Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Quản lý thị trường thép: Bài học Indonesia

Vừa qua, một cuộc đối thoại giữa Hiệp hội thép Đông Nam Á (AISIF) với Hiệp hội thép Trung Quốc (CISA) đã được tổ chức tại Thượng Hải. Theo đại diện Hiệp hội Thép VN, tại cuộc đối thoại này, những phản ứng của các nước trong khu vực, nhất là Indonesia trước sự “lấn sân” của thép từ Trung Quốc là bài học rất bổ ích trong việc quản lý thị trường thép trong nước.
 
Theo Hiệp hội Thép VN, để chống đỡ suy giảm công nghiệp thép, mỗi nước áp dụng các biện pháp khác nhau, nhưng nhìn chung là tìm cách bảo vệ cho sản xuất trong nước, ngăn chặn nhập khẩu thép của nước ngoài và tìm cách hỗ trợ cho xuất khẩu thép trong nước.
 
Cảnh báo gian lận
 
Theo Hiệp hội thép VN, thép ASEAN đã nhập nhiều vào VN những tháng đầu năm 2009, chủ yếu là thép cuộn. Các nhà nhập khẩu khi làm thủ tục hải quan nhập thép của ASEAN (có from D) đã tận dụng sự không rõ ràng giữa quy định mã số hàng hoá 7213 (mức thuế 0%) và mã hàng hoá 7214 (mức thuế 5%) để gian lận thương mại, nên 2 tháng đầu năm 2009 lượng thép cuộn nhập khẩu vào VN tăng vọt (29.000 tấn), tháng 2 nhập gấp 10 lần tháng 1/2009. Riêng thép cây, số lượng nhập ít vì thép cây có nhãn mác trên từng cây thép nên người tiêu dùng VN ưa thích dùng thép trong nước. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ khác đi nếu thép cây có giá rẻ hơn nhiều được nhập vào VN.
 
Ngoài ra, thép cuộn Trung Quốc nhập vào VN có thêm chất Bo (vi lượng), không có tác dụng thay đổi cơ lý tính của thép và được bán làm thép xây dựng thông thường, nhưng khi khai hải quan lại được coi là thép hợp kim, thuế nhập khẩu là 0%, trong khi thép cuộn xây dựng phi 6, phi 8 mm thuế nhập khẩu 12%, làm cho tiêu thụ thép cuộn sản xuất trong nước bị ngưng trệ vì thép cuộn nhập khẩu không chịu thuế nên giá bán quá rẻ.
 
Trong cuộc họp đối thoại giữa Hiệp hội Thép ASEAN với Hiệp hội Thép Trung Quốc, ngày 20/3/2009 phía VN đã đưa vấn đề này ra hội nghị (và nhiều nước ASEAN cũng đã gặp trường hợp này). Lúc đầu phía Trung Quốc đề nghị phía Chính phủ VN có văn bản với Chính phủ Trung Quốc nhưng sau đó có ý kiến yêu cầu VN gửi danh sách các Cty đã xuất khẩu loại thép này của Trung Quốc cho Hiệp hội Thép Trung Quốc để họ can thiệp. Hiệp hội Thép VN đã đề nghị Chính phủ chỉ thị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng VN xem xét hiệu chỉnh sớm để ngăn chặn hành động gian lận thương mại này. Trong khi chờ đợi hiệu chỉnh tiêu chuẩn, đề nghị Chính phủ chỉ thị Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
 
Tìm giải pháp
 
Theo Hiệp hội thép VN, trong các chính sách đối phó với khủng hoảng ngành thép năm 2009 của Chính phủ các nước có một số nước đã có các giải pháp mà VN có thể học tập, thí dụ như: Chính phủ Indonesia đã quy định:
 
- Bộ Thương mại quy định tất cả thép nhập khẩu phải được thẩm tra bởi những giám sát viên độc lập tại các cảng chất hàng trước khi được chuyển tới Indonesia. Từ ngày 1/4/2009, các nhà sản xuất và nhập khẩu thép phải đăng ký lại với Bộ Thương mại nước này. Quy định này có hiệu lực tới tháng 12/2010.
 
- Tổng thống Indonesia chỉ thị tất cả các dự án Chính phủ phải sử dụng thép trong nước sản xuất.
 
- Chính phủ kiểm soát chặt chẽ thép nhập khẩu phải tuân theo tiêu chuẩn quốc gia của Indonesia (Standardized National Indonesia - SNI).
 
Các nước như Malaysia, Thái Lan đều ban hành tiêu chuẩn quốc gia mới chặt chẽ hơn để cản bớt việc nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ của các nước đang thừa vào nước họ. Họ quy định những thủ tục hải quan phức tạp hơn (yêu cầu bắt buộc phải lấy mẫu kiểm tra) nhằm kéo dài thời gian, kiểm soát chặt chẽ thép nhập khẩu để cố ý làm nản lòng và hạn chế nguồn nhập.
 
(DĐDN)

ĐỌC THÊM