Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tìm phương án giảm lãi suất

Trước thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tính tới các phương án bỏ trần huy động 14%/năm, chỉ đặt trần cho vay hoặc đặt cả trần lãi suất (LS) đầu vào, đầu ra… nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại giải pháp này khó có thể hạ nhiệt được LS, thậm chí còn làm cho thị trường thêm rối loạn.
 

Doanh nghiệp muốn ngân hàng giảm lãi suất để còn cửa sống - ảnh: A.V

Hai phương án điều chỉnh lãi suất

Theo một nguồn tin từ NHNN, hiện cơ quan này đang nghiên cứu hai phương án để có thể xử lý trần LS huy động 14%/năm vốn tồn tại như một rào cản gây khó khăn cho hệ thống NH và các doanh nghiệp (DN). Phương án thứ nhất, trần LS huy động 14%/năm sẽ được nâng lên 15,5% - 16,5%, đồng thời áp trần cho vay 18 - 19%/năm. Phương án còn lại bỏ trần LS huy động 14%/năm và chỉ đặt trần cho vay 18 - 19%/năm.

Hai phương án trên được cho là "cực chẳng đã" khi mọi công cụ thị trường đều không còn tác dụng. Một nguồn tin có cơ sở cho thấy, nhiều khả năng phương án thứ hai sẽ được lựa chọn, trần LS cho vay 19%/năm sẽ được sớm áp dụng trong thời gian tới.

Bình luận về 2 phương án trên, TS Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng thị trường luôn “dị ứng” với các biện pháp hành chính, tuy nhiên, trong tình thế nước sôi lửa bỏng hiện nay không áp trần các NH sẽ “đua” LS, nhiều DN sẽ “chết” vì không có vốn để hoạt động do lãi vay cao quá mức. Quan điểm của TS Kiêm nếu áp trần thì nên bỏ “đầu vào” và chỉ chặn “đầu ra”. “Chí ít, việc bỏ trần LS huy động khiến các NH cạnh tranh bình đẳng, mạnh mẽ hơn. NH nào huy động LS thấp lợi nhuận cao, ngược lại LS cao thì lợi nhuận thấp. Đồng thời, với trần cho vay, các NH không thể để LS cho vay quá cao, DN còn có cửa sống”, ông Kiêm nói.

Cũng theo TS Kiêm, hiện tại qua phản ánh có rất nhiều DN vừa và nhỏ rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, có nguy cơ phá sản. Mức lãi vay các DN này có thể chịu đựng được khoảng 18%/năm, nhưng DN phải vay tới 24 - 25%/năm, vì vậy NHNN nếu áp trần nên căn cứ vào mức này, ngoài ra dựa vào cung cầu vốn hiện nay, khả năng kiểm soát và đặc biệt tình hình lạm phát, dự báo để đưa ra mức cụ thể, tránh trường hợp đặt trần rồi lại điều chỉnh nhiều lần gây khó khăn trong điều hành.

Chờ CPI rồi tính?

 

 

Chí ít, việc bỏ trần LS huy động khiến các NH cạnh tranh bình đẳng, mạnh mẽ hơn. NH nào huy động LS thấp lợi nhuận cao, ngược lại LS cao thì lợi nhuận thấp. Đồng thời, với trần cho vay, các NH không thể để LS cho vay quá cao, DN còn có cửa sống

TS Cao Sĩ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN

 
 
Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, TS Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (GSTC), cho rằng chọn phương án nào cũng dở, bởi càng đặt trần càng khiến cho thị trường méo mó. Một khi NHTM có cách phá trần huy động thì sẽ có cách để phá trần cho vay. Thậm chí việc phá đầu ra còn dễ hơn đầu vào bởi NH có thể thông qua hàng loạt loại phí khác nhau như phí thẩm định, phí bảo đảm tài sản… để lách luật.

 

Theo TS Nghĩa, không nên đặt thêm trần LS mà nên chờ tín hiệu lạm phát của tháng 5 để điều hành LS theo thị trường. Bởi theo tính toán của Ủy ban GSTC, chỉ số CPI của tháng 4 đã lập đỉnh, trong tháng 5 sẽ hạ nhiệt còn khoảng hơn 15% (so với cùng kỳ), thời điểm này có điều kiện để bỏ trần, NHTM có thế tính toán áp lãi huy động 16 - 17%/năm, lãi cho vay 19 - 20%/năm. Tuy nhiên, cùng với đó phải có giải pháp khác đi kèm để hạ nhiệt LS thị trường liên NH (thị trường 2), qua đó ổn định LS tiền gửi của người dân và các tổ chức (thị trường 1).

Ông Nghĩa cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu của NHNN là ổn định thị trường 2 để gián tiếp ổn định LS thị trường 1 chứ không phải can thiệp trực tiếp bằng các biện pháp hành chính về quan hệ vay mượn đối với DN và người dân. Để hạ nhiệt LS thị trường 2 tăng quá nóng thời gian qua (có thời điểm tăng 20%/năm - pv), cần phải dẹp bỏ tất cả quy định hành chính xung quanh việc cấp tín dụng, như quy định các NHTM chỉ được cho vay 80% tổng nguồn vốn huy động. Bởi quy định này đang để lại nhiều bất ổn cho hệ thống khi các NH có tổng tài sản lớn dùng 20% nguồn vốn còn lại này cho vay trên thị trường liên NH gây xáo trộn thị trường. Đồng thời, nên áp dụng công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ cao hay thấp phải tính toán thông qua điều tiết lượng tiền ra - vào từ các NHTM.

“Vấn đề quan trọng nhất phải điều tiết linh hoạt công cụ dự trữ bắt buộc, dùng công cụ này gom tiền về NHT.Ư, hỗ trợ NH khó khăn thanh khoản khi cần thiết”, ông Nghĩa phân tích.

 

Ngân hàng nhỏ bị “ép”

Lãnh đạo của Ủy ban GSTC phân tích, nguyên nhân của việc xé rào LS thời gian qua, ngoài khó khăn nguồn vốn khi NHNN thắt chặt tiền tệ, còn do các NH nhỏ bị NH lớn siết lãi vay quá cao, vì vậy các NH nhỏ âm thầm chạy ra thị trường 1 để huy động vốn. Để ngăn chặn tình trạng này, NHNN phải hỗ trợ vốn cho các NH nhỏ, yếu thanh khoản. NHNN chỉ cần bơm vài ba trăm tỉ đồng (có thể chỉ định cho vay khu vực nào đó như tam nông) lập tức thanh khoản sẽ cải thiện, dự trữ tiền tăng lên, các NH lớn không dám mặc cả LS cao. Nếu hệ thống có

5 - 7 NH khó khăn, NHNN cứ nhằm một vài nhà băng, gọi lên cho vay LS bằng LS tái cấp vốn của NHNN với điều kiện thế chấp bằng vốn điều lệ. “Mai mốt nếu không trả được có thể gia hạn cho lần 1, nếu lần thứ 2 vẫn không trả được, NHNN sẽ sở hữu vốn điều lệ của các NHTM này”, một lãnh đạo Ủy ban GSTC nói.

Nguồn tin: Thanhnien