Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép Nam Kim: Bất ổn cơ cấu vốn

Công ty cổ phần Thép Nam Kim chào bán 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ và thu về 100 tỉ đồng. Công ty Trách nhiệm Hữu Hạn Thương mại Dịch vụ Đầu tư P&Q đã mua toàn bộ số cổ phiếu này và trở thành cổ đông chiến lược nắm giữ hơn 25% cổ phần Nam Kim. Dù thành công trong đợt phát hành này, nhưng vốn chủ sở hữu của Nam Kim vẫn thấp, khiến một số nhà đầu tư băn khoăn về an toàn tài chính và khả năng cạnh tranh của Công ty trong ngành kinh doanh thép đòi hỏi nhiều vốn này.

 

Sau năm 2012 lỗ nặng, Nam Kim đã nhanh chóng hồi phục và thu về lợi nhuận gần 52 tỉ đồng trong năm 2013. Sở dĩ Công ty có kết quả khả quan này phần lớn là do giá thép tăng vào năm ngoái và có thêm lợi nhuận từ việc đưa vào vận hành nhà máy mới.

 

Cụ thể, trong năm 2010 Nam Kim bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy thép Nam Kim 2 và đã đưa vào vận hành từ quý III/2012, nâng tổng sản lượng lên 350.000 tấn/năm. Đây là nhà máy có các dây chuyền gia công xử lý thép cuộn với công nghệ tiên tiến. Một số dây chuyền chính gồm dây chuyền cán nguội, dây chuyền mạ kẽm dày, dây chuyền mạ màu. Đến nay, sản phẩm của Nam Kim khá đa dạng, gồm tôn lạnh, tôn lạnh mạ màu, thép dày mạ kẽm, tôn mạ kẽm, tôn kẽm mạ màu, ống thép và xà gồ.

 

Sau khi nhà máy mới vận hành ổn định, sản lượng năm 2013 đã gia tăng hơn 50% (chủ yếu tăng thị phần tôn mạ và ống thép). Điều đáng nói là tỉ trọng giữa sản lượng sản phẩm thương mại và sản phẩm sản xuất đã thay đổi. Trước đó, sản lượng từ thương mại chiếm tỉ trọng cao (43%), nhưng từ khi nhà máy Nam Kim 2 ra đời, con số này đã giảm xuống còn hơn 10%. Đổi lại, tỉ trọng của hoạt động sản xuất lại tăng mạnh. Vì mảng sản xuất có lợi nhuận gộp cao hơn hoạt động thương mại, nên lợi nhuận thuần cũng theo đó tăng lên.

 

Theo một chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM (không muốn nêu tên), yếu tố chính cải thiện lợi nhuận của Nam Kim chính là nhờ sự vận hành của dây chuyền cán nguội (công suất 200.000 tấn/năm), giúp gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất tôn mạ.

 

Nam Kim đang có kế hoạch đầu tư thêm 1 dây chuyền cán nguội công suất khoảng 200.000 tấn/năm và một dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm công suất khoảng 100.000 tấn/năm (dự kiến vận hành vào năm 2015) với tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỉ đồng. Công ty dự kiến sẽ vay vốn trung và dài hạn từ ngân hàng để đầu tư vào 2 dây chuyền này. Vấn đề đau đầu cho Nam Kim chính là ở điểm này.

 

Tuy lãi suất vay vốn đã giảm đáng kể so với những năm trước nhưng với đòn bẩy tài chính quá cao, việc vay thêm vốn sẽ tạo áp lực rất lớn cho Nam Kim trong việc chi trả lãi vay. Tài sản của Công ty chủ yếu được tài trợ bằng nợ vay (do vốn chủ sở hữu thấp). Tỉ lệ tổng tài sản/vốn chủ sở hữu của Nam Kim bình quân khoảng 9 lần trong nhiều năm qua, trong khi con số này ở Hòa Phát và Hoa Sen lần lượt chỉ khoảng 2,4 và 3 lần.

 

Đáng chú ý, tỉ lệ tổng nợ/vốn chủ sở hữu của Công ty tăng mạnh trong năm 2012 và 2013, cao gần gấp đôi so với mức bình quân 3 năm trước đó. Nguyên nhân chính là Công ty đi vay để đầu tư nhà máy thép Nam Kim 2.

 

Mặc dù đặc thù của ngành thép là vay nợ lớn, nhưng với cơ cấu vốn vay chiếm tỉ trọng chủ yếu, hằng năm Nam Kim sẽ phải còng lưng để trả khoản lãi vay khổng lồ. Đó là chưa kể đến việc khi kinh doanh gặp rủi ro thì đòn bẩy tài chính cao là nỗi ám ảnh của Công ty. Năm 2012 là một ví dụ. Vì lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ thấp (chỉ 118 tỉ đồng), nên Công ty không đủ tiền để trả lãi vay (161 tỉ đồng). Đó là chưa tính đến các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp. Kết quả là Nam Kim đã lỗ hơn 105 tỉ đồng trong năm này.

 

Không chỉ vậy, cơ cấu tài chính ngắn hạn của Nam Kim cũng thể hiện nhiều bất ổn khi chỉ số thanh toán hiện hành của Công ty luôn nhỏ hơn 1 và chỉ số thanh toán nhanh chưa đến 0,3 trong 3 năm qua.

 

Việc huy động được 100 tỉ đồng vừa rồi phần nào giúp Nam Kim bớt đau đầu về bài toán vốn, góp phần giảm tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, cũng như giảm áp lực trả lãi. Tuy nhiên, tình trạng thiếu vốn của Công ty trong những năm vừa qua có vẻ khá nghiêm trọng. Và 100 tỉ đồng tăng thêm chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn thực tế của Nam Kim.

 

Thực vậy, Đại hội đồng cổ đông năm 2013 đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu khoảng 300 tỉ đồng. Phương án này sau đó đành phải gác lại vì giá cổ phiếu NKG của Nam Kim chỉ biến động quanh mệnh giá (bởi nếu phát hành bằng hoặc cao hơn mệnh giá, Công ty khó thu hút vốn). Điều này cho thấy bế tắc về vốn của Nam Kim.

 

Kinh doanh tôn thép là ngành thâm dụng vốn. Do vậy, cơ cấu vốn hợp lý là một điều rất quan trọng để đảm bảo sự hoạt động ổn định và bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt với đặc điểm biến động giá mạnh và khó lường của thị trường thép trong và ngoài nước.

 

Trên thực tế, cũng đã có trường hợp công ty niêm yết bị kiểm toán lưu ý về khả năng tiếp tục duy trì hoạt động do vốn lưu động âm trong một thời gian dài như Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, hay như Hữu Liên Á Châu bị áp lực lãi vay đè nặng khi kinh doanh không thuận lợi.

 

Do vậy, dù Nam Kim đã có lãi trở lại trong năm 2013 và đã đưa ra chiến lược tập trung vào mảng sản xuất, nhưng nếu những bất ổn trong cơ cấu vốn không được khắc phục thì rủi ro cho Công ty vẫn rất lớn. Đó là chưa kể việc quản trị của doanh nghiệp này cũng khiến một số nhà đầu tư quan ngại khi nhiều lần thay đổi các vị trí lãnh đạo quan trọng như Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng trong vòng 1 năm qua. 

Nguồn tin: NCĐT

 

ĐỌC THÊM