Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Sau thảm họa Nhật Bản: Giá thép sẽ đột biến?

Trận động đất lịch sử ở Kobe Nhật Bản năm 1995 khiến giá thép trên thị trường thế giới tăng cao đột biến. Giá thép tấm lá tăng gấp 3 lần, còn giá thép xây dựng tăng 2,5 lần.

Trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản vừa qua tác động ngay lập tức đến diễn biến giá thép trên thị trường thế giới. Giá thép đang trong xu hướng giảm lập tức tăng trở lại, vì Nhật Bản là nước xuất khẩu thép lớn nhất sang thị trường Đông Nam Á. Tuy nhiên, phân tích thị trường thép ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp nhận định, giá thép sẽ không tăng cao đột biến như tác động của động đất Kobe trước đây.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Pomina cho biết, dù mặt bằng giá thép hiện nay ở mức 700 USD/tấn phôi và 750 - 800 USD/tấn thép tấm là mức giá tương đối thấp (900 USD/tấn được coi là ngưỡng giá cao), nhưng giá thép chỉ tăng nhẹ. Giá thép khó tăng cao do Trung Quốc - thị trường tiêu thụ thép lớn đang thắt chặt tín dụng nhằm ngăn lạm phát, đặc biệt là siết tín dụng với bất động sản, làm hạn chế nhu cầu thép cho xây dựng. Trong khi đó, thị trường Trung Đông cũng giảm nhu cầu về thép do những bất ổn chính trị.

Với thị trường trong nước, giám đốc của hai công ty thép khác cho biết, Việt Nam nhập khẩu thép từ thị trường Nhật Bản với tỷ lệ nhỏ, nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi nguồn cung từ quốc gia này.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC, trước khi có sự cố động đất ở Nhật Bản thì thị trường thép khu vực đã có dấu hiệu thừa nguồn cung, tiêu thụ chậm. Do đó, sau khi động đất xảy ra, giá thép bị ảnh hưởng, có tăng nhưng mức độ sẽ không lớn.

Trong khi giá thép trong khu vực tăng nhẹ thì giá thép ở thị trường trong nước bất ngờ giảm mạnh vào đầu tuần, dù chuẩn bị bước vào mùa xây dựng, từ tháng 4 đến tháng 6. Thép Pomina giảm giá 400.000 đồng/tấn. Tháng trước, công ty này đã 2 lần tăng giá thép.

Tổng giám đốc SMC cho biết, quý I năm nay, hoạt động của doanh nghiệp ngành thép tương đối tốt, do thị trường thuận lợi, nhưng thuận lợi vào đầu quý thì đến cuối quý đã thấy xuất hiện khó khăn, khi tiêu thụ giảm.

Trong tháng 2, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp thép trong nước cạn kiệt, do trước đó nhiều doanh nghiệp đã tái xuất thép để thu hồi vốn, khi giá thép thế giới tăng mà giá thép trong nước không tăng theo kịp.

Theo Chủ tịch HĐQT Thép Pomina, dù quý II là mùa xây dựng, nhưng nhà máy đã bán hàng cho các đại lý và giờ là thời điểm các đại lý bán hàng ra thị trường. Tiêu thụ thép của các nhà máy trong tháng 3 đã thấy chậm lại. Hy vọng là hết tháng 4 thị trường sẽ tốt trở lại, sau khi các đại lý đã bán hết lượng hàng tích trữ.

Đại diện của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho hay, do nhu cầu trong nước thấp, nên giá thép thế giới tăng nhẹ nhưng giá thép trong nước khó tăng theo. Dự báo về xu hướng giá thép năm nay ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp tỏ ra khá thận trọng. Ông Thái cho rằng, thép xây dựng khó tăng giá do chủ trương siết chặt tín dụng với bất động sản, hoạt động đầu tư xây dựng dự án sẽ giảm. Vì thế, tăng trưởng nhu cầu thép xây dựng sẽ thấp hơn so với mọi năm.

Mặt khác, ở thị trường phía Nam đã tái diễn hiện tượng thép nhập khẩu lách thuế dưới dạng thép làm que hàn. Số liệu của Hiệp hội Thép ở khu vực phía Nam cho thấy, hơn 100.000 tấn thép đã nhập về cảng TP. HCM trong 2 tháng đầu năm, cao kỷ lục. Lượng thép nhập khẩu này chịu thuế suất 0%, dù trên thực tế thép dùng cho xây dựng. Thép lách thuế cũng tạo sức áp cạnh tranh lên các nhà sản xuất yếu về thương hiệu.

Nguồn: ĐTCK-online

ĐỌC THÊM