Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị trường vật liệu xây dựng: Nỗi lo hàng dỏm

Chọn mua sắt thép tốt để bảo đảm chất lượng công trình. Ảnh: thành tâm

Đang mùa cao điểm xây dựng nhưng nhiều loại vật liệu trong nước như thép, kính… vẫn rất ế ẩm do cầu giảm, tiêu thụ chậm, dẫu giá liên tục được điều chỉnh giảm. Trong khi đó, hàng loạt vật liệu nhập khẩu với lợi thế mác ngoại, lại có giá khá “bèo” đang “sống phơi phới”...

“Phù phép” hàng nhập khẩu

Đợt cao điểm đổ bộ của hàng ngoại vào Việt Nam bắt đầu từ đầu năm 2009, thời điểm hiệp định thị trường chung các nước Đông Nam Á (AFTA) có hiệu lực, nhiều loại thuế được điều chỉnh theo hướng có lợi cho hàng nhập khẩu. Nắm bắt cơ hội này, một số nhà nhập khẩu bất chính đã “lách” luật, tận dụng mọi thủ đoạn tuồn hàng vào Việt Nam, bất chấp chất lượng hàng hóa ra sao.

Gần đây nhất là việc những nhà nhập khẩu thép lợi dụng sự không rõ ràng trong việc quy định mã số hàng hóa để gian lận thương mại và đã “hóa phép” cho hàng ngàn tấn thép cuộn thành thép hợp kim để hưởng mức thuế 0%. Chính vì thế, khi lấy mẫu một số lô hàng SAE10B17, SAE1008B, SAE10B06 của một trong những đơn vị bị tình nghi vi phạm đưa đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 kiểm tra thì mới té ngửa, toàn bộ đều không phải là thép hợp kim. Thực tế, những mẫu thép này là loại thép thông thường được dùng làm thép xây dựng thuộc mã Hải quan 7213/99/00/90 với mức thuế nhập khẩu là 12%.

Chống gian lận thương mại đối với thép ngoại

Hiệp hội Thép Việt Nam vừa kiến nghị lên Thủ tướng các giải pháp chống gian lận thương mại đối với thép nhập khẩu, nhất là các loại thép nhập khẩu có nguồn gốc từ ASEAN, Trung Quốc. Theo đó, đối với phôi thép có nguồn gốc ngoài ASEAN, cần giữ nguyên mức thuế nhập khẩu 5% trong giai đoạn này; về lâu dài xem xét giảm thuế nhập khẩu xuống 0%. Đối với thép thành phẩm, cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật nhằm chống các hành vi gian lận thương mại và bán phá giá của các nước muốn thâm nhập hàng hóa vào thị trường Việt Nam một cách không bình đẳng.

TH. TIÊN

Tuy nhiên, trong loại thép này có thêm chút ít (0,005%) hàm lượng chất Bo (làm cứng thép) để qua mặt lực lượng kiểm soát, nhằm miễn thuế nhập khẩu. Ông Võ Văn Thái, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Duy Thành, chuyên phân phối sản phẩm thép (quận 12) cho biết, hầu hết thép nhập từ Trung Quốc đều có chất lượng không tốt, nguyên tố Bo thêm vào chỉ nhằm để được miễn thuế nhập khẩu. Chưa hết, lợi dụng thuế nhập cảng thép cuộn xây dựng luôn cao hơn 50% so với thuế nhập cảng lõi que hàn nên một số doanh nghiệp đã nhập loại thép làm lõi que hàn, sau đó trà trộn bán ra thị trường.

Theo các công ty sản xuất thép, loại thép này chỉ dùng để sản xuất que hàn hoặc giao cho các lò gia công rút thành dây thép buộc 8 ly, 6 ly và 4 ly. Nếu sử dụng trực tiếp loại thép trên vào xây dựng khả năng chịu lực rất kém, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình... “Đây là loại thép mềm, chịu lực kém, nên khi công trình nào sử dụng chắc chắn độ bền công trình sẽ bị ảnh hưởng. Còn về mặt thị trường, việc làm trên đã phá hoại thị trường thép trong nước, làm cho ngành sản xuất thép dây bị đình đốn; gây thất thu thuế hàng chục tỷ đồng mỗi năm”, một cán bộ Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định.

