Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Tiêu thụ thép tăng, nhưng chưa bền vững

Tháng 11 cả nước đã tiêu thụ được 300.000 tấn thép, nhưng chủ yếu do giới doanh nghiệp thương mại mua vào chờ thời cơ.

 

Tháng 11 đã tiêu thụ được 300.000 tấn

Tháng 11, cả nước đã tiêu thụ được 300.000 tấn, tuy nhiên nguyên nhân là do doanh nghiệp thương mại cho rằng, giá thép hiện nay đã “xuống đáy” và có khả năng tăng trong thời gian tới nên rục rịch mua vào chờ thời cơ.

Sau khi liên tục giảm giá trong tháng 10 và cho tới đầu tuần tháng 11, giá bán thép xây dựng bắt đầu tăng trở lại, tại miền Bắc tăng 0,8 đến 1,5 triệu đồng/tấn, miền Nam tăng 0,4 đến 0,6 triệu đồng/tấn.

Trên thị trường thế giới, sau khi giảm mạnh trong những ngày đầu tháng 11, giá chào phôi thép đã bắt đầu tăng trở lại nhưng vẫn thấp hơn so với tháng trước.

Tiêu thụ vẫn chỉ lòng vòng trong khâu lưu thông

 Mặc dù tiêu thụ tăng, nhưng theo Hiệp hội thép Việt Nam, tồn kho trong lưu thông vẫn rất lớn, nhất là phôi thép lên tới nửa triệu tấn, thép thành phẩm khoảng 200.000 tấn.

 Bộ Công Thương đánh giá, ngành thép trong nước vẫn tiếp tục khó khăn, tuy lượng tiêu thụ có nâng lên nhưng vẫn chỉ “lòng vòng” trong khâu lưu thông, chưa thực sự đến được “chân công trình”, nhu cầu tiêu dùng thép thực sự không lớn tới mức trên. Đây chỉ là hiện tượng chuyển dịch trong lưu thông, có dấu hiệu các doanh nghiệp thương mại đầu cơ chờ tăng giá.

Vẫn tiếp tục kiến nghị nâng thuế nhập khẩu thép

 
Nhằm cải thiện tình hình cho các nhà sản xuất, từ 1/12/2008, Trung Quốc sẽ bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với các loại thép cán nguội mà mạ kẽm.

Dự báo, trong thời gian tới các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu và giá thép và các sản phẩm thép sẽ tiếp tục ở mức thấp.

 Để thực sự tháo gỡ khó khăn cho thị trường thép, nhất là ngăn chặn “làn sóng” thép ngoại bán tháo từ nước ngoài có nguy cơ tràn vào đồng thời tránh nhập siêu, ngày 20/11/2008, Bộ Công Thương đã có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị một số biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, trong đó đưa ra hai phương án điều chỉnh thuế nhập khẩu.

Đối với phôi thép: Một là nâng thuế nhập khẩu phôi thép lên 15% (cam kết WTO cho phép đến 17%;

Hai là, áp dụng thuế tuyệt đối (đề xuất cụ thể mức thuế tuyệt đối đối với từng chủng loại phôi thép).

Lý do của đề xuất là Chính phủ cần hỗ trợ tối đa cho công nghiệp sản xuất phôi thép đang ở giai đoạn đầu phát triển; việc đẩy mạnh sản xuất phôi để giảm sự mất cân dối trong cơ cấu nội bộ ngành, giảm sự phụ thuộc vào phôi thép nhập khẩu là một trong những quan điểm cơ bản của Chiến lược và quy hoạch ngành thép đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc nâng thuế nhập khẩu phôi thép tất sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp cán thép từ phôi nhập khẩu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế nhập khẩu thép cán xây dựng từ 8 lên 20% (do năng lực trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu).

Đối với thép tấm, thép cán nóng, Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh tăng từ 0 lên 10% (để giảm tồn kho); thép lá đã phủ, tráng từ 10 lên 12%; ống thép hàn từ 10 lên 20%.

Tiếp đến, ngày 24/11, Hiệp hội Thép Việt Nam lại có Công văn đề nghị Bộ Tài chính nâng thuế nhập khẩu phôi thép lên mức 10%; đối với thép thành phẩm đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương.

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có ý kiến với Chính phủ kiến nghị nâng thuế nhập khẩu thép cán xây dựng lên 20% để bảo hộ doanh nghiệp cán thép; phôi thép lên 5%.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, khi các doanh nghiệp cán thép đã giảm được mức tồn kho trong toàn ngành xuống mức bình thường (khoảng 300.000 tấn/tháng), Bộ Tài chính cần nhanh chóng điều chỉnh thuế nhập khẩu thép thành phẩm ở mức 10%).

Được biết, về cơ bản Bộ Tài chính đã chấp nhận phương án của Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị.

Baocongthuong

ĐỌC THÊM