Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sẽ truy thu thuế đối với thép "lách" luật

 
Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc và Hiệp hội Thép ASEAN đều đã khẳng định, thép chứa chất Bo nếu áp thuế nhập khẩu 0% của thép hợp kim là gian lận thương mại. Bộ Tài chính sẽ truy thu thuế đối với mặt hàng này.
 
Trao đổi với phóng viên VietNamNet sáng 10/4, ông Đinh Huy Tam, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam đã cho biết như vậy.
 
Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ hiện tượng “lách thuế” của thép cuộn nhập khẩu chứa chất Bo, hôm 9/4, Bộ Tài chính đã họp bàn với Bộ Công thương về vấn đề này.
 
Đại diện hai bộ đều đã xác định, hành động nhập thép chứa chất Bo rồi khai là thép hợp kim để hưởng thuế suất nhập khẩu 0% là lợi dụng khe hở của pháp luật trốn thuế. 
Cần siết chặt quản lý thép cuộn nhập khẩu. (Ảnh: VNN)
Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, đã có ít nhất 26.000 tấn thép cuộn chứa chất Bo do Công ty TNHH Thép Thành Long, Hà Nội nhập về hưởng mức thuế nhập khẩu 0%. Ngoài ra, còn có 2 doanh nghiệp khác cũng đang ồ ạt nhập khẩu loại thép này. Đây là mức nhập khẩu tăng đột biến, lại bán rẻ hơn giá thị trường tới 1 triệu đồng/tấn.
 
Theo ông Đinh Huy Tam, thép hợp kim là loại phục vụ cho chế tạo cơ khí, chi tiết máy, đòi hỏi có độ dẻo, bền, cứng hơn và chi phí sản xuất cao hơn. Thép cuộn chứa chất Bo không đủ đặc tính này để phục vụ cho sản xuất sản phẩm cơ khí mà chỉ làm thép xây dựng.
 
Công ty TNHH Thép Thành Long cũng đã thừa nhận các lô hàng thép cuộn chứa Bo nhập về là bán cho công trình xây dựng. Việc lách thuế và bán phá giá thị trường như vậy là cạnh tranh không lành mạnh, khiến các doanh nghiệp thép của Việt Nam bị thu hẹp thị trường, đình đốn sản xuất.
 
Cuộc họp hôm 9/4 đã thống nhất, trước mắt, Bộ Tài chính sẽ có công văn gửi các chi cục hải quan trên toàn quốc chỉ đạo sẽ áp dụng thuế nhập khẩu là 15% như thép xây dựng đối với các loại thép cuộn chứa chất Bo, dù có bất cứ xuất xứ từ đâu.
 
Sau đó, doanh nghiệp cần khai báo đầy đủ về kết quả  thành phần, đặc tính cơ lý hoá và mục tiêu sử dụng của sản phẩm. Nếu kết quả là thép hợp kim, phục vụ đúng mục đích chế tạo sản phẩm cơ khí thì được hoàn thuế, nếu là thép chỉ bán cho công trình xây dựng thì sẽ vẫn giữ mức thuế 15%. Bộ Tài chính sẽ ban hành văn bản hướng dẫn về biểu thuế đối với thép hợp kim.
 
Đối với thép cuộn chứa chất Bo đã nhập khẩu về Việt Nam hưởng thuế 0% của thép hợp kim nhưng lại dùng cho công trình xây dựng, Bộ Tài chính sẽ có biện pháp kiểm tra và truy thu thuế đối với nhà nhập khẩu.
 
Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Bộ KH-CN xem xét, điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn thép hợp kim, không những đối với chất Bo mà còn các nguyên tố khác để tránh hiện tượng gian lận tương tự sau này.
 
Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Hiệp hội Thép Việt Nam còn đề nghị các hình thức khác để siết chặt quản lý thép nhập khẩu, như: đề nghị thép cuộn nhập khẩu các loại cần kiểm hoá chất lượng 100% trước khi thông quan, tránh việc gian dối khai báo mã thuế; thép cuộn chứa chất Bo, mã HS 7227.90.00.10 tăng thuế từ 5% lên 15% như thép xây dựng thông thường.
 
Hiệp hội này cũng đề nghị, Chính phủ có thể tham khảo bài học kinh nghiệm của các nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, yêu cầu các công ty nhập khẩu phải khai rõ nhà sản xuất hàng hoá, tên và địa chỉ người tiêu thụ, giá bán sản phẩm, buộc nhà nhập khẩu phải mời các cơ quan hữu quan vào giám định chất lượng sản phẩm.
 
Hôm 20/3, tham dự cuộc đối thoại giữa Hiệp hội Thép Đông Nam Á và Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc tại Thượng Hải, Trung Quốc, Hiệp hội Thép Việt Nam đã đưa ra vấn đề này. Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc đã có phản hồi tích cực và cũng nhận định, hiện tượng trên là gian lận thương mại.
 
Hiệp hội này đã đề nghị phía Việt Nam cung cấp danh sách các công ty sản xuất thép chứa chất Bo của Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam để có biện pháp xử lý cần thiết. Các nước ASEAN cũng đã từng gặp phải vướng mắc với loại thép chứa chất Bo và đều đã có biện pháp ngăn cấm.
 

ĐỌC THÊM