nhà sản xuất thép không gỉ nâng giá bán do chi phí sản xuất đầu vào trở lên đắt đỏ hơn. Trong đó, Nippon Steel & Sumikin Stainless (NSSC) đã nâng giá thép cuộn cán nguội không gỉ CRC austenitic cho các hợp đồng giao tháng 10 thêm 10.000 yên/tấn (120 USD/tấn). Như vậy, CRC austenitic dưới 2mm sẽ có giá bán mới trong tháng 10 là 360.000 yên/tấn (4.319 USD/tấn), gồm phụ phí hợp kim 70.000 yên/tấn (840 USD/tấn) và giá cơ bản 290.000 yên/tấn (3.479 USD/tấn).

Thị trường thép Hàn Quốc

Không chỉ các nhà sản xuất thép Nhật Bản nâng giá thép không gỉ sau khi giá nickel phục hồi mạnh, mà các nhà sản xuất của Hàn Quốc cũng có quyết định tương tự. Hyundai Steel và BNG Steel đã nâng giá sản phẩm thép cuộn cán nguội CRC không gỉ austenitic 160.000 won/tấn (141 USD/tấn) và 183.000 won/tấn (161 USD/tấn) trong nước trong tháng này.

Như vậy, CRC 304 2mm của Hyundai sẽ có giá bán mới tại thị trường nội địa trong tháng 10 là 4,149 triệu won/tấn (3.671 USD/tấn) và của BNG là 4,801 triệu won/tấn (4.248 USD/tân). Trước đó, nhà sản xuất Posco cũng đã nâng giá thép cuộn cán nóng HRC không gỉ 150.000 won/tấn (132 USD/tấn) trong tháng 10.

Tuy nhiên, phản ứng từ giới thương nhân đối với quyết định nâng giá này là “án binh ất động”, bởi giá quá cao, trong khi nguồn hàng dự trữ vẫn còn nhiều. Nhưng cũng không ít người tỏ ra lo lắng vì khả năng giá nickel còn điều chỉnh theo xu hướng đi lên, chắc chắn giá thép không gỉ sẽ còn tăng nữa, câu hỏi đặt ra liệu có nên gom hàng vào thời điểm này để phòng ngừa hay không.

Ngược với thị trường thép không gỉ, thị trường thép cây của Hàn Quốc khá ảm đạm. Giới tiêu dùng ở thị trường này dường như đã chạy khỏi thị trường do hoạt động xây dựng quá yếu. Hơn nữa, giá phế liệu hạ nhiệt cũng góp phần làm giảm lực mua. Để giải quyết tình thế, Hàn Quốc đang cố gắng xuất khẩu thép cây sang thị trường nước ngoài, trong đó xuất sang Đài Loan với giá 600 USD/tấn.

Thị trường thép Ấn Độ

Bất chấp sự bao phủ bởi màu sắc u tối trên thị trường thế giới, thị trường thép Ấn Độ có vẻ khởi sắc hơn do lực cầu ở nước này giữ được nhiệt thông qua bằng chứng nâng giá thép của các nhà sản xuất.

Trong đó, JSW Steel cho biết sẽ nâng giá 3-4% (1.000-1.500 Rs/tấn (22,5-33,6 USD/tấn)) so với tháng 09. Tức sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC 2mm loại thương phẩm sẽ có giá mới trong tháng này là 33.900-34.300 Rs/tấn và thép cuộn cán nguội CRC 1mm loại D sẽ có giá bán xuất xưởng là 38.600-39.500 Rs/tấn.

Còn Bhushan Steel thì đã nâng giá 1.000 Rs/tấn và hiện giá chào bán xuất xưởng HRC thương phẩm là 31.000 Rs/tấn. Steel Authority of India Ltd thì đang cân nhắc việc nâng giá cơ bản tất cả các sản phẩm thép dẹt 1.000-1.500 Rs/tấn và Tata Steel cũng được kỳ vọng cũng sẽ nâng giá.

Các nhà sản xuất hàng đầu Ấn Độ đã nâng giá cơ bản đối với phôi và thép cây xử lý nhiệt TMT thêm 1.000-1.500 Rs/tấn (22,6-33,8 USD/tấn) so với tháng 09.

Trong đó phôi 100x100mm của nhà sản xuất Steel Authority of India Ltd (Sail) hiện đang được chào bán ở mức 28.000 Rs/tấn (631,8 USD/tấn) và thép cây TMT Fe 500 loại 8mm chào bán ở mức 30.600 Rs/tấn (690 USD/tấn).

