Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thương hiệu đang chi phối mạnh việc mua sắm

Nhận thức về thương hiệu của người tiêu dùng VN đang thay đổi và họ có xu hướng trung thành với thương hiệu uy tín. Năm 2008, chỉ còn 50% người tiêu dùng chọn mua những thương hiệu đang khuyến mãi, trong khi con số này là 70% (năm 2004) và 91% (năm 1991)

 

“Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới nhưng ở châu Âu không ai biết điều này. Như vậy, có thể đánh giá là VN chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu chứ chưa nói đến phát triển một thương hiệu mạnh mà đáng ra cà phê VN cần có”. Ông Antonio Berenguer, Tham tán Thương mại phái đoàn Ủy ban châu Âu tại VN, nhận xét như vậy tại hội thảo “Thương hiệu: Chìa khóa của thành công trong kinh doanh” do Eurocham, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức ngày 3-10 tại TPHCM.

 

Người tiêu dùng ngày càng muốn tiếp cận thương hiệu


Đa số người tiêu dùng VN là giới trẻ nên họ rất muốn tiếp cận với thương hiệu lớn. Ảnh: H. Thúy

Theo ông Antonio Berenguer, việc cà phê VN chưa có thương hiệu sẽ gây tổn thương cho ngành này khi mà VN chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, trong khi giá cả sản phẩm thô lại rất dễ biến động.

“Không chỉ sản phẩm xuất khẩu mới cần có thương hiệu mà cả sản phẩm tiêu dùng trong nước cũng không nằm ngoài quy luật này” – Giám đốc điều hành Công ty TNS VN Ralf Matthaes nói. Theo kết quả nghiên cứu thị trường, thương hiệu là yếu tố đầu tiên (trước các yếu tố chất lượng, phong cách, giá cả) khiến người tiêu dùng quyết định có mua sắm hay không và là một điểm mạnh để khởi đầu hoặc tiếp tục duy trì mối quan hệ với khách hàng.

Bên cạnh đó, 58% người tiêu dùng VN ở độ tuổi dưới 25 sẵn sàng đón nhận những ý tưởng và khái niệm mới thông qua thương hiệu. Điều này thể hiện qua top 10 thương hiệu phát triển nhanh nhất tại VN năm 2008: Có đến 8 thương hiệu chỉ mới xuất hiện trên thị trường trong vòng 36 tháng gần đây.

Nhận thức về thương hiệu của người tiêu dùng đang thay đổi và họ có xu hướng trung thành với thương hiệu uy tín. Nếu như năm 1991, 91% người tiêu dùng cho biết họ thường mua những thương hiệu đang khuyến mãi thì đến năm 2004, tỉ lệ này chỉ còn 70% và năm 2008 giảm còn 50%. Suy nghĩ muốn thay đổi thương hiệu khác chỉ để thử những cái mới cũng giảm từ 88% (năm 1991) xuống còn 44% (năm 2008).

Thiếu chính sách bảo vệ

Ông Ashok Sud, đồng chủ tịch nhóm thương mại và đầu tư của Diễn đàn VN-EU, cho rằng: Gần đây, nhiều thương hiệu quốc tế vào VN, tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong nước tiếp cận những sản phẩm chất lượng toàn cầu. Tuy nhiên, dù đã có nhiều hoạt động triển khai Luật Sở hữu trí tuệ nhưng do việc thực hiện không đồng bộ nên chưa phát huy hết tác dụng của luật. Trong năm 2007, lực lượng công an kinh tế đã xử lý 9.000 chai rượu mạnh, 10 tấn mỹ phẩm giả, gần 3.800 chai nước hoa... Các cơ quan quản lý thị trường đã điều tra 2.496 vụ vi phạm về thương hiệu, thiết kế công nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh... song tổng số tiền phạt rất thấp, chỉ khoảng 1,2 tỉ đồng.

Thực trạng giả thương hiệu ở VN, theo ông Antonio Berenguer, là rất đáng báo động. Trong đó, 40% phụ tùng xe máy là hàng giả, hàng nhái (thậm chí cả những bộ phận máy bay cũng bị làm giả); 8% thuốc ở VN là thuốc giả; 25% lượng rượu giả đang lưu thông trên thị trường; 88% vi phạm bản quyền phần mềm gây tổn thất kinh tế ước khoảng 200 triệu euro/năm. Tương tự, gần như tất cả các VCD, DVD đều là đĩa sao chép; dầu gội, quần áo, mỹ phẩm, túi xách... giả thương hiệu xuất hiện nhan nhản trên thị trường. “Xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu là hai việc không thể tách rời và vô cùng quan trọng trong giai đoạn hội nhập kinh tế” – ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, nhận xét.

NLĐ