Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thị Trường Thép Thế Giới Tháng 9/08

Tháng 9/08, giá thép trên thị trường thế giới đồng loạt sụt giảm mạnh do nhu cầu giảm trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại trong khi nguồn cung mặt hàng này vẫn ổn định.

Kinh tế toàn cầu đi xuống đã làm cho các lĩnh vực tiêu thụ nhiều thép như đầu tư, xây dựng, bất động sản và công nghiệp ôtô đều sụt giảm mạnh. Đầu tiên phải kể đến sự sụt giảm của ngành ôtô khi hoạt động kinh doanh của hầu hết các hãng sản xuất xe hàng đầu thế giới phải hoặc là cắt giảm sản lượng hoặc là cắt giảm lao động do nhu cầu giảm. Lĩnh vực đầu tư giảm mạnh trong đó đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trên toàn thế giới năm nay có thể giảm tới 10% và chấm dứt chuỗi 4 năm tăng liên tiếp vừa qua. Còn thị trường bất động sản toàn cầu thì liên tục ở các mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng nhiều năm qua.

Đồng bạc xanh trong khi đó lại leo lên mức cao nhất trong vòng 1 năm so với Euro và các đồng tiền chủ chốt khác trong những ngày đầu tháng này. Đồng USD mạnh lên làm cho giá thép trở nên đắt hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ những ngoại tệ khác. Mặc dù sau đó, đồng tiền của Mỹ đã giảm song cũng không thể khiến giá thép tăng trở lại do nhu cầu liên tục giảm còn các chi phí đầu vào như than đá và quặng sắt đều hạ nhiệt.

Giá thép phế liệu - loại thép được sử dụng làm nguyên liệu thô - đã tăng 80% trong năm ngoái song lại giảm thời gian gần đây. Giá thép xây dựng, loại thép được giao dịch chủ yếu ở những hợp đồng dài hạn, cũng ở xu hướng tương tự. Đứng đầu về sự sụt giảm này phải kể đến thị trường châu Á với mức giảm 20% tại Trung Quốc và 12,5% tại Nhật Bản.
Tại Trung Quốc, giá thép xây dựng tháng 9 giảm 19,11%, sau khi đã giảm tổng cộng 12% trong 2 tháng trước đó. Các chuyên gia trong ngành nhận định, sự sụt giảm của giá thép tại thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới này là do lĩnh vực bất động sản và xây dựng chững lại, trong khi nguồn cung lại dồi dào. Bên cạnh đó, quyết định tăng thuế xuất khẩu than cốc (một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thép) từ 25% lên 40% của chính phủ hồi cuối tháng 8 làm cho cả xuất khẩu và giá mặt hàng này đều giảm. Theo Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, giá than cốc ở thị trường nội địa đã giảm 50-200 NDT/tấn trong tháng qua.

Do giá giảm, nhiều nhà máy sản xuất thép của Trung Quốc đã buộc phải cắt giảm sản lượng, thậm chí có những công ty tạm thời dừng hoạt động hòng đẩy giá lên, song vẫn không đạt kết quả như mong muốn. Guo Guangchang, người giàu thứ 3 ở Trung Quốc, đồng thời là tổng giám đốc công ty thép quốc doanh Nanjing Iron & Steel United Co., nhận định việc cắt giảm sản lượng có thể hỗ trợ cho giá, song giá than cốc và quặng sắt còn có vai trò quyết định lớn hơn. Quả đúng như vậy, giá hai nguyên liệu đầu vào này tại Trung Quốc tháng qua giảm đã khiến giá thép tại thị trường nước này không thể quay đầu tăng trở lại.

Trong bối cảnh giá đi xuống như hiện tại, các nhà sản xuất thép của Trung Quốc cho biết họ sẽ tiếp tục giảm giá sản phẩm trong thời gian tới. 25 công ty sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc cho biết họ đã có quyết định hạ giá, trong đó riêng Baosteel, nhà sản xuất thép hàng đầu nước này, đã quyết định hạ giá thép kỳ hạn tháng 11/08 thêm 500-800 NDT (73,28-117,25 USD)/tấn.

Ở Nhật Bản, giá thép cũng sụt giảm mạnh trong tháng qua, tới 12,5%, sau khi sụt giảm liên tục 2 tháng trước đó. Riêng loại thép phế liệu, giá đã giảm tới gần một nửa kể từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9 và hiện chỉ còn giao dịch quanh mức 38.000 Yên (353,25 USD)/tấn.

Mặc dù giá đang giảm và giảm mạnh nhưng nhà sản xuất thép lớn nhất của Nhật Bản đồng thời là nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới là Nippon Steel lại có quyết định tăng giá bán sản phẩm của mình trong tháng 11 tới. Theo đó, Nippon sẽ tăng giá thêm khoảng 5.000 yên (47,82 USD) mỗi tấn, lên trung bình 110.000 – 120.000 Yên/tấn. Lý giải cho quyết định này, Nippon cho rằng do giá quặng sắt. giá than luyện cốc và than đá tại thị trường Nhật tăng cao, buộc họ phải tăng giá thép để giảm bớt thiệt hại.

