Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nới lỏng chính sách tiền tệ để giảm lãi suất?

Gần đây chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng Nhà nước (NHNN) chịu nhiều sức ép từ khu vực doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi lãi suất cho vay trên thị trường được duy trì ở mức cao, hầu hết trên 20%, trong một thời gian dài. Nếu như lãi suất tiếp tục cao như vậy, không ít doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất hoặc lâm vào cảnh phá sản.

 

Có ý kiến cho rằng NHNN cần phải loại bỏ các quy định hành chính liên quan đến lãi suất và tín dụng. Ảnh: L.Q.N

Nhưng đối với người làm chính sách trong bối cảnh chống lạm phát, câu hỏi đặt ra không phải là làm thế nào để tránh cho các doanh nghiệp không phải thu hẹp sản xuất hoặc lâm vào cảnh phá sản. Đây là điều không thể tránh khỏi khi chính sách thắt chặt tiền tệ và cắt giảm tổng cầu được thực thi.

Câu hỏi đúng đắn của người làm chính sách phải là: liệu việc một bộ phận doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất do chính sách thắt chặt tiền tệ có gây ra đổ vỡ dây chuyền khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái trong khi các bất ổn vĩ mô vẫn chưa được giải quyết hay không? Nếu như không có sự đổ vỡ dây chuyền, việc một bộ phận doanh nghiệp thu hẹp sản xuất sẽ giúp quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư cân bằng trở lại, do tín dụng sẽ giảm trong khi huy động của hệ thống ngân hàng sẽ tăng. Cả lãi suất và lạm phát sẽ dần dần giảm về mức tương ứng với mức tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế.

Với mức tăng trưởng kinh tế hai quý đầu năm 2011 khoảng 5,6%, rõ ràng là một bộ phận của nền kinh tế đã phải thu hẹp sản xuất. Tuy nhiên, sự thu hẹp ở mức độ này cũng chứng tỏ rằng nền kinh tế đã không rơi vào cảnh đổ vỡ dây chuyền. Mức lãi suất hiện tại như vậy hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh lạm phát tính theo năm vẫn ở mức xấp xỉ 20%.

Tuy nhiên, để tránh nguy cơ đổ vỡ dây chuyền, đảm bảo nền kinh tế vẫn duy trì được mức tăng trưởng quanh mức như hiện tại trong môi trường lãi suất tiếp tục ở mức cao, thì NHNN cần phải loại bỏ các quy định hành chính liên quan đến lãi suất và tín dụng. Nền kinh tế là một thực thể hữu cơ chứ không phải là tập hợp của những bộ phận tách rời. Các thị trường liên thông với nhau chứ không phải là những mảng riêng rẽ. Thị trường bất động sản có quan hệ mật thiết với các ngành nghề xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu xây dựng. Đến lượt các doanh nghiệp xây lắp và sản xuất nguyên vật liệu xây dựng lại có quan hệ mất thiết với các lĩnh vực cung cấp nhiên liệu, hoá chất cơ bản... Việc điều chỉnh nhu cầu về vốn do vậy cần phải để tự các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại thực thi theo tín hiệu chung của thị trường, cũng như đặc thù của từng lĩnh vực kinh doanh, thậm chí từng doanh nghiệp, thay vì áp đặt một tỷ lệ tín dụng hành chính cho cả thị trường hoặc từng lĩnh vực.

Theo tôi, NHNN chỉ nên tập trung vào hai mục tiêu: đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và đảm bảo rằng lãi suất kỳ vọng luôn thực dương và bám sát với tốc độ lạm phát. Với tín hiệu lãi suất cao, đương nhiên các doanh nghiệp sẽ dần dần giảm tín dụng. Các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng cá nhân thường được xem là có mức độ rủi ro cao nên lãi suất thường cao hơn mức lãi suất trung bình của nền kinh tế. Điều này hàm ý rằng, tín dụng cho các khu vực này thường sẽ giảm mạnh hơn so với các lĩnh vực khác khi lãi suất cao.

Tóm lại, việc tốc độ tăng cung tiền cụ thể bao nhiêu, tốc độ tăng tín dụng như thế nào và cho khu vực nào của nền kinh tế hoàn toàn không phải là những mục tiêu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ. Hãy để những biến số này cho thị trường quyết định. Những con số như mức lãi suất huy động 14%, tốc độ tăng cung tiền 15%, tốc độ tăng trưởng tín dụng 20%, hay tỷ lệ tín dụng cho khu vực phi sản xuất là 16%... chỉ nên là những con số mà NHNN dự báo hay ước tính cho nền kinh tế, chứ không phải là những mục tiêu mà NHNN nhất thiết phải đạt được.

Nguồn tin: SGTT.VN