Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quy hoạch ngành thép: Đừng để áp thấp trở thành bão

Sau thời kỳ ảm đạm cuối năm 2008, đến nay, thị trường thép trong nước đã bắt đầu le lói những "tia sáng" hy vọng. Nhiều chuyên gia ngành thép đã đưa ra những nhận định, dự báo mức tăng trưởng khả quan. Song, trong thực tế, quy hoạch và phát triển ngành thép trong nước đã và đang tiềm ẩn nhưng nguy cơ gây những hậu quả khôn lường khi nhiều dự án thép ngoài quy hoạch đã được cấp phép đầu tư- những "vùng áp thấp" sắp trở thành "bão"!

Thị trường le lói ánh sáng lạc quan

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSC) nhận định: Những tổn thất của ngành thép từ 2008 đã dần được khôi phục trong 6 tháng đầu năm 2009. Thị trường trong nước bắt đầu sôi động trở lại. Từ tháng 4/2009, công suất tiêu thụ trung bình đã đạt trên 300.000 tấn/tháng đã tạo đà tốt mang lại triển vọng sáng sủa về tình hình sản xuất, tiêu thụ thép 6 tháng cuối năm.

Trong 2 quý đầu năm 2009, đã diễn ra nhiều đợt điều chỉnh về giá thép, chủ yếu đối với sản phẩm thép xây dựng. Giá những sản phẩm khác như tôn mạ mầu, thép nguội, thép tấm lá hầu như không có sự thay đổi đáng kể.

Theo VSC, việc điều chỉnh giá thép liên tục trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân: Giá phôi thép, điện, tỷ giá USD, giá xăng dầu biến động đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Trong khi đó, lượng thép nguyên liệu tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất từ 6 tháng cuối năm 2008 rất lớn, hầu hết các doanh nghiệp đều chịu nỗ nặng do phải gánh nguồn thép tồn kho. Doanh nghiệp càng lớn càng chịu lỗ nặng do tồn kho nhiều, vì vậy khi có cơ hội nâng giá, các doanh nghiệp này cũng nâng giá cao hơn những doanh nghiệp tồn kho ít hơn để bù lỗ.

Sau 6 tháng đầu năm 2009, theo báo cáo của VSC, có rất ít doanh nghiệp bù được lỗ của năm 2008. Với mức giá trung bình 11 triệu đồng/tấn (giá xuất xưởng, chưa kể 5% VAT) và mức tiêu thụ trung bình trên 300.000 tấn/tháng từ đầu tháng 4 năm nay, nhiều doanh nghiệp có thể hòa vốn. Song do cộng dồn từ 6 tháng cuối năm 2008 nên nhiều doanh nghiệp vẫn lỗ.

Ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch VSC- nhận định, các giải pháp kích cầu của Chính phủ, các chính sách hợp lý về thị trường, thuế và vốn, lãi suất đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho nền kinh tế. Ngành xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng 6% trong 6 tháng đầu năm đã kéo theo sự sôi động trở lại của thị trường thép xây dựng. Gói kích cầu ưu tiên phát triển các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, nhà ở xã hội, vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản tiếp tục tăng đã giúp cho ngành thép đạt mức tăng trưởng 4,25% trong 6 tháng đầu năm 2009.

VSC khẳng định, 6 tháng cuối năm, mức tăng trưởng của ngành thép sẽ cao hơn. Nếu quý 4 không có đột biến xấu, ngành thép trong nước có thể đạt mức tăng trưởng 7- 8% trong 6 tháng cuối năm.

Nguy cơ phá vỡ quy hoạch

Trong thực tế, quy hoạch và phát triển ngành thép trong nước đã và đang tiềm ẩn nhưng nguy cơ gây hậu quả khôn lường. Thị trường thép trong nước đang có những dấu hiệu lạc quan, "trời nắng đẹp" song đang có những "vùng áp thấp" đã hiện hữu và có thể trở thành "bão".

 Mới đây, trước tình trạng có quá nhiều dự án thép được cấp phép ngoài quy hoạch trong thời gian qua, trong quý 3/2009, Bộ Công Thương sẽ tổ chức kiểm tra việc triển khai các dự án thép tại một số tỉnh có nhiều dự án sản xuất thép.

Cách đây vài tháng, Bộ Công thương đã có văn bản số 4758/BCT-CNNg, ngày 25/5/2009, đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại các dự án của các doanh nghiệp thép thuộc mọi thành phần kinh tế đóng trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó đánh giá khả năng thực hiện của các dự án đã được cấp phép đầu tư (nêu rõ những dự án không thể triển khai tiếp, dự kiến việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư...) và đề xuất các dự án có khả năng tiếp tục thực hiện đề nghị bổ sung vào quy hoạch ngành thép.

Bộ Công thương sẽ kiến nghị UBND các tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các dự án không đủ các điều kiện (công nghệ và máy móc lạc hậu như lò cao có công suất dưới 200m3; lò điện và lò chuyển dưới 20 tấn/mẻ). Đối với những dự án thép nằm ngoài quy hoạch nhưng có khả năng tiếp tục triển khai tốt, sản xuất những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được, Bộ Công thương sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch.

Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ đề nghị UBND các tỉnh chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án thép đáp ứng tiêu chuẩn công suất tối thiểu đối với lò cao là 700m3; lò điện từ 70 tấn/mẻ và lò thổi oxy từ 120 tấn/mẻ trở lên.

Tình trạng nảy sinh quá nhiều dự án thép ngoài quy hoạch sẽ phá vỡ quy hoạch ngành thép, dẫn tới tình trạng dư thừa công suất, phá vỡ cân đối, quy hoạch của vùng, các ngành về năng lượng (điện), nguyên liệu (quặng sắt), vận tải (cảng biển, đường bộ, đường sắt), đặc biệt là môi trường, ngoài ra còn gây ra tình trạng đầu tư lãng phí, làm thiệt hại cho nền kinh tế.

Hiện nay, theo thống kê của VSC, cả nước có 32 dự án thép được cấp giấy chứng nhận đầu tư nằm ngoài quy hoạch của ngành thép. Theo số liệu từ Bộ Công thương, nếu tất cả những dự án đăng ký đi vào sản xuất thì tới năm 2015 công suất của toàn ngành thép trong nước có thể lên tới 28 triệu tấn/năm. Đáng chú ý, riêng sản xuất thép cán (thép xây dựng) hiện nay đã đạt công suất 6- 7 triệu tấn/năm, dư thừa gần 40% so với nhu cầu của thị trường nội địa (4- 5 triệu tấn/năm).

Nếu không có những giải pháp hữu hiệu ngăn chặn, xóa bỏ những vùng "áp thấp"- những dự án thép không nằm trong quy hoạch, đầu tư không hiệu quả- chắc chắn thị trường thép vài năm tới sẽ gặp những "cơn bão" gây hậu quả khôn lường cho ngành thép nói riêng, nền kinh tế đất nước nói chung.

(Báo Điện Tử)

ĐỌC THÊM