Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép Việt – Ý vẫn chìm trong thua lỗ

 Năm 2019, VIS đặt kế hoạch doanh thu gần 4.862 tỷ đồng, bằng 93% so với thực hiện năm 2018. Đồng thời, Công ty lên kế hoạch lỗ 93 tỷ đồng trong năm nay.


Tình hình kinh doanh của Thép Việt - Ý vẫn chưa thấy điểm sáng.

Đây là Nghị quyết số 05 NQ/HĐQT về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2019, do HĐQT Công ty cổ phần Thép Việt - Ý (VIS) ban hành gần đây. Tuy nhiên, liệu VIS có đạt được kế hoạch giảm lỗ hay không vẫn là câu hỏi ngỏ, bởi theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, dù nhu cầu thép trên thị trường thế giới tăng, nhưng nguồn cung thép tăng mạnh hơn so với cầu, khiến ngành thép gặp nhiều khó khăn.

Tại thị trường trong nước, dù có sự tăng trưởng khá về sản lượng, nhưng hiệu quả sản xuất của nhiều nhà máy vẫn ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp thép, đặc biệt là các nhà máy cán thép thuần túy gặp khó khăn do chi phí phôi thép đầu vào tăng cao, trong khi giá thép thành phẩm không tăng tương ứng. Đồng thời, tình trạng cung vượt cầu vẫn tiếp diễn, dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất nhằm duy trì thị phần.

Trở lại với VIS, hiện tại doanh nghiệp này đang sử dụng công nghệ lò điện EAF để sản xuất thép, với chi phí chính là thép phế và điện. Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp sử dụng lò cao, công nghệ này không có lợi thế về chi phí sản xuất, dẫn đến tỷ suất lợi nhuận gộp của VIS chỉ đạt ở mức trung bình so với ngành. Với tình hình biến động rất mạnh của giá thép trong những năm qua, cùng chính sách tăng thuế nhập khẩu thép của Mỹ và các nước châu Âu, khó khăn xem ra vẫn chưa qua với VIS.

Thực tế tại công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 của VIS đã cho thấy, doanh thu thuần 1.372 tỉ đồng, giảm 8% so với cùng kì. Giá vốn hàng bán 1.532 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kì năm trước. Theo đó, Thép Việt Ý ghi nhận lãi gộp âm hơn 150 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 13,2 tỉ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính chiếm tỉ trọng nhỏ, giảm từ 6,3 tỉ đồng xuống 4 tỉ đồng. Chi phí tài chính ở mức 23,4 tỉ đồng, tăng 27,9% so với cùng kì.

Chi phí bán hàng giảm mạnh từ 10,2 tỉ đồng xuống 2 tỉ đồng trong quý IV đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 15,4 tỉ đồng, giảm 18,5%. Sau khi trừ đi các chi phí, Thép Việt Ý ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 195,6 tỉ đồng trong khi cùng kỳ 2017 lỗ 23,8 tỉ đồng. Năm 2018, doanh thu thuần đạt 5.229 tỉ đồng, giảm 14% so với năm trước và hoàn thành 74% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm gần 326 tỉ đồng, trong khi năm 2017 vẫn lãi 43,5 tỉ đồng.

Theo giải trình của công ty, do chính sách hạn chế nhập khẩu phế liệu của Chính phủ, việc gia hạn giấy phép nhập khẩu thép bị chậm trễ làm ảnh hưởng đến quá trình nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, làm phát sinh chi phí lưu tàu, chi phí hủy hợp đồng và các chi phí khác.

Mặt khác, theo lý giải của Thép Việt Ý, thị trường biến động mạnh, đặc biệt là thị trường sản xuất phôi thép làm cho sản lượng phôi bán ngoài của công ty giảm mạnh. Nhà máy phôi hoạt động cầm chừng dẫn đết kết quả lỗ chi phí cố định phát sinh. Ngoài ra, do thị trường biến động mạnh, trong khi Thép Việt Ý phải chuẩn bị mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trước mấy tháng dẫn đến lỗ chi phí nguyên vật liệu đầu vào.

Kết quả kinh doanh kém khả quan của Thép Việt Ý nằm trong bối cảnh ngành thép gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc bảo hộ thương mại đang gia tăng tại nhiều quốc gia và khu vực, giá thép nhiều khả năng sẽ bị phân hóa đối với các khu vực. Thêm vào đó, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành kế hoạch cắt giảm công suất và hiện tại đang nới lỏng các tiêu chuẩn môi trường đối với sản xuất thép. Cộng với việc nguồn cung thép Việt Nam tăng lên khá mạnh, giá thép sẽ chịu áp lực giảm khá lớn trong năm 2019.

Nguồn tin: Diễn đàn doanh nghiệp

ĐỌC THÊM