Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Phạt nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc không ảnh hưởng tới lãi suất

Dù cố gắng giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất về mức 22% trước ngày 30.6 nhưng vẫn có tám ngân hàng thương mai (NHTM) không đáp ứng được yêu cầu này của ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo quy định của NHNN đưa ra trước đó, thì tám NHTM này sẽ phải chịu phạt tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi.

 

 
Chênh lệch giữa huy động và tín dụng dẫn đến việc các NHTM buộc phải tiếp tục duy trì các mức lãi suất cho vay cao ngất ngưởng.

 

Mặc dù NHNN không nêu tên cụ thể những NHTM nào có tỷ trọng dư nợ phi sản xuất trên 22% vào 30.6 nhưng dựa trên các công bố trước đó từ NHNN, chúng ta có thể đoán đây là những ngân hàng có quy mô nhỏ. Vì vậy, mức phạt này về cơ bản ít ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Lãi suất huy động và cho vay cũng hầu như không bị ảnh hưởng bởi chính sách này.

Dựa trên báo cáo tài chính của các ngân hàng này đến 31.12.2010, tốc độ tăng trưởng huy động toàn ngành đến 20.6.2011 và nếu giả sử các ngân hàng khác vượt tỷ lệ cho vay phi sản xuất cũng có quy mô tương tự thì tổng huy động của nhóm ngân hàng này ước chỉ vào khoảng 130.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 5,6% huy động của toàn hệ thống. Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc bình quân của hệ thống ngân hàng xấp xỉ 4% như hiện nay thì sẽ có khoảng 5.200 tỉ đồng bị đưa thêm vào dự trữ bắt buộc. Theo quan điểm của người viết, với quy mô huy động ở mức 2.300 tỉ như hiện nay thì việc NHNN áp mức tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NHTM này lên gấp đôi sẽ không ảnh hưởng nhiều lắm đến tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được duy trì bất chấp việc một số ngân hàng bị phạt nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi sẽ giúp cho lãi suất liên ngân hàng qua đêm tiếp tục ổn định ở mức 11 – 12%. Tuy nhiên, sự ổn định của lãi suất liên ngân hàng vẫn chưa thể khiến cho lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay giảm nhiều trên thị trường như kỳ vọng của giới doanh nghiệp.

Điều này hoàn toàn không phải là nghịch lý trong bối cảnh hiện tại. Về mặt định hướng chính sách, những tuyên bố gần đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đều nhấn mạnh tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Với mức lạm phát tính theo năm hiện nay ở mức trên 20% và kỳ vọng đến cuối năm giảm xuống mức 17 – 18% thì để có thể thu hút được tiền gửi, lãi suất huy động sẽ vẫn phải giữ ở mức cao. Tốc độ tăng trưởng huy động từ đầu năm đến nay mới đạt 2,45% là một minh chứng cho thấy việc huy động vốn khó khăn như thế nào. Để có thể gây sức ép cho các NHTM phải nỗ lực thu hút tiền gửi, chắc chắn các mức lãi suất chính sách của NHNN sẽ vẫn phải giữ ở mức cao. Sự chênh lệch giữa lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động còn do chính sách hạn chế cho vay uỷ thác của NHNN trong thời gian gần đây. Thông thường khi thị trường liên ngân hàng dư thừa vốn và có lãi suất thấp hơn lãi suất huy động thì hoạt động uỷ thác sẽ nở rộ. Các NHTM bằng cách này cách khác sẽ uỷ thác qua trung gian tài chính để gửi tiết kiệm nhằm kiếm chênh lệch lãi suất. Khi đó thị trường huy động vốn sẽ nhận được một dòng tiền khá dồi dào và lãi suất huy động tất yếu sẽ được điều hòa, giảm sát về mức lãi suất cân bằng trên thị trường liên ngân hàng.

Nhưng khi kênh uỷ thác bị chặn hoặc kiểm tra gắt gao, các khoản phải thu được các NHTM trước đây rút về. Việc này sẽ khiến cho các ngân hàng đói vốn phải tiếp tục duy trì lãi suất cao để thu hút khách hàng.

Khó khăn trong việc huy động khiến cho chênh lệch giữa huy động và cho vay của toàn hệ thống ngân hàng không thể thu hẹp ngay cả khi tốc độ tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm chỉ khoảng 7,5%. Nhìn vào một vài NHTM lớn có thể thấy rõ hơn sức ép từ chênh lệch giữa hoạt động cho vay và hoạt động huy động. Theo báo cáo tài chính của Vietinbank quý 1/2011 thì tiền gửi của khách hàng giảm từ hơn 200.000 tỉ xuống còn 192.000 tỉ, trong khi cho vay khách hàng lại tăng từ 230.000 tỉ lên 251.000 tỉ. Tình trạng tương tự diễn ra tại Vietcombank, trong quý 1/2011 tiền gửi của khách hàng gần như không thay đổi khi chỉ tăng từ 204.700 tỉ lên 205.200 tỉ trong khi cho vay khách hàng tăng từ 171.000 tỉ lên 191.000 tỉ.

Chênh lệch giữa huy động và tín dụng dẫn đến việc các NHTM buộc phải tiếp tục duy trì các mức lãi suất cho vay cao ngất ngưởng. Lãi suất cho vay hiện tại trung bình vẫn ở mức 23%/năm. Đặc biệt trong tuần từ 18 – 24.6.2011 lãi suất cho vay nông nghiệp và xuất khẩu thậm chí còn vọt lên mức 20%/năm. Như vậy, với bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao và chính sách tiền tệ tiếp tục được thực hiện theo hướng thắt chặt thì nhiều khả năng trong quý 3 này, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ vẫn giữ ở mức cao.

 

Nợ xấu tăng

Lãi suất tăng cao trong khi hoạt động sản xuất lại khó khăn khiến cho các doanh nghiệp khó có khả năng trả nợ. Nợ xấu toàn hệ thống tín dụng đã tăng lên mức 2,72%. Để có thể kiểm soát được tình hình, các NHTM có xu hướng ưu tiên thu nợ hơn là giải ngân cho vay thêm.

Tín dụng chứng khoán tiếp tục là tâm điểm trong tiến trình thu nợ của các NHTM. Lý do trước tiên là để đảm bảo tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống còn 16% vào ngày 31.12.2011. Thứ hai là thị trường chứng khoán giảm sâu, để lại nhiều hệ luỵ cho hệ thống tài chính ngân hàng nên các NHTM sẽ tái cơ cấu lại các khoản cho vay chứng khoán. Hơn nữa theo dự thảo mới nhất của NHNN thì NHTM không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu quá 3% vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn phải tối thiểu 10% trở lên thay vì 9% quy định trong thông tư 13.

 

 

 

Nguồn tin: SGTT.VN