Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép lại kêu cứu

Đã hơn nửa tháng, công văn kêu cứu của một số DN luyện phôi thép gửi các ngành chức năng vẫn chưa thấy kết quả hồi âm. Việc vẫn chưa được ưu tiên thu xếp ngoại tệ cho việc NK thép phế liệu làm nguyên liệu khiến các DN luyện phôi thép ngày càng cận kề với tình trạng hết nguyên liệu và ngừng sản xuất.

Tổng giám đốc Cty CP Tập đoàn Thép Vạn Lợi (Thép Vạn Lợi) - Trần Thanh Hiền cho biết, đã gần 3 tuần nay không mở được LC để NK nguyên liệu. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, chỉ trong vòng 2 tuần nữa, nhà máy của Thép Vạn Lợi sẽ ngừng sản xuất do thiếu nguyên liệu. Ông này còn cho biết: Nhà máy của chúng tôi cần tối thiểu 3-4 vạn tấn thép phế mỗi tháng để làm nguyên liệu. Hiện nay thép phế không được ưu tiên NK trong khi phôi thép vẫn thuộc diện ưu tiên. Theo tôi, luyện phôi mới được coi là luyện kim còn nhập phôi về cán thành thép chỉ là gia công. Phôi thép hiện thuộc nhóm ưu tiên số 2 về ngoại tệ để NK. Tại sao lại khuyến khích làm gia công mà không khuyến khích ngành luyện kim? Được biết, nhà máy Thép Vạn Lợi hiện đứng thứ nhất về vốn đầu tư và công suất. Nhà máy này có vốn đầu tư 680 tỷ đồng và công suất 600.000 tấn/năm với hơn 1.000 lao động.

“Giá thép phế NK hiện khoảng 280USD/tấn, trong khi NK phôi phải 475 USD/tấn. Như vậy NK phôi tốn nhiều ngoại tệ của đất nước hơn là nhập thép phê. Chưa kể sản xuất phôi từ thép phế còn giải quyết được hàng vạn lao động với thu nhập tương đối cao so với các ngành sản xuất khác”.

Ông Vũ Văn Chiến GĐ Cty CP Thép Đình Vũ

Tương tự như trường hợp của Thép Vạn Lợi, tại Cty CP Thép Đình Vũ, ông Vũ Văn Chiến - giám đốc Cty cho biết: "lượng nguyên liệu dự trữ đang cạn dần, cũng đã hơn 2 tuần nay, Cty không mở thêm được một LC nào nữa. Như vậy không tới 2 tháng nữa, nhà máy luyện phôi thép công suất 200.000 tấn/năm với 400 tỷ đồng vốn đầu tư và 850 lao động cũng sẽ có nguy cơ bị ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu".

Nguy cơ ngừng hoạt động nói trên, theo Hiệp hội thép VN, sẽ xảy ra với tất cả 9 nhà máy luyện phôi thép đã đi vào hoạt động trên toàn quốc và 3 nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động và cuối năm nay. Như vậy sẽ có khoảng gần 1 vạn lao động bị ngừng việc và một lượng vốn đầu tư cho các nhà máy khoảng gần 10 nghìn tỷ đồng bị "đắp chiếu" và không sinh lời. Ông Hiền than thở: nguồn vốn đầu tư đa phần vay ngân hàng, nay lấy gì mà trả.

Theo công văn của ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN và Vietcombank, cơ sở của việc chưa thu xếp ngoại tệ cho các DN thép NK thép phế về sản xuất phôi thép là theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Cũng tại công văn nói trên, thép phế được xếp hàng thứ 9 trong 10 loại hàng hoá không thuộc diện ưu tiên đảm bảo ngoại tệ.

Đại diện một số DN đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phôi thép cho biết, sau khi Chính phủ ban hành nghị định 108/2006 NĐ-CP ngày 22/9/2006, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất này do đây là ngành thuộc diện ưu đãi và khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên đây cũng lại là ngành sản xuất gặp không ít khó khăn do liên quan tới thép phế, vì phế liệu luôn là loại hàng hoá bị cản trở bởi rào cản môi trường. Năm 2008, biến động giá phôi thép thế giới khiến các DN sản xuất phôi thép VN thay vì NK quay ra XK với giá XK trên 1.100 USD/tấn. Với giá NK phế lúc đó khoảng 400 USD, các DN thép đã thu được lợi nhuận rất lớn. Tuy nhiên việc XK phôi thép chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Sau khi có những dự báo về việc có thể dẫn tới thiếu thép trong nước vào cuối năm Chính phủ đã chỉ đạo ngừng XK phôi để phòng thiếu thép trong nước. Ngay sau đó, giá phôi thế giới giảm xuống chỉ còn hơn 300 USD/tấn. Một số DN cho biết, nếu không bị ngừng XK, chúng tôi có thể bán hết phôi thép khi giá cao và mua về khi giá hạ, chỉ trong một năm chúng tôi sẽ có đủ lợi nhuận để xây thêm nhà máy thứ 2. Việc giảm giá phôi thế giới cuối năm 2008 và bị ngừng XK cũng khiến không ít DN đang từ lãi chuyển thành lỗ, giá trị phôi thép chỉ còn 1/3 trong khi trước đó lại phải mua thép phế để luyện phôi với giá cao, ông Vũ Văn Chiến: GĐ Cty CP Thép Đình Vũ cho biết. Thực tế sản xuất phôi thép trên thế giới cho thấy, mỗi năm thế giới sản xuất 1,2 tỷ tấn thép và 30% trong đó là từ thép phế. Tại VN, duy nhất chỉ có nhà máy gang thép Thái Nguyên có thể luyện phôi thép từ quặng. Thép phế liệu cũng chứa tới 97% là sắt do đó lượng chất thải không nhiều. Đầu tư luyện thép từ thép phế cũng rẻ hơn so với luyện từ quặng nên vẫn được thế giới sử dụng.

Theo tính toán hiện nay, với tổng công suất 3,6 triệu tấn/năm (9 nhà máy đang hoạt động) và 900 nghìn tấn (3 nhà máy sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay), 90% nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động là thép phế (4 triệu tấn) phải NK. Số thép phế trong nước phục vụ cho 12 nhà máy luyện thép nói trên chỉ đảm bảo được 10% (khoảng trên 1 triệu tấn). Hiệp hội Thép VN cho biết: chỉ trong 1-2 tháng tới, nếu không có biện pháp tháo gỡ, các DN sản xuất phôi thép sẽ đứng trên bờ vực phá sản và không có cách cứu vãn.
 (DĐDN)

ĐỌC THÊM