Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Phá sản nhà máy đóng tàu Dung Quất:Khó vì vướng lợi ích?

 Từ mối liên quan lợi ích nói trên đã chi phối nhiều sự can thiệp, gây khó khăn, kéo dài không để nhà máy này phá sản.

Kỳ quặc

Bình luận về phương án trên, Th.S Bùi Ngọc Sơn cũng cho rằng, quyết định cho phá sản phải được thực hiện từ rất lâu rồi.

Ông Sơn đặt nghi vấn, có vấn đề bất thường trong câu chuyện cho nhà máy này phá sản hay không?


Cho DQS phá sản là quá muộn. Ảnh minh họa

"Là quen tâm lý của một DNNN, quen thế ỉ lại, dựa dẫm vào Bộ Công thương? Vì tâm lý của một DNNN nên làm ăn thua lỗ cũng không muốn phá sản hoặc không thể cho phá sản được vì còn liên quan tới lợi ích của nhiều người"?, ông Sơn đặt câu hỏi.

Ông Sơn cho biết, từ mối liên quan lợi ích nói trên đã chi phối nhiều sự can thiệp, gây khó khăn, kéo dài không để nhà máy này phá sản. Đây là động thái rất kỳ quặc, đi ngược hoàn toàn với cơ chế thị trường.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại cũng cho rằng, không ai có quyền quyết định hay lựa chọn thời điểm cho Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) được phá sản.

Phá sản phải theo cơ chế thị trường, tức là khi một doanh nghiệp không còn đủ năng lực hoạt động thì buộc nó phải xin phá sản.

Đi cùng với quyết định phá sản đó là nguy cơ mất tài sản và vấn đề xử lý trách nhiệm phải rất rõ ràng, công khai, minh bạch. Nếu nhẹ có thể chịu kỷ luật khiển trách, nặng có thể phải xử lý hình sự...

Tuy nhiên, ở Việt Nam, quy trình phá sản một doanh nghiệp đang làm ngược với thế giới.

Ông Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ kéo dài, điển hình như 12 dự án của Bộ Công thương thay vì phải phá sản thì lại được đổ tiền nuôi tiếp.

Cụ thể, với sự tồn tại của Công ty DQS. DQS từ lâu đã bị coi là bi kịch điển hình, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam.

Trong lúc thế giới cũng đang phải đối diện với cơn khủng hoảng, quá nhiều tàu đóng mới trong khi công nghiệp tiếp tục suy thoái, hàng loạt đơn đặt hàng bị hủy hay hoãn tiến độ, Việt Nam không nằm ngoài luồng suy thoái đó. Trong lúc đó, ngành đóng tàu Việt Nam giống như những cô gái vừa già, vừa ế, cả chủ nhân lẫn khách hàng đều không cần đến.

Ông Nam cho rằng, ngay ở thời điểm đó, DQS đã không cần được giữ lại, nếu cho DQS phá sản có thể ngân sách sẽ cứu vãn được một phần vốn từ tài sản, đất đai... Nhưng thực tế lặp lại, thay vì quyết định cho nó phá sản, người ta lại cố giữ nó, để cuối cùng không những không cứu được mà tiền còn mất nhiều hơn.

"Bây giờ nợ công cao, gánh nặng áp lực trả nợ lớn, ngân sách đã cạn kiệt, không thể tiếp tục đổ tiền để giữ một nhà máy đã chết để làm cảnh nữa. Mà dù có muốn giữ làm cảnh, Việt Nam cũng không đủ sức để "chơi".

Vì vậy, cho phá sản là giải pháp bắt buộc khi tự Bộ Công thương cũng nhận thấy không còn một cơ hội nào cho nhà máy này nữa", ông Nam nói.

Theo vị PGS, vấn đề lúc này là đồng ý cho phá sản rồi nhưng thực hiện phá sản thế nào?

Ông Nam cho biết, quy định phá sản ở Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, trong đó, nỗi lo lớn nhất là sợ hao hụt vốn nhà nước.

"Một điều đơn giản phải hiểu khi đã cho phá sản là phải chấp nhận bán đổ, bán tháo, bán rẻ, kể cả chịu mất vốn. Một doanh nghiệp đã không còn khả năng hoạt động mà không bán rẻ thì ai mua?

Quan điểm này phải thay đổi, kể cả phải bán giá sắt vụn, phải chấp nhận mất vốn cũng phải quyết tâm làm. Cho phá sản cũng như một cuộc đại phẫu, nhằm cắt bỏ đi khối ung nhọt đã trầm trọng để nó không có cơ hội lây lan thêm nữa", vị PGS ví von.

Kiên quyết không tuyển dụng

Liên quan tới vấn đề công nợ của DQS, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, không ai khác chính là cơ quan chủ quản phải gánh chịu. Theo sổ sách kế toán, số nợ hiện tại DQS vào khoảng 5.000 tỷ. Đó là riêng khoản tiền do PVN đổ vào, trong đó có 3.100 tỷ của PVN, 1.990 tỷ đồng vốn điều lệ do PVN cấp...

Vị chuyên gia lo ngại, sẽ lại có một kịch bản huy động vốn để xóa nợ, giãn nợ, trả nợ thay cho nhà máy này.

"Số nợ này không ai khác chính cơ quan chủ quản phải chịu. Mà cơ quan chủ quản ở đây là Bộ Công thương, nguồn tiền từ Bộ Công thương đổ ra cũng chính là tiền từ ngân sách. Tóm lại, nợ nhà nước phải gánh", ông Nam lo lắng.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại rất bức xúc cho rằng, nghịch lý trên là do cách xử lý của chúng ta chưa nghiêm.

Ngoài những nghi vấn có lợi ích nhóm, doanh nghiệp được bao bọc, bợ đỡ thì vấn đề xử lý trách nhiệm còn quá xuê xoa, thậm chí những người không đủ năng lực, mắc sai phạm còn được luân chuyển, đảm nhận những chức vụ cao hơn.

"Ở nước ngoài, những người nắm quyền điều hành, quản lý một doanh nghiệp nhà nước mà mắc sai phạm, gây thua lỗ sẽ bị xem là không đủ năng lực, không hoàn thành trách nhiệm. Những trường hợp này ngoài việc phải chịu các hình thức xử lý như xử phạt hành chính, thậm chí là tuy tố hình sự... họ còn phải đối diện với khả năng không bao giờ được tuyển dụng vào các vị trí quản lý nữa", ông Nam nói.

Vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cũng cần áp dụng cách thức xử lý như các nước, xóa bỏ triệt để tình trạng sai chỗ này lại chuyển chỗ khác. Sai phạm ở chức vụ này lại được điều động, cân nhắc vị trí khác cao hơn.

"Cứ với cơ chế, cách thức xử lý như hiện nay thì sẽ tiếp tục có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản nhưng trách nhiệm không đi tới đâu", ông Nam lo lắng.

Nguồn tin: Đất việt

ĐỌC THÊM