Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 10 đến 16-12-2018)

 Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ xem xét dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Tăng lương tối thiểu vùng từ năm 2019, mức cao nhất hơn 4,1 triệu đồng

Từ ngày 01-01-2019, sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.920.000 đến 4.180.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Đây là một trong những nội dung Nghị định số 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động do Chính phủ ban hành.

Đối tượng áp dụng gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 01-01-2019 như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 160.000-200.000 đồng/tháng.

Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.

Nghị định nêu rõ doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.

Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại.

Mức lương tối thiểu vùng quy định nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.

Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.

Hoàn thiện nghị quyết dùng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ xem xét dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

Để sớm khắc phục khoảng trống pháp lý trong đầu tư theo hình thức BT, Thường trực Chính phủ chỉ đạo, đối với dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị quyết theo hướng tập trung xử lý chuyển tiếp đối với các dự án đã ký Hợp đồng BT trước ngày 01-01-2018, không hồi tố nhưng bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển, không gây khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng chỉ đạo của Chính phủ để hợp thức hóa sai phạm trong đầu tư dự án BT (nếu có).

Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương (cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án BT) và nhà đầu tư các dự án BT chịu trách nhiệm rà soát lại các Hợp đồng dự án, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các sai phạm (nếu có); không được chấp nhận sai trái, vi phạm pháp luật; không làm thất thoát tài sản công, không để xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm.

Trường hợp phát hiện có vi phạm nhưng chưa gây thất thoát tài sản nhà nước thì phải thực hiện điều chỉnh lại Hợp đồng BT; nếu phát hiện vi phạm (vi phạm pháp luật về ngân sách nhà nước, xây dựng, quản lý đất đai, đấu thầu, đầu tư công, quản lý tài sản công và pháp luật liên quan khác...) thì phải tự hủy Hợp đồng dự án, thu hồi ngay tài sản nhà nước, đồng thời xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Trên cơ sở dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ làm rõ tính pháp lý, nội dung và hình thức văn hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-12-2018.

Đối với dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao, yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-01-2019.

Trung Quốc đối mặt với nhiều cuộc điều tra thương mại trong năm 2018

Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng ngày 13-12 cho biết trong các tháng 01 đến 11-2018, 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành 101 cuộc điều tra liên quan đến tranh chấp thương mại nhằm vào các sản phẩm của quốc gia này, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các cuộc điều tra trên chủ yếu do các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Canada và Australia khởi động, liên quan tới khối lượng hàng hóa trị giá 32,4 tỷ USD, tăng 108% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 57 cuộc điều tra về chống bán phá giá, 29 vụ về chống trợ cấp và 15 vụ liên quan đến các biện pháp bảo hộ. Các vụ điều tra này chủ yếu nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu như sắt thép, hóa chất và vật liệu xây dựng.

Ông Gao cho biết Trung Quốc luôn cho rằng các biện pháp phòng vệ thương mại nên được sử dụng một cách tiết chế và tuân thủ các luật lệ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm duy trì hoạt động thương mại ổn định và sự cạnh tranh công bằng. Ông khẳng định Trung Quốc sẽ quyết bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích của các ngành trong nước theo quy định của WTO cũng như phù hợp với pháp luật Trung Quốc.

Đồng thời, quan chức này cũng cho biết Trung Quốc hy vọng sẽ tăng cường đối thoại và phối hợp với các thành viên khác của WTO để thúc đẩy hợp tác trong công nghiệp, giải quyết các mâu thuẫn và khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn, cùng nhau duy trì trật tự thương mại tự do và hệ thống thương mại đa phương, cũng như thúc đẩy đà tăng trưởng bền vững của thương mại và kinh tế toàn cầu.

ECB thu hồi chương trình kích cầu, duy trì lãi suất thấp kỷ lục

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 13-12 đã chính thức chấm dứt chương trình mua trái phiếu quy mô lớn bất chấp các mối đe dọa đối với triển vọng tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trong thông báo, ECB xác nhận sẽ ngừng hoàn toàn việc mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp vào cuối tháng này sau khi giảm dần hoạt động thu mua tài sản trong những tháng gần đây.

Việc ECB thu hồi chương trình mua trái phiếu được coi là một bước đi quan trọng trên lộ trình hướng tới bình thường hóa chính sách sau nhiều năm thực thi chương trình kích cầu thời khủng hoảng. Tuy nhiên, quyết định này được đưa ra đúng thời điểm nhạy cảm khi nền kinh tế Eurozone đang tăng trưởng ì ạch và ngày càng đối mặt với nhiều mối đe dọa.

Chương trình mua trái phiếu, còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng, được thiết kế nhằm kích thích tăng trưởng và kiềm chế lạm phát ở mức dưới 2%. Kể từ năm 2015 đến nay, ECB đã "bơm" hơn 2.600 tỷ euro cho chương trình này.

Cùng ngày, tại cuộc họp cuối cùng trong năm 2018, Hội đồng điều hành của ECB cũng nhất trí giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục và cho biết sẽ giữ nguyên ở mức này "ít nhất tới mùa Hè 2019".

