Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Những 'thủ phạm' của suy thoái kinh tế


Trong số 25 cái tên được điểm, có cả những nhân vật như 2 vị cựu tổng thống của Mỹ là Bill Clinton, George Bush và CEO các tập đoàn tài chính có ảnh hưởng nhất nước Mỹ.

Khi suy thoái tài chính thế giới dường như đã chạm đến đáy, người ta có thời gian kiểm nghiệm lại nguyên nhân sâu xa dẫn đến thảm họa kinh tế lớn nhất kể từ những năm 1930. Báo cáo về 25 nhân vật có "công" lớn nhất đối với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay vừa được tạp chí Time công bố.

1. Angelo Mozilo


Angelo Mozilo là cái tên đứng đầu trong danh sách "thủ phạm". Ảnh: CNN

Là con trai của một người bán thịt, Mozilo trở thành đồng sáng lập Công ty Countrywide vào 1969 và nhanh chóng biến nó trở thành nhà cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ. Trong “phong trào” cho vay thế chấp dưới chuẩn, Countrywide đã giúp bất cứ người Mỹ nào cũng có thể vay tiền dù người đó chưa chắc có khả năng trả nợ. Sau khi bong bóng bất động sản tan vỡ, những món nợ khó đòi khiến Countrywide là một trong những công ty thua lỗ và sa thải nhân công sớm nhất. Mozilo bị dư luận và Quốc hội Mỹ chỉ trích mạnh mẽ khi vẫn điềm nhiên nhận khoản tiền thưởng hậu hĩnh khi kinh doanh thất bát. Đầu 2008, Mozilo ra đi sau khi bán Countrywide cho Bank of America lấy 4 tỷ USD.

2. Phil Gramm

Phil Gramm không thừa nhận vai trò của ông trong việc nhấn chìm thị trường chứng khoán. Ảnh: worldpress

Phil Gramm ngồi ghế Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ cho đến năm 2000. Năm 1999, Thượng nghị sĩ Phil Gramm hô hào bãi bỏ Đạo luật Glass-Steagall Act lập từ sau Cơn Đại Suy thoái 1930. Đạo luật này tách bạch vai trò của ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại, xuất phát từ quan điểm ngăn ngừa các ngân hàng đem tiền gửi của người