Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nỗi lo ngày xăng tăng giá

Giá xăng đã chính thức tăng thêm 700 đồng/lit từ 1/7 ngay sau khi các doanh nghiệp đầu mối kêu lỗ lên Liên Bộ Công Thương- Tài chính. Như vậy, chỉ từ đầu tháng 4 tới nay, giá xăng đã tăng liên tục 5 lần, tăng thêm 2.700 đồng/lit.

 

Xăng dầu là mặt hàng có tính nhạy cảm cao. Tất yếu, việc liên tiếp điều chỉnh giá mặt hàng thiết yếu này trong một thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường, đặc biệt là tiêu dùng. Bài học từ những lần tăng xăng trước cho thấy, “ăn theo” giá xăng chắc chắn hàng loạt mặt hàng sẽ đồng khởi, tác động tới CPI và nỗi lo lạm phát quay lại.

Chắc chắn hàng loạt mặt hàng sẽ đồng khởi
“ăn theo” giá xăng, dầu

Giá taxi sẽ tăng

Sau một thời gian nín lặng, các doanh nghiệp taxi đã lên tiếng khẳng định “không thể không tăng giá”. Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, khi giá xăng tăng tổng cộng thêm 2000, giá cước taxi sẽ phải tăng thêm khoảng 5%, song quan điểm của các doanh nghiệp taxi thời điểm ấy là chưa cần thiết tăng giá. Tuy nhiên, khi giá xăng tăng thêm 2.700 đồng/lit (so với thời điểm ngày 2/4/2009) giá cước taxi sẽ phải tăng thêm 7-10%.

Theo cách tính thông thường, các đơn vị taxi tính 10lit/100 km, đồng nghĩa với việc nếu tăng thêm 2.700 đồng/lit doanh nghiệp sẽ phải mất thêm 27.000 đồng/100 km. Mức giá cước tương ứng dự kiến tăng thêm khoảng 900-1.300 đồng/km.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải chia sẻ, dù tăng ít hay nhiều thì giá xăng luôn tác động nhất định đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, việc tăng giá theo kiểu nhỏ giọt 500 – 700 đồng/ lần khiến các doanh nghiệp vận tải như xe khách, taxi không thể ồ ạt tăng giá theo.

Với xe khách đường dài vốn sử dụng chủ yếu động cơ dầu, đợt tăng giá này cũng có tác động (giá các mặt hàng dầu tăng thêm 500-650 đồng/kg). Được biết, chủ trương chung của Hiệp hội Vận tải sẽ không tăng giá cước vận tải đường dài khi giá dầu tăng dưới 10%.

Cho tới thời điểm này, vẫn chưa có doanh nghiệp nào báo cáo về việc điều chỉnh giá cước. Song việc tăng giá hoàn toàn có thể diễn ra bởi quyền chủ động tăng giá thuộc về doanh nghiệp.

Tại thị trường Hà Nội, ghi nhận tại các chợ đầu mối và chợ bán lẻ, giá cả thực phẩm và rau củ không nhiều biến động. Tuy nhiên, ngay chính những người tiêu dùng cũng đã xác định tâm lý chờ đợi giá sẽ leo thang thời gian tới dưới tác động từ giá xăng tăng.

Một phần nguyên nhân khách quan khiến giá cả tăng phải kể tới việc cước phí vận chuyển tăng do xăng tăng. So sánh với mức tăng giá năm ngoái với ngưỡng cao nhất là 17.000-19.500 đồng/lit thì giá các loại thực phẩm cũng đang đứng ngang với mức hiện nay.

Nỗi lo lạm phát

Trao đổi với báo chí lần tăng giá xăng trước (hôm 8/5), TS Lê Đăng Doanh đã khẳng định: giá xăng trong nước đang cao hơn mặt bằng nhiều nước trong khu vực. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, nếu cứ liên tục tăng giá đầu vào như giá xăng, giá điện thì chỉ có phép màu doanh nghiệp trong nước mới cạnh tranh được. “Việc tăng giá là đi ngược với mục tiêu kiềm chế lạm phát và giữ ổn định đời sống nhân dân, bởi tăng xăng thì chắc chắc các hàng hoá khác cũng tăng theo”- ông Doanh nhấn mạnh.

Lý giải cho động cơ đòi tăng giá xăng, trong văn bản trình lên Liên Bộ các doanh nghiệp đầu mối cho rằng, gần 30 ngày qua giá xăng A92 thành phẩm nhập khẩu tại thị trường Singapore luôn đứng ở mức cao với 74,98 USD/thùng. Với giá nhập này, trừ đi chi phí, cước vận chuyển, kho bãi, thuế, hoa hồng thì mỗi lit xăng DN đang lỗ gần 900 đồng/lit và lỗ từ 1.500-2.000 đồng/lit dầu.

Vật liệu xây dựng cũng đã tăng giá
ngay từ đợt lên giá xăng 14.000đ/lít.

Câu chuyện đáng nói là khi giá xăng dầu thế giới là 147 USD/thùng thì giá xăng trong nước 14.000 đồng/lít, nhưng khi giá xăng thế giới chỉ mới xấp xỉ 75 USD/thùng giá xăng trong nước đã lên tới 14.200 đồng/lít.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Hà Nội, việc tăng giá bất cứ loại hàng hoá thiết yếu nào như xăng, dầu, điện đều sẽ làm chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp leo thang. Gánh nặng càng tăng thêm với các doanh nghiệp sản xuất khi mà trước đó, giá điện giờ cao điểm đã được áp dụng. “Việc tăng giá đầu vào chắc chắn sẽ phản ánh ở chỉ số đầu ra - sản phẩm của DN”- ông Phong cho biết thêm: “cùng với việc tăng vững chắc chỉ số CPI trong 4 tháng qua, việc tăng giá xăng sẽ đẩy CPI đi lên, tạo nên mặt bằng giá mới ảnh hưởng đến đời sống người dân và đặc biệt là lạm phát”.

Nhìn nhận sâu xa vấn đề, chuyên gia này cho rằng, sở dĩ hầu như lần kêu lỗ, đòi tăng giá nào của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cũng được Liên Bộ chấp thuận là do cơ chế xin-cho. Theo ông Phong, cần tổ chức kiểm toán ngay các công ty xăng dầu trong thời điểm này để xác định mức phí mà các doanh nghiệp kê khai, căn cứ vào giá thế giới để xây dựng một khung giá, nếu giá thế giới tăng bao nhiêu % thì giá trong nước sẽ chỉ được tăng tương ứng bấy nhiêu %./.

Tổ quốc

ĐỌC THÊM