Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép nội cuống cuồng tìm cách phòng vệ

Doanh nghiệp thép trong nước đang "đau tim" trước tình trạng đổ bộ ào ạt của thép ngoại hiện nay. Nhà nhập khẩu thép bị quy tội "cõng rắn cắn gà nhà" vì đã tập trung lượng tiền lớn dự trữ thép ngoại khiến thị trường chao đảo, tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Thép ngoại lấn sân


Lượng thép cuộn cán nguội (CRC) ngoại nhập vào VN trong thời gian quan luôn ở mức cao. Năm 2008, mức tiêu thụ CRC của toàn thị trường khoảng 1 triệu tấn, thì riêng thép nhập đã chiếm đến 750 nghìn tấn. Năm 2009, lượng thép nhập khẩu tiêu thụ xấp xỉ mức này. 6 tháng đầu năm 2010, tổng lượng thép CRC thị trường tiêu thụ đạt 775 nghìn tấn, trong đó 275 nghìn tấn là hàng nhập khẩu. Hiện các loại thép ngoại gắn "mác" Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đã "nhẵn mặt" thị trường VN.

Trong khi đó, ngành thép nội địa được cảnh báo là nguồn cung vượt cầu. Với tổng công suất của 6 nhà máy sản xuất thép trong nước mỗi năm cho ra khoảng 2,4 triệu tấn, có thể nói cung đã vượt gấp đôi cầu. Câu hỏi bức bách đặt ra là thép nội thừa mứa như vậy tại sao VN vẫn tiếp tục nhập nhiều thép từ nước ngoài, trong khi chất lượng thép nhập không hề tốt hơn thép sản xuất trong nước.

Theo Phó Giám đốc công ty thép tấm lá Phú Mỹ (PFS) Trần Quang: "Chiêu độc của các công ty sản xuất thép lớn trong khu vực là mỗi khi "hàng dội chợ" là họ lập tức quay sang tấn công thị trường VN, "điểm huyệt" các nhà nhập khẩu trong nước bằng việc giảm giá thành xuống mức hấp dẫn nhất".

Các doanh nghiệp nhập khẩu sau khi nhập hàng ngoại về đầy kho, để tiêu thụ được hàng, giới buôn thép không ngần ngại hạ thấp giá thành sản phẩm, vô hình trung đã đẩy thép nội vào bước đường cùng. Theo tính toán của giới kinh doanh lĩnh vực này, giá thép nhập khẩu và thép sản xuất trong nước chênh nhau từ 500.000-700.0000 đồng/tấn.

Biện pháp phòng vệ nào cho thép nội?

Trong khi VN vẫn còn thả nổi việc nhập khẩu thép thì các nước trong khu vực lại rất chặc chẽ trong việc kiểm soát nhập khẩu đối với mặt hàng này. Indonesia hơn một năm rưỡi trước đã ban hành thủ tục áp dụng giấy phép nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép.

Doanh nghiệp nước ngoài muốn xuất khẩu thép vào thị trường Indonesia phải tuân theo đầy đủ các thủ tục đăng ký, xin giấy phép; doanh nghiệp trong nước phải có báo cáo định kỳ về tình hình nhập khẩu thực tế. Vừa qua, Bộ Thương mại Indonesia đã tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép tấm cán nóng có mã HS 72085100 và 72085200 nhập khẩu từ Trung Quốc, Singapore và Ukraine.

Tại Malaysia, bên cạnh việc đánh thuế cao (25%) đối với thép nhập khẩu, nước này còn áp dụng giấy phép nhập khẩu cho các loại sản phẩm thép dẹt (cán nguội, cán nóng, tôn mạ kẽm, mạ màu) như HRC (thép cuộn cán nóng), CRC (thép cuộn, tấm lá cán nguội), EGI (thép mạ điện).

Các doanh nghiệp trong nước cho biết đang sốt ruột trước những thông tin, hoạt động bảo vệ ngành sản xuất ngành thép của các nước trong khu vực. Làm sao kiểm soát được lượng thép nhập khẩu vào VN? "Thông tin về sản lượng và giá cả các sản phẩm, doanh nghiệp trong ngành đều biết rõ. Vấn đề ở đây là cần có một cơ chế để doanh nghiệp và các ban ngành chức năng có thể phối hợp được", Giám đốc một công ty sản xuất thép tại TP.HCM bày tỏ.

Hiện Bộ KH&CN đang trong quá trình thực hiện xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho mặt hàng thép. Các doanh nghiệp trong ngành đang hi vọng trong thời gian tới ngành thép sẽ có hệ thống tiêu chuẩn áp dụng chung cho sản phẩm thép sản xuất trong nước và sản phẩm thép nhập. "Ngoài ra, cần kiên quyết không cho nhập khẩu sản phẩm thép thứ loại. Trong thực tế, không ít các sản phẩm kém chất lượng nhập vào thị trường VN dưới vỏ bọc sản phẩm loại 2", Phó giám đốc PFS khẳng định. 
 

Nguồn: stockbiz

ĐỌC THÊM