Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Thép có sàn giao dịch

- Sau cà phê, giờ đây đến lượt sản phẩm thép đã đưa lên sàn giao dịch hàng hóa. Nhiều người kỳ vọng bằng phương thức giao dịch mới sẽ giúp các mặt hàng trên được mua bán minh bạch và thuận tiện hơn so với thói quen kinh doanh truyền thống lâu nay.

Thép đã đưa lên sàn giao dịch. Trong ảnh: sản xuất thép xây dựng tại Nhà máy thép Phú Mỹ - Ảnh: T.T.D.

Ra mắt hôm 5-11, sàn giao dịch hàng hóa Thương Tín (Sacom -STE) trực thuộc Tập đoàn Sacombank, đã chọn sản phẩm thép trong lĩnh vực xây dựng và công nghiệp đưa lên sàn giao dịch với quy trình và thủ tục chẳng khác gì mua chứng khoán.

Trên 100 doanh nghiệp tham gia

"Xu hướng đưa các loại sản phẩm quan trọng trong cuộc sống lên sàn giao dịch là khó tránh khỏi. Vấn đề là làm sao tìm được mô hình hài hòa, phù hợp với đặc điểm kinh doanh của giới doanh nghiệp, nhà kinh doanh nhỏ lẻ lẫn tổ chức đầu tư có quy mô lớn"

Ông Phạm Chí Cường
(chủ tịch Hiệp hội Thép VN)

Với hai phương thức giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận, các lệnh mua (hoặc bán) thép được đưa lên sàn giao dịch hàng hóa với giá tham chiếu là giá đóng cửa của phiên giao dịch gần nhất, đơn vị giao dịch tối thiểu là 5 tấn, phí giao dịch 20 đồng/kg (khi thực hiện giao dịch mua hoặc bán), phí kiểm định 4 triệu đồng/lô (dưới 500 tấn).

Ông Nguyễn Thế Vinh, chủ tịch HĐQT Sacom - STE, cho biết ước có 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia giao dịch thử nghiệm trong thời gian chờ đến khi sàn giao dịch chính thức vào tháng 12-2009. Đến thời điểm này vẫn khó có thể khẳng định sàn giao dịch thép có hấp dẫn giới kinh doanh hay không bởi tất cả vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Trong khi đó với cà phê, dù đã gần một năm trôi qua kể từ khi chính thức được thành lập (tháng 12-2008), sàn giao dịch cà phê vẫn đang hoạt động như trong quá trình khởi động. Mọi giao dịch mua - bán cà phê đều được thực hiện bằng phương thức khớp lệnh điện tử với sự cung cấp dịch vụ từ Ngân hàng Techcombank, Cà phê control (chuyên về giám định cà phê), Công ty cổ phần cà phê An Giang. Tất cả đều dưới sự quản lý của Sở Công thương Đắc Lắc.

Ông Võ Thanh Châu, phó giám đốc Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, cho biết đến nay toàn sàn mới chỉ có 34 thành viên, trong đó có 17 doanh nghiệp và 17 hộ nông dân. Con số này khá khiêm tốn so với hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh cà phê và hàng ngàn hộ nông dân kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc. Theo ông Châu, gần một năm qua sản lượng cà phê giao dịch qua sàn mới chỉ đạt vỏn vẹn 100 tấn. Trong khi sản lượng cà phê của Đắc Lắc đạt khoảng 400.000 tấn/năm.

Tập quán khó thay đổi?

Theo ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Công ty thép Việt, với hình thức mua đứt bán đoạn đang áp dụng trong hệ thống phân phối hiện tại của ngành thép, việc thay đổi cách thức mua bán mới cần phải có thời gian thích nghi.

Phân tích khía cạnh ưu điểm nếu chọn phương thức giao dịch trên sàn, ông Thái cho rằng mô hình sàn giao dịch phù hợp cho những đại lý/nhà phân phối nào có tiềm lực tài chính yếu vì ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp với loại hình hợp đồng tương lai từ T+1 đến T+5 (tháng) với mức ký quỹ chỉ mất 1.000-3.000 đồng/kg hàng hóa, trong khi thời gian thanh toán thông thường hiện tại chỉ là một tháng.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng sàn giao dịch sẽ khó lòng cạnh tranh với các đại lý về khoản dịch vụ (chuyên chở hàng hóa, giá cả linh hoạt...) vốn phù hợp với nhu cầu mua bán nhỏ lẻ hiện chiếm đa số.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, ngụ đường Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM), cho biết: “mua chả bao nhiêu mà phải đăng ký mở tài khoản, rồi lên kho của sàn nhận hàng, sau đó thuê xe chở về rắc rối quá!”.

Trong khi đó lý giải vì sao sàn giao dịch cà phê kém sôi động, dù 80% sản lượng cà phê của tỉnh Đắc Lắc nằm trong tay nông dân, ông Võ Thanh Châu cho hay tập quán mua - bán theo phương thức truyền thống vẫn còn rất sâu đậm trong cách làm của nông dân.

Thu hoạch xong nông dân chỉ cần bốc điện thoại lên là có các đại lý đến tận nơi thu mua chứ không cần phải mất công vận chuyển. Chưa kể ngay từ đầu vụ nông dân đã được cung ứng vật tư, phân bón, đỡ một phần chi phí đầu tư.

Mặt khác, các thủ tục lên sàn còn khá rắc rối. Sẽ rất khó khi nông dân phải tự đăng ký, mở tài khoản, phân loại, ký gửi, đặt lệnh, khớp lệnh... vì đa số đều chưa được tiếp cận giao dịch điện tử.

Để tăng tính hiệu quả cho sàn giao dịch cà phê, ông Châu cho hay Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột sẽ hỗ trợ việc vận chuyển hàng cho nông dân. Trước mắt, trung tâm đã có ý tưởng sẽ thành lập các kho vệ tinh để rút ngắn quãng đường, thời gian vận chuyển.

Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến nông dân để họ hiểu được lợi ích khi tham gia sàn giao dịch cà phê. Song song đó, các nhân viên trung tâm sẽ hỗ trợ bà con khi đến đăng ký thành viên, ký gửi và đặt lệnh bán.

(Tuổi trẻ)

ĐỌC THÊM