Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép, xi măng phản đối do bị "phân biệt đối xử"

Đại diện cho các doanh nghiệp (DN) thép và xi măng đều lên tiếng phản đối việc Bộ Công Thương dự kiến áp giá điện riêng cho 2 ngành này. Trong khi đó, đại diện của Bộ Công Thương khẳng định: giá điện trong thời gian tới chắc chắn sẽ tăng và DN các ngành cũng cần có sự chia sẻ với ngành điện.

Dự báo, tổng tiêu thụ điện năng của ngành thép và xi măng giảm xuống còn 10% trong năm 2013. (Ảnh internet).

"Không chấp nhận được"

Dự thảo về cơ cấu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương đang trong giai đoạn lấy ý kiến. Một trong những điểm đáng lưu ý của dự thảo là sẽ áp dụng giá điện riêng cho 2 ngành xi măng và thép với mức giá cao hơn các ngành khác từ 2 đến 16%. Với mức giá này, các DN xi măng và thép cho rằng họ đang bị "phân biệt đối xử".

Ý kiến của ông Lại Quang Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Thép Việt – Úc đã làm “nóng” buổi tọa đàm trực tuyến “Để ngành thép và xi măng phát triển ổn định, bền vững” do Báo Công Thương tổ chức ngày 24-7. Ông Trung cho biết, đối với DN, tăng giá điện đã khó, mà lại tăng trong cảnh “phân biệt đối xử” với các DN thì càng không chấp nhận được.

Hiện tại, trung tâm thép của Việt Nam là Hải Phòng đang có nhiều DN phải đóng cửa. Cụ thể, 4 DN luyện thép công suất 1 triệu tấn phải đóng cửa, 3 DN cán thép công suất 60.000 tấn cũng đã dừng hoạt động. “Đằng sau việc đóng cửa của DN là các gia đình khó khăn, an ninh xã hội bất ổn. Với 2.000 lao động không có việc làm thì cần 30.000 tỷ đồng để khôi phục việc làm cho họ, đây là nguồn vốn quá lớn”, ông Trung nói.

Hơn nữa, tăng giá điện để kiếm một khoản tiền thì dễ nhưng tác động của nó đối với nền kinh tế lại không nhỏ. Đấy là chưa kể tăng giá điện chưa chắc ngành điện đã thu được tiền bởi DN đóng cửa thì DN điện sẽ không thu được tiền điện.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, công nghệ sản xuất của ngành thép Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực. Chẳng hạn như Công ty thép Việt đầu tư công nghệ thiết bị của G7; lò điện hồ quang công suất lớn 120 tấn/mẻ. Hơn nữa, lượng tiêu thụ điện trung bình của ngành thép là 450kWh/tấn sản phẩm, đây là mức tiêu hao năng lượng tiên tiến của các nước Đông Nam Á.

Chưa kể, “đây là giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp nên nếu áp dụng ở thời điểm này thì đã đi ngược Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ", ông Nghi nói.

Đại diện cho các DN xi măng, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cũng lên tiếng, các dây chuyền sản xuất xi măng của Việt Nam không hề thua kém so với các nước trong khu vực, trung bình tiêu tốn 90 - 100 kwh/tấn xi măng. Đây là mức tiêu thụ tiêu hao trung bình tiên tiến so với các nước trên thế giới.

Theo tính toán của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cuối năm 2013, dự tính tổng công suất cả nước đạt 70 triệu tấn xi măng, trong đó 68,5 tấn được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng, chỉ có 1,5 triệu tấn là được sản xuất bằng các lò đứng chưa đảm bảo về mặt công nghệ. Tuy nhiên những lò đứng này theo quy hoạch cũng sẽ ngừng hoạt động vào năm 2015. Nói như vậy để thấy rằng, ngành xi măng không hề lãng phí điện mà đang tìm mọi biện pháp để tiết kiệm.

"DN sản xuất phải có chia sẻ"

Đại diện của 2 ngành này đều đồng ý với việc tăng giá điện nhưng phải có lộ trình và không được có sự "phân biệt đối xử". Mong muốn của DN khi tham gia buổi tọa đàm này là được nghe tiếng nói của Bộ Công Thương về đề xuất tăng giá điện riêng cho ngành thép và xi măng, cụ thể ở đây là Cục Điều tiết điện lực. Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực chỉ có đại diện tham gia chương trình, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các DN. Bởi vậy, người đứng ra giải đáp kiến nghị của DN là ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương).

Ông Chuyện cho biết, theo báo cáo mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đối với việc tiêu thụ điện của 2 ngành thép và xi măng đang ngày càng giảm xuống. Tổng tiêu thụ lượng điện của 2 ngành này trong 2010 là 12%, năm 2011 là 11,6%, năm 2012 là 11,4% và dự báo năm 2013 giảm xuống còn khoảng 10%.

Cụ thể hơn, tiêu thụ điện của ngành thép năm 2011 là 5,17 tỷ kwh chiếm 5,5% sản lượng điện, con số này của năm 2012 lần lượt là 5,29 tỷ kwh và 5,1% và trong 6 tháng đầu năm 2013 là 2,56 tỷ kwh và 4,7%.

Hơn nữa, giá điện trong sản xuất phôi thép từ thép phế sử dụng lò điện hồ quang 550-600kwh chiếm khoảng 5 đến 6% chi phí giá thành sản phẩm, một số dự án lớn cũng sử dụng lò điện hồ quang chỉ dưới 5%. Với thép cán nguôi, thép cán ống chi phí điện năng chiếm 0,6 đến 1,8% chi phí giá thành sản phẩm, còn giá điện đối với các sản phẩm trong cán thép chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Với những phân tích, dẫn chứng đưa ra, vị lãnh đạo của Bộ Công Thương cho rằng, ngành điện, thép và xi măng đều có những khó khăn. Khó của điện là giá bán thấp hơn nhiều so với giá thành, ngành điện đang chịu lỗ lớn. Bởi vậy, muốn hay không muốn giá điện cũng phải tăng, đây là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, việc có áp dụng một khung giá điện cao hơn cho ngành thép và xi măng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Thông điệp cuối cùng ông Chuyện gửi tới các DN là: “Các DN sản xuất phải có chia sẻ với ngành điện, cùng với đó ngành điện, các đơn vị chắn năng cũng phải có cân đối, tính toán lộ trình, sự hợp lý trong việc tăng giá điện”.

Nguồn tin: Haiquan

ĐỌC THÊM