Tuy nhiên, thị trường Ấn Độ có duy trì được nhiệt hay không vẫn chưa thể khẳng định, bởi từ đây đến cuối năm là thời điểm diễn ra mùa cưới, chắc chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả, do đó các nhà sản xuất sẽ phải sớm điều chỉnh giá thấp hơn trở lại.

Thị trường thép Đông Nam Á

Tình hình nhập khẩu của Đông Nam Á trong tuần này đóng băng, các nước trong khu vực dường như cũng tạm ngưng giao dịch sau khi Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ. Chính vì nhu cầu thấp, nên buộc hầu hết các nhà xuất khẩu phải hạ giá chào bán vào khu vực này.

Thép cây

Tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ chào bán thép cây sang Singapore với giá 600-610 USD/tấn cfr, giảm từ 630-635 USD/tấn cfr vào tuần trước do không chỉ nhu cầu thấp mà giá phế liệu cũng không còn cao như trước.

Nhu cầu thép cây ở Singapore tiếp tục yếu do ảnh hưởng bởi thời tiết xấu. Các công trình xây dựng đang ngưng trệ vì mưa nhiều. Hơn nữa, các nhà chức trách Singapore cũng đang bổ sung một số giải pháp để hạ nhiệt thị trường bất động sản.

Thép cuộn

Nhập khẩu cuộn trơn có boron của Trung Quốc vào Đông Nam Á đầu tuần này vẫn yên ắng. Các nhà nhập khẩu Đông Nam Á vẫn đang nỗ lực hạ giá chào mua, và tiếp tục trì hoãn các đơn đặt hàng mới dù dự trữ đã xuống thấp sau khi Trung Quốc nâng giá bán vào tuần trước.

Trung Quốc đang nỗ lực nâng giá lên 640-650 USD/tấn cfr, nhưng các nhà nhập khẩu ở khu vực này không mặn mà với giá chào cao hơn. Thị trường Việt Nam hiện rất bết bát, hầu như không có tín hiệu mua nào từ các nhà nhập khẩu, có chăng cũng rất ít và giá chào mua chỉ khoảng 600 USD/tấn cfr.

Phôi

Tuần này, Đài Loan và Hàn Quốc đã hạ giá chào bán phôi thép vào Đông Nam Á, trong đó gồm Việt Nam và Philippines, xuống còn 560 USD/tấn cfr. Tuy nhiên, giá này không hấp dẫn vì giá phế liệu đã điều chỉnh nên không có nhu cầu đặt hàng thời điểm này bởi họ muốn đợi thêm tình hình cho đến khi chắc chắn về giá cả thị trường ổn định.

Tuần rồi, các nhà sản xuất ở Nga và Ukraina cũng đã giảm giá chào bán phôi 5 USD/tấn xuống 570 USD/tấn cfr vào Đông Nam Á, riêng chào bán vào Thái Lan là 570-580 USD/tấn cfr do các đơn đặt hàng từ nước này tốt hơn.

Riêng tại Việt Nam

Thị trường trong nước

Thị trường thép Việt Nam trong tuần này rơi vào tình trạng đóng băng do có nhiều sự kiện xảy ra cùng lúc. Ngay từ khi Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ thì hoạt động giao dịch ở Việt Nam cũng ngưng lại. Thị trường thép Việt Nam hầu như bị chi phối hoàn toàn bởi thị trường thép Trung Quốc. Hơn nữa, Sự kiện kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long đã tác động không nhỏ đến giao dịch ở khu vực miền  bắc, đặc biệt là Hà Nội. Còn tại miền Trung đang đối mặt với trận đại hồng thủy tồi tệ nhất từ trước đến nay, dẫn đến phong tỏa hoạt động xây dựng.

Hầu hết các thương nhân trong nước ngày càng tỏ ra lo lắng nhiều hơn về tình hình thị trường, tiêu thụ vừa chậm chạp mà giá cả trên thế giới đang có sự điều chỉnh. Nhưng vẫn có nhiều người tin rằng thị trường sẽ khởi sắc hơn vào tuần sau bởi Trung Quốc đã trở lại và lễ hội 1.000 năm Thăng Long kết thúc. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa chắc chắn vì “gốc” giảm vẫn chưa kết thúc giai đoạn điều chỉnh.

Tuần này, giá thép cuộn cán nóng HRC trong nước đã giảm 100.000 đồng/tấn (5 USD/tấn) so với tuần trước do giới kinh doanh đang nỗ lực đẩy hàng ra để vớt vát. Một thương nhân cho biết ông muốn nhanh chóng thanh lý số hàng tồn kho do cần vốn để thanh toán cho các lô hàng nhập khẩu sắp về tới trong tháng này. Hiện giá HRC 2mm loại dùng để cán lại hoặc dùng làm thép ống có giá bán 13,5-13,6 triệu đồng/tấn (693-698 USD/tấn), bao gồm thuế VAT 10%. Nếu so với giá thế giới, giá trong nước bán thấp hơn 20 USD/tấn.