Tại Ấn Độ, ngay từ đầu tháng 9, nhiều nhà sản xuất, trong đó có JSW Steel và Ispat Industries đều giảm giá bán các sản phẩm thép khoảng 2.000 Rs/tấn, bắt đầu từ ngày 01/9, do giá mặt hàng này trên thị trường thế giới giảm. Riêng đối với các hợp đồng dài hạn, các nhà sản xuất thép Ấn Độ còn có quyết định giảm cao hơn, tới 3.000 Rs/tấn. Ông P.K. Rastogi, thư ký của Hiệp hội Thép Ấn Độ cho rằng, giá thép tại thị trường nội địa có thể sẽ tiếp tục giảm hơn nữa, theo xu hướng của thị trường thế giới, và do các nhà sản xuất trong nước không thể bán được hàng với giá cao hơn so với giá mà các nhà nhập khẩu đưa ra.

Giá thép tại Ấn Độ giảm còn do giá quặng sắt giảm mạnh. Kể từ đầu năm nay, giá nguyên liệu thô để sản xuất thép này đã giảm 35%, và hiện chỉ còn 100 USD/tấn.

Tại Braxin, giá thép biến động không đồng đều, song đều ở xu hướng giảm trong tháng qua. Quyết định tăng giá quặng sắt của các công ty nước này đã khiến giá thép giảm ít hơn so với các thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên quyết định này cũng khiến các nhà sản xuất quặng sắt hàng đầu Braxin, trong đó có Vale mất nhiều hợp đồng với các đối tác quan trọng, trong đó có các nhà sản xuất thép Trung Quốc.

Mặc dù giá các loại thép ở Braxin không giảm nhiều, nhưng riêng loại thép không gỉ lại giảm mạnh, do giá nken, một trong những nguyên liệu đầu vào chủ yếu để sản xuất loại thép này, giảm mạnh. So với cách đây 5 tháng, giá thép không gỉ tại Braxin đã giảm khoảng 33% và chỉ còn giao động quanh mức 22.000 USD/tấn trong những ngày cuối tháng 9.

Trong khi thị trường xây dựng toàn cầu hầu như chững lại thì tại Nga thị trường này lại đang bùng nổ khá mạnh làm cho nhu cầu thép, đặc biệt là thép phế liệu tăng cao. Trước tình hình này, chính phủ Nga đang xem xét sẽ bãi bỏ thuế nhập khẩu đồng thời tăng thuế xuất khẩu đối với loại thép nói trên. Chính phủ nước này có thể cũng sẽ bỏ thuế nhập khẩu 5% đối với than luyện cốc và thép cán nóng và cán nguội dùng ngành công nghiệp ôtô, để đáp ứng nhu cầu ở thị trường nội địa.

Tại Indonesia, giá thép tăng khá cao trong những tháng đầu năm do giá quặng sắt và than luyện cốc tăng và theo xu hướng của thị trường thế giới. Tuy nhiên thời gian gần đây, giá thép giảm sút trên toàn cầu đã giúp giá tại thị trường nội địa Indonesia giảm trở lại. Chỉ trong hơn một tháng kể từ giữa tháng 8, giá thép tại Indonesia đã giảm tới 30%, trong đó giảm mạnh nhất là loại thép phế liệu. Hiện loại thép này chỉ còn 3.500 Rp/kg, so với 5.500 Rp/kg tháng trước đó.

Cũng giống như ở Nga, nhu cầu thép tại Indonesia, biệt là loại thép cán nóng dùng trong công nghiệp đóng tàu và xây dựng. Chính phủ nước này đã nghĩ đến biện pháp sẽ bãi bỏ thuế nhập khẩu thép (hiện đang áp dụng là 7,5 – 12%) để tăng nguồn cung và giúp các công ty trong nước đối phó với tình trạng chi phí đầu vào leo thang. Theo Theo Bộ Công nghiệp Indonesia, nguồn cung thép tại nước này đang khá khan hiếm do giá giảm và các nhà sản xuất thép còn tăng cường dự trữ để đợi giá cao lên, khiến nhập khẩu sản phẩm thép vào nước này có thể tăng đột biến tới 6 lần trong năm nay so với năm ngoái.

Tại Việt Nam, giá thép xây dựng cũng giảm khá mạnh trong tháng qua do giá phôi thép trên thị trường thế giới giảm mạnh, từ mức 1.150-1.200 USD/tấn hồi tháng 7 xuống còn dưới 800 USD/tấn hiện nay đã tác động mạnh đến thị trường thép trong nước Bên cạnh đó, nhu cầu thép giảm mạnh trong tháng qua do hoạt động xây dựng chững lại trong mùa mưa bão cũng khiến giá thép giảm theo. So với thời điểm giá đạt mức cao 20-21 triệu đồng/tấn, giá thép hiện nay ở nước ta đã giảm khoảng 27%, xuống còn quanh mức 15 triệu đồng/tấn.

Dự báo:
Giá thép trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục giảm trong tháng 10 do nhu cầu giảm, kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn khiến hoạt động đầu tư, bất động sản và xây dựng tiếp tục chững lại. Giá giảm, nhiều công ty thép ở các nước sẽ phải tiếp tục tạm dừng hoạt động để cắt lỗ.
(Vinanet)

ĐỌC THÊM