Mọi sự chú ý hiện đổ dồn vào cuộc họp báo của Chủ tịch ECB Mario Draghi trong ngày 13-12. Tại cuộc họp này, ông Draghi dự kiến sẽ trấn an các thị trường rằng nền kinh tế Eurozone đang tăng trưởng ở mức đủ để chống đỡ hàng loạt rủi ro xuất phát từ việc Italy điều chỉnh quy định về ngân sách, làn sóng biểu tình "áo vàng" ở Pháp, cũng như tiến trình khó khăn đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Theo giới quan sát, nhiều khả năng ECB sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Eurozone bằng cách duy trì lãi suất cơ bản ở mức cực thấp và tái đầu tư tiền mặt từ trái phiếu đáo hạn trong một thời gian dài.

Dự kiến, tại cuộc họp báo, ECB cũng sẽ công bố dự báo tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát mới nhất của Eurozone cho năm 2021.

IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,7% trong năm 2019

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt mức cao 3,7% trong năm 2019 nhưng hai nền kinh tế đứng đầu là Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu hạ nhiệt.

IMF cảnh báo sự leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể khiến tăng trưởng của toàn cầu giảm 0,8 điểm phần trăm, bởi thương mại là động lực chính của tăng trưởng.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm tới sẽ giảm từ 2,9% xuống 2,5%, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 0,5 điểm phần trăm, trong khi tăng trưởng của Ấn Độ được giữ nguyên.

Nền kinh tế Anh hiện vẫn chưa hồi phục sau khủng hoảng tài chính được cho là sẽ tăng trưởng chỉ 1,5%, trong khi việc nước này ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) một cách thiếu trật tự sẽ có tác động tiêu cực, gây ra sự sụt giảm 5-8%.

IMF ước tính ngay cả một kịch bản Brexit suôn sẻ hơn cũng sẽ khiến GDP của nước này giảm 2,5-4%.

Những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể đã đạt đỉnh đã gây biến động trên các thị trường chứng khoán trong những tuần gần đây và các chỉ số chủ lực của chứng khoán Mỹ đã xóa bỏ hoàn toàn mức điểm tăng trong năm nay.

Giai đoạn tăng trưởng hiện nay của kinh tế Mỹ sẽ là dài nhất trong lịch sử nước này, nhưng động lực đến từ các biện pháp cắt giảm thuế trong năm ngoái đang suy yếu, việc tăng lãi suất và tình trạng thiếu lao động đang gây khó khăn cho thị trường nhà ở, trong khi xung đột thương mại có nguy cơ khiến tăng trưởng sụt giảm, ảnh hưởng xấu đến đầu tư và gây sức ép lên lạm phát.

Trong bối cảnh có những yếu tố thiếu chắc chắn, những lo ngại tiềm ẩn đang bắt đầu nổi lên như chi phí vay mượn của các công ty có nợ lớn gia tăng mạnh, nợ sinh viên không nhỏ và việc tăng lãi suất tác động đối với việc mua nhà.

Các nhà kinh tế của S&P Global Ratings cho rằng động lực tăng trưởng có thể đã đạt đỉnh trong quý II-2018, nhưng kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ chứng kiến tăng trưởng chậm hơn thay vì suy giảm trong ngắn hạn.

Tổng Giám đốc IMF Christine Largade cũng cho rằng không có dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong thời gian tới.

Các cuộc khảo sát lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ vẫn cho thấy sự lạc quan về nền kinh tế trong năm tới, nhưng có những lo ngại bắt đầu xuất hiện ở Mỹ cũng như trên thế giới mà nguyên nhân chính là xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế đầu tàu Mỹ và Trung Quốc.

Xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ lan ra phần còn lại của thế giới. Bất đồng giữa hai nước đe doạ gây tổn thất hàng trăm tỷ USD cho thương mại toàn cầu, trong khi ông Trump tuyên bố có thể áp thuế lên ô tô nhập khẩu. Việc Mỹ áp thuế cao lên nhôm và thép nhập khẩu đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của nước này.

Trong khi nhiều quan chức và giám đốc điều hành đồng ý với quan điểm của chính quyền của ông Trump về chính sách thương mại của Trung Quốc, đặc biệt là yêu cầu chuyển giao công nghệ, họ lo ngại về sự quyết liệt trong chiến lược mà ông thực hiện. Các doanh nghiệp, người nông dân và người chăn nuôi đang cảm nhận được những tác động.

Phó Chủ tịch Hội đồng ngoại thương quốc gia, Jake Colvin, cho rằng chính sách thuế đang có tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Trong khi đó, một thỏa thuận mà hai bên có thể nhất trí sẽ có nội dung gì vẫn là điều chưa rõ ràng. Chuyên gia thương mại William Reinsch thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược cho rằng Mỹ có thể phải hạ mục tiêu hoặc Trung Quốc sẽ bất ngờ đồng ý với những khuyến nghị mà các nhà kinh tế nước này đã đưa ra.

Theo Giám đốc điều hành của MedSource Labs có trụ sở ở Minnesota, Todd Fagley, một số nhà sản xuất Trung Quốc đã cảm nhận tác động của việc chi phí xuất khẩu tăng và tình trạng dư thừa công suất./.

Nguồn tin: Tạp chí cộng sản

ĐỌC THÊM