Thị trường nhập khẩu

Do nhu cầu thép xây dựng chậm nên hầu hết các nhà nhập khẩu của Việt Nam đã hạ giá chào mua phôi thép khoảng 10 USD/tấn từ mức 560 USD/tấn cfr từ Hàn Quốc và Đài Loan. Việt Nam cũng không hào hứng lắm với HRC 2mm với giá 640-650 USD/tấn cfr từ hai quốc gia này vì các ngành công nghiệp sử dụng thép đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Hơn nữa, hàng nhập về trước đó còn nhiều, mà bán không chạy nên giới thương nhân Việt Nam đang tính đến chuyện xuất khẩu lại các lô hàng HRC SS 400B 4~12mm với giá 600 USD/tấn fob. Tuy nhiên, vấn đề tái xuất khẩu gặp trở ngại bởi những thị trường mà giới thương nhân Việt Nam nhắm tới, nhu cầu cũng rất yếu, giá chào bán lại cao nên không hấp dẫn.

III. Thị trường thép CIS

Tuần này, các nhà xuất khẩu phôi CIS tỏ ra thất vọng vì có cảm giác bị “xỏ mũi”. Ngay khi hạ giá bán xuống thấp như mức khách hàng mong muốn, thì họ đã “trở mặt” và muốn CIS hạ giá thêm lần nữa.

Dù đã hạ chào bán phôi tại Biển Đen xuống 505-510 USD/tấn fob như mức kỳ vọng của các nhà nhập khẩu khu vực này từ mức 540-550 USD/tấn fob tuần trước, nhưng một lần nữa các nhà nhập khẩu khu vực muốn CIS hạ giá thêm chút nữa, họ cho rằng họ có thể mua phôi ở mức này nhưng không thể bán ra thị trường.

Trước tình hình nhu cầu ảm đạm, nhất là Iran, một số thương nhân đã hạ giá chào bán xuống đúng ngưỡng 500 USD/tấn fob, nhưng đáp lại họ vẫn nhận được rất ít các đơn đặt mua. Tuần rồi, Iran đã đặt mua phôi của CIS với giá 610 USD/tấn cfr, còn tuần này lực mua giảm nhiều vì nhu cầu ở Iran chuẩn bị bước vào thời điểm điều chỉnh do rơi vào mùa cưới.

Về thép cuộn cán nóng HRC, các nhà sản xuất Ukraina cho biết họ nhận được rất ít đơn đặt hàng từ châu Âu và Trung Đông, có chăng thì khối lượng mua không nhiều. Thậm chí giá giao dịch cũng rất thấp chỉ 600-610 USD/tấn fob đối với HRC dùng trong sản xuất thép ống.

Hy vọng sau khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại tình hình sẽ khá hơn. Đầu tháng 11 tới, các nhà sản xuất sẽ khởi động các hợp đồng mua quý Một năm 2011, còn Trung Đông sẽ tăng cường bổ sung các nguồn dự trữ đã xuống thấp.

Thông tin thêm về giá nguyên vật liệu

Giá quặng đang tăng trở lại

Giá quặng giao ngay đã tăng gần 2%, mức cao mới trong vòng một tháng do được hỗ trợ bởi sự thắt chặt nguồn cung từ Ấn Độ, cũng như kỳ vọng nhu cầu tại Trung Quốc sẽ phục hồi sau khi thị trường Bắc Kinh giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài gần một tuần từ thứ 6 tuần trước. 

Theo biểu đồ kỹ thuật, giá quặng sắt khả năng sẽ hướng về mức giá 159 USD/tấn, như vậy, có thể đẩy mức giá nguyên liệu sản xuất thép chạm mức cao về gần với đỉnh hồi tháng 04.

Giá nickel tại Sàn LME vọt lên 24.700 USD/tấn

Giá nickel tại Sàn giao dịch Kim loại London (LME) trong phiên giao dịch ngày 06/10 đã bất ngờ vọt lên 24.700 USD/tấn, tăng 580 USD/tấn so với ngày 05/10, đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 05 năm nay.

Trong đó, giá nickel giao kỳ hạn ba tháng có mức tăng cao nhất là 24.720 USD/tấn, còn giá nickel giao ngay giao dịch ở mức mạnh nhất là 24.706 USD/tấn.

Giới chuyên gia phân tích cho rằng giá nickel khả năng còn tăng mạnh nữa trong ngắn hạn do nguồn cung nickel không đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất thép không gỉ.

 

 (Tổng hợp từ Satthep.net)

ĐỌC THÊM