Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép tăng giá và mối lo kích cầu thép ngoại

- Đầu tháng 8, một lần nữa thép tăng giá, làm dấy lên mối lo kích cầu thép ngoại

Theo công bố giá bán sản phẩm ở khu vực miền Nam của tổng công ty Thép Việt Nam áp dụng từ 3.8, giá thép tăng thêm 100.000 – 250.000đ/tấn so với lần công bố trước (13.7). Như vậy, tính từ đầu tháng 5, tức chỉ sau hơn ba tháng, thép đã năm lần tăng giá, với mức tăng khoảng 10%.

Kích cầu và áp lực tăng giá

Theo hiệp hội Thép Việt Nam, các gói kích cầu của Chính phủ đã giúp ngành thép từ tháng 3.2009 dần dần hồi phục. Nếu chỉ tính thép cán xây dựng, sáu tháng đầu năm tổng tiêu thụ đạt 1.929.062 tấn, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,25%.

Tuy nhiên, tổng sản lượng sản xuất thép chỉ đạt 1.823.359 tấn, giảm 7,28% so với cùng kỳ năm 2008. Tỷ lệ phôi sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 60%, còn lại phụ thuộc phôi thép nhập khẩu. Giá thép tăng liên tục từ tháng 5 có thể kể do từ tháng 4.2009 có những biến động về giá cả nguyên liệu và thuế nhập khẩu. Theo số liệu Hải quan, cùng với việc giá thép trên thị trường thế giới tăng, giá phôi thép nhập khẩu trong những ngày đầu tháng 7 cũng tăng lên mức 415 – 427 USD/tấn, tăng khoảng 20 USD/tấn so với giá nhập khẩu trung bình trong tháng 6.2009. Giá thép phế nhập khẩu cũng tăng 15 – 20 USD/tấn (ở mức 300 USD/tấn). Từ tháng 7, chỉ thị của ngân hàng Nhà nước hạn chế cho vay ngoại tệ để nhập sắt thép phế đã gây khó khăn cho các công ty sản xuất phôi.

Trong lúc đó, cũng theo hiệp hội Thép, tiêu thụ thép trong nước đã có chiều hướng phục hồi. Vì vậy, giá thép trong nước cũng tăng theo.

Cơ hội của thép ngoại

Theo số liệu Hải quan, trong nửa đầu năm 2009, cả nước đã nhập khẩu 3,973 triệu tấn thép với kim ngạch 2,118 triệu USD, giảm 33,5% về lượng và giảm 53,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng phôi thép chiếm trên 27%, đạt 1,080 triệu tấn, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu thép giảm có phần do ngành xây dựng bị đình đốn từ năm 2008 kéo dài đến tháng 3.2009, và có phần do một lượng lớn thép đã được nhập từ 2008.

Tuy nhiên, theo hiệp hội Thép, ngành xây dựng đang phục hồi và việc tăng giá thép sẽ tạo điều kiện để thép Trung Quốc và thép các nước ASEAN có giá rẻ hơn Việt Nam có cơ hội nhập vào Việt Nam nhiều hơn. Hiệp hội đưa ra số liệu thép cuộn nhập vào Việt Nam trong tháng 5.2009 gần 50.000 tấn, tăng 66,67% so tháng 4.2009 – nghĩa là, nhập khẩu thép tăng trùng thời điểm thép trong nước tăng giá. Theo số liệu của tổng cục Thống kê, sáu tháng đầu năm, sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam nhiều nhất là từ ASEAN 610 ngàn tấn (305 triệu USD), Nhật 538 ngàn tấn (297 triệu USD) và Trung Quốc 321 ngàn tấn (214 triệu USD).

Hiệp hội Thép cho rằng, thép thành phẩm được ưu tiên đảm bảo ngoại tệ trong khi thép phế, nguyên liệu chủ yếu sản xuất phôi, lại bị ngân hàng từ chối đã gây khó cho sản xuất trong nước và là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải tăng giá thép. Nhưng thiết nghĩ, các doanh nghiệp thép cũng cần cân nhắc chính sách giá. Nếu không, thép ngoại càng có thêm cơ hội, khi Chính phủ vừa tuyên bố vẫn tiếp tục chính sách kích cầu.

(SGTT)

ĐỌC THÊM