  • Sớm tăng cường kiểm soát

Cùng cảnh ngộ như lĩnh vực thép, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp sản xuất kính trong nước cũng điêu đứng bởi hàng nhập khẩu. Theo phản ánh của các doanh nghiệp sản xuất kính, hiện hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực kính bị bỏ ngỏ là nguyên nhân chính khiến tình trạng hàng dỏm nhập khẩu có đất sống. Cụ thể khi kê khai thuế, các nhà nhập khẩu đã hạ độ dày của kính xuống thấp nhằm giảm thuế, nhưng sau đó lại bắt tay với chủ đầu tư để đưa kính không đủ độ dày đạt chuẩn vào công trình xây dựng cao tầng.

Vì vậy, những loại kính cán cong vênh lớn, nhiều bọt, dễ vỡ, các loại kính chuyển màu quá độ và không bảo đảm màu tiêu chuẩn vẫn nghiễm nhiên tồn tại trong các công trình. Một số doanh nghiệp nhập khẩu còn kê khai giá trị tính thuế thấp hơn giá trị thực của sản phẩm tới 50%-70%. Từ đó dẫn đến giá thành của loại kính “chui” chỉ bằng 30%-40% giá thành sản xuất trong nước… “Điều nghịch lý là cùng chủng loại, yếu tố kỹ thuật kính như nhau, nhưng mỗi mét vuông kính quy tiêu chuẩn nhập khẩu lại có thể thấp hơn kính Việt Nam từ 10.000-15.000 đồng.

- Theo Vieglass, lượng tồn kho của ngành kính xây dựng trong nước đang ở mức báo động, ước tính 34 triệu m2, trong khi năng lực sản xuất hiện đạt khoảng gần 120 triệu m2/năm. Trong khi đó, ước tính mỗi tháng có hơn 2 triệu m2 kính được nhập về qua các cửa khẩu.
- Sau nhiều lần điều chỉnh, hiện giá thép của các công ty xuống mức 9,5-9,7 triệu đồng/tấn, trong khi giá thị trường 10,2-10,5 triệu đồng/tấn. Mức tiêu thụ thép quý 1-2009 sụt giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, nhỉnh hơn 200.000 tấn/tháng.

Nếu hàng rào kỹ thuật được siết chặt từ khâu đầu vào thì việc nhập khẩu kính sẽ khó có tình trạng lách luật xảy ra như vậy”, một cán bộ Công ty Kính VGI (Vũng Tàu) đặt vấn đề. Một vấn đề khác khiến kính dỏm vẫn có thể tung hoành được là do kính thuộc loại hàng hóa đặc biệt, nếu không có chuyên môn, khó phân biệt kiểm định được chất lượng. Lợi dụng điều này, nhiều doanh nghiệp đã quảng cáo hàng chất lượng cao, nhưng lại bán kính kém chất lượng giá thành thấp, khiến cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị “vạ lây”.

Trước diễn biến trên, Hiệp hội Kính và thủy tinh Việt Nam (Vieglass) đã có công văn số 04 gởi Bộ Xây dựng, kiến nghị tăng cường biện pháp kiểm soát chất lượng kính xây dựng nhằm cứu các công ty sản xuất trong nước. Theo đó, trước phản ánh của nhiều hội viên về tình hình thị trường đang xuất hiện nhiều loại kính nhập khẩu chất lượng thấp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, lãng phí trong sử dụng công trình.

Do đó, đề nghị Bộ Xây dựng nên đưa các tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm kính xây dựng và tiêu chuẩn lựa chọn, lắp đặt kính thành quy chuẩn, kỹ thuật bắt buộc áp dụng. Mặt khác, quy định đối với các sản phẩm kính xây dựng nhập khẩu và lưu thông trên thị trường bắt buộc phải được giám định chứng nhận và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo các quy chuẩn kỹ thuật hiện hành

(SGGP)

ĐỌC THÊM