Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Phân cấp quản lý toàn bộ doanh nghiệp cho phòng LĐTB-XH quận huyện : Được tăng quyền mà… run!

Mỗi khi doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài xảy ra tranh chấp hay đình công, cán bộ phòng LĐTB-XH quận huyện luôn là lực lượng đầu tiên tiếp cận và trực tiếp giải quyết. Trong khi xét dưới góc độ quản lý nhà nước, những DN này lại trực thuộc quyền quản lý của Sở LĐTB-XH. Nghịch lý này sắp được xóa bỏ khi Sở LĐTB-XH TPHCM đang chuẩn bị phân cấp quyền quản lý toàn bộ DN đóng trên địa bàn cho phòng LĐTB-XH quận huyện. Tuy nhiên, nhiều quận huyện đang lo…

Công việc quá tải, quản lý thủ công

“Trong những lần tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều công nhân (CN) dù đã làm việc lâu nhưng hàng quý đều bị DN đăng ký vào diện lao động có thời gian làm việc dưới 3 tháng trong khai trình lao động. Đây là một thủ thuật nhằm “né” đóng BHXH của DN. Phải tinh ý lắm mới phát hiện được chuyện này trong bản danh sách hàng trăm lao động luôn luôn biến đổi của DN” - bà Nguyễn Thị Hồng Bạch, Trưởng Phòng LĐTB-XH quận Bình Tân, kể. Một lãnh đạo Phòng LĐTB-XH huyện Nhà Bè cũng cho hay trên địa bàn huyện có xảy ra tình trạng DN chỉ đăng ký lao động với thời hạn làm việc 2,5 tháng để trốn đóng bảo hiểm.

Những sai phạm kiểu như vậy được xem là khá phổ biến tại các DN có sử dụng đông lao động nhưng hầu hết vẫn “lọt sổ”, tỷ lệ bị phát hiện rất thấp dù theo quy định, theo định kỳ hoặc mỗi khi có biến động, DN phải đăng ký khai trình sử dụng lao động tại phòng LĐTB-XH quận huyện. Quy trình duyệt khai trình lao động như sau: Mỗi khi có biến động lao động, DN trình danh sách lên cho cán bộ phụ trách lao động việc làm xem xét, thẩm định..., ghi nhận con số biến động, tổng số lao động rồi tham mưu trình lãnh đạo phòng ký duyệt. Bà Nguyễn Lê Hằng, cán bộ Phòng LĐTB-XH quận 12, cho biết: “Mỗi công ty có hàng trăm CN, mà toàn quận có hàng ngàn công ty, làm sao chúng tôi nhớ hết được mà phân biệt CN này đã được đăng ký mấy lần, CN kia đã nghỉ việc hay chưa. Thật sự chúng tôi cũng không có điều kiện, thời gian đối chiếu bản khai trình mới với bản khai trình cũ để dò tên từng CN mà xác định chính xác thời gian họ đã làm việc. Trừ trường hợp CN nào có cái tên thật đặc biệt thì mới nhớ”.

Ông Phạm Đình Thơ, cán bộ Phòng LĐTB-XH quận Gò Vấp, thừa nhận: “Phòng hiện có chức năng quản lý trên 2.000 DN trên địa bàn quận, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2008, phòng đã tiếp nhận đăng ký 902 thang bảng lương, chưa kể đăng ký khai trình sử dụng lao động. Riêng chuyện nhập tên DN đã mệt, nói gì đến chuyện nhập tên CN để kiểm tra đối chiếu! “. Do chưa có phần mềm quản lý, hầu hết quận huyện đều thẩm tra bản đăng ký của DN bằng… mắt rồi lưu lại văn bản giấy. Chỉ khi có đoàn kiểm tra hay phía công an yêu cầu, những văn bản lưu này mới được lục lại. Theo ông Giang Văn Nam, Phó trưởng Phòng LĐTB-XH quận Gò Vấp, về nguyên tắc, DN phải chịu trách nhiệm về những nội dung khai báo. Tuy nhiên, chính cách quản lý còn nặng tính thủ công, hình thức này đã dẫn đến việc nhiều sai phạm bị lọt sổ, không được phát hiện sớm, gây thiệt cho CN.

Phân quyền: liệu có... hình thức?

Hiện tại, phòng LĐTB XH cấp quận huyện có chức năng tiếp nhận việc đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương, nội quy lao động, thỏa ước lao động và khai trình sử dụng lao động của những DN có 100% vốn đầu tư trong nước sử dụng dưới 100 lao động. Sắp tới, Sở LĐTB-XH có hướng phân cấp cho phòng quản lý cả DN có vốn đầu tư trong nước sử dụng trên 100 CN và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tuy nhiên, đa số quận huyện đều e dè khi nhận thông in này. Ông Vũ Văn Quảng, Trưởng Phòng LĐTB-XH quận 7, nói: “Nếu TP phân cấp thì chúng tôi phải nhận nhưng thú thật là rất băn khoăn. Trên địa bàn quận hiện có 2.500 DN trong nước và 88 DN ngoài nước. 6 tháng đầu năm, phòng đã phải giải quyết khai trình lao động cho 813 DN, đăng ký thang bảng lương cho 200 DN. Bình quân mỗi ngày, cán bộ phụ trách lao động việc làm của quận phải nhận 15 - 20 hồ sơ trong khi nhân sự chỉ có 1 người. Công việc đang quá tải. Nếu nhận thêm việc mà không có thêm người thì không kham nổi”.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Văn Ý, Trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Hóc Môn, nói: “Hiện tại, quận nào nhiều thì được 2 cán bộ phụ trách mảng lao động, quận ít thì chỉ có 1 người. Nếu đùng một cái phân cấp thì chúng tôi chỉ đủ sức nhận DN trong nước. Muốn quản lý cả DN FDI thì phải có bước chuyển, phải được hỗ trợ về nhân sự và bồi dưỡng kỹ về nghiệp vụ”.

Ông Giang Văn Nam, Phó trưởng Phòng LĐTB-XH quận Gò Vấp, cho rằng: “Hiện tại, cán bộ phụ trách lao động tại quận huyện vừa phải quản lý hành chính về lao động, vừa phải tham gia giải quyết đình công. Đơn cử như ở quận Gò Vấp, chỉ cần có 1 DN như Huê Phong - DN xảy ra đình công kéo dài cả tháng trời - thì riêng chuyện đeo bám để giải quyết cũng đã chiếm hết thời gian. Những DN FDI lại là nơi phát sinh nhiều tranh chấp lao động dẫn đến đình công. Nếu TP muốn phân cấp thêm cho quận huyện thì phải có bước hỗ trợ dài hơi về con người, nếu không, việc tăng quyền, phân cấp quản lý chỉ mang tính hình thức.

Về chủ trương phân cấp, ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết: Đây là biện pháp cải cách hành chính nhằm tiết kiệm thời gian, tạo thuận lợi cho các DN khi chỉ phải liên hệ với cơ quan trực tiếp quản lý là phòng LĐTB-XH ở địa phương, đồng thời nâng cao năng lực quản lý cho chính quyền địa phương, góp phần thiết thực để cấp quận huyện nắm bắt nhanh chóng sát sườn việc tuân thủ pháp luật lao động, tình hình quan hệ lao động tại DN đóng trên địa bàn.

SGGP


ĐỌC THÊM