Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sẽ xem xét, xử lý khách quan yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu

Theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ đang thẩm định hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá thép cán nóng (HRC) nhập khẩu và sẽ xử lý công khai.

Đang xem xét hồ sơ

Vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá) của một số doanh nghiệp sản xuất trong nước đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc.

Cụ thể, hai công ty sản xuất thép cán nóng (HRC) tại Việt Nam, gồm Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đã đề xuất khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Hai công ty này viện dẫn nguyên nhân là do sản lượng thép nhập khẩu tăng đột biến cũng như giá thép cán nóng từ Trung Quốc giảm mạnh.

Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 8/4, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang tiến hành thẩm định tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ yêu cầu. Kết quả thẩm định hồ sơ sẽ được thông báo cho các bên liên quan theo quy định. “Cục Phòng vệ Thương mại đang yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung thêm hồ sơ để đảm bảo hợp lệ theo yêu cầu”, ông Chu Thắng Trung cho biết.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, căn cứ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, trong trường hợp doanh nghiệp nhận thấy có dấu hiệu về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, đại diện ngành sản xuất trong nước có thể nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Dây chuyền luyện thép tại Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Dây chuyền luyện thép tại Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Trên cơ sở các ý kiến, bằng chứng của tất cả các bên liên quan và đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của các doanh nghiệp trong vụ việc này, Cơ quan điều tra sẽ tiến hành thẩm định chi tiết hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật để báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra hoặc không điều tra.

Quy trình điều tra và xử lý vụ việc sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, khách quan và theo đúng quy định của pháp luật phòng vệ thương mại Việt Nam và WTO. Bộ Công Thương, cũng như Cục Phòng vệ thương mại, sẽ có thông tin đến các cơ quan báo chí, phía doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại Việt Nam, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Cơ quan điều tra (Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương) sẽ thông báo cho bên yêu cầu về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ yêu cầu. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hợp lệ, Cơ quan điều tra sẽ thông báo cho bên yêu cầu nộp hồ sơ bổ sung.

Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày có thông báo hồ sơ đầy đủ hợp lệ, căn cứ vào kiến nghị của Cơ quan điều tra, Bộ Công Thương sẽ quyết định việc điều tra hoặc không điều tra. Ngoài ra, thời hạn để áp dụng biện pháp chống bán phá giá là 12 tháng kể từ ngày có quyết định điều tra và trường hợp cần thiết thời gian điều tra có thể gia hạn thêm 6 tháng.

Quá trình điều tra, Cục Phòng vệ thương mại sẽ yêu cầu các bên liên quan cung cấp chứng cứ để xem xét một cách toàn diện, khách quan. Từ đó, cơ quan này đưa ra kiến nghị và Bộ Công Thương sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về việc áp thuế hay không và mức thuế là bao nhiêu. Kể cả khi Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra cũng sẽ chưa có biện pháp nào áp dụng đối với thép nhập khẩu.

Nhiều doanh nghiệp lên tiếng lo ngại

Trước đó, việc yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ của 2 doanh nghiệp trên đã vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp khác trong ngành sử dụng thép HRC là nguyên liệu đầu vào. Theo đó, tập thể 9 công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam đã gửi đơn lên Chính phủ và các bộ ngành liên quan, kiến nghị không khởi xướng điều tra thép HRC nhập khẩu.

Trong kiến nghị, các doanh nghiệp cho biết, hiện tại trong nước, sản phẩm HRC chỉ được sản xuất bởi hai doanh nghiệp là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. Các doanh nghiệp thể hiện mối quan ngại sâu sắc về khả năng khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực và nghiêm trọng đến toàn ngành thép Việt Nam và cả nền kinh tế nói chung.

Cũng trong kiến nghị, các doanh nghiệp cho biết, nhu cầu tiêu thụ HRC của toàn Việt Nam hiện đang nằm trong khoảng 10 triệu đến hơn 13 triệu tấn mỗi năm, vừa phục vụ cho việc sản xuất thành phẩm, vừa dự trữ lượng hàng tồn kho cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, tổng công suất thiết kế sản xuất HRC tại Việt Nam hiện đang rơi vào khoảng chỉ 8,2 triệu tấn/năm. Giả định Hòa Phát và Formosa chạy tối đa công suất và chỉ bán nội địa, không bán xuất khẩu thì vẫn không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ HRC tại Việt Nam.

Trong khi đó, hiệu quả sử dụng công suất của Hòa Phát đã đạt gần đỉnh là 97% trong năm 2023 và Formosa đạt hiệu quả sử dụng công suất khá tốt là 73% trong năm 2023. Như vậy, cung HRC trong nước hiện đang không thể đáp ứng đủ nhu cầu, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu. Theo đó, lượng HRC nhập khẩu vào năm 2022 và 2023 lần lượt là 6.637.198 tấn và 8.191.269 tấn, tăng 1.554.071 tấn, xấp xỉ so với mức giảm 1.485.116 tấn của nguồn cung HRC nội địa.

Liên quan đến thông tin giá bán HRC của Trung Quốc giảm sâu và có dấu hiệu bán phá giá, theo ý kiến các doanh nghiệp làm đơn kiến nghị, là không có căn cứ pháp lý để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá.

Các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép khẳng định, “giá bán giảm” và “bán phá giá” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, không thể bị sử dụng nhầm lẫn dẫn đến hiểu sai bản chất của vấn đề.

Giá bán HRC trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó 2 yếu tố chính là chi phí sản xuất HRC của từng quốc gia và quan hệ cung cầu HRC tại từng thời điểm. Chi phí nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí sản xuất HRC. Nguyên liệu chính để sản xuất HRC là quặng sắt và than cốc. Giá quặng sắt và than cốc biến động hàng ngày theo quan hệ cung cầu trên thị trường. Ngoài ra, chi phí năng lượng, chi phí nhân công, chi phí đầu tư máy móc thiết bị, thời gian khấu hao máy móc thiết bị và các chi phí khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Do đó, chi phí sản xuất HRC của mỗi quốc gia sẽ khác nhau và vận động hoàn toàn khách quan theo quy luật cung cầu của cơ chế thị trường.

Đại diện 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam nhấn mạnh rằng, trong điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, thì Cơ quan điều tra sẽ tiến hành so sánh giá các doanh nghiệp Trung Quốc bán sản phẩm HRC tại thị trường Trung Quốc với giá các doanh nghiệp Trung Quốc bán sản phẩm HRC tại thị trường Việt Nam để tính toán biên phá giá.

Từ những phân tích trên, tập thể 9 công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam khẳng định rằng nếu khởi xướng chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu và kết quả cuối cùng là áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới ngành thép Việt Nam nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung, bởi việc áp thuế phòng vệ thương mại hoặc xây dựng bất kỳ rào cản thuế quan, phi thuế quan nào khác đối với HRC nhập khẩu đều làm giảm khả năng cạnh tranh của các công ty sản xuất tôn mạ và ống thép Việt Nam tại cả thị trường nội địa lẫn thị trường xuất khẩu, hơn nữa còn làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các công ty cũng như tác động đến các ngành nghề khác như xây dựng, bất động sản, công nghiệp, logistics…

Cho dù đã có lập luận phản đối và các kiến nghị của tập thể 9 công ty tôn mạ và ống thép Việt Nam đối với việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá HRC nhập khẩu, song có hay không việc khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu vẫn phải do cơ quan quản lý quyết định dựa trên những dữ liệu cụ thể và đánh giá khách quan. Quan trọng hơn cả là tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Nguồn tin: TTXVN

ĐỌC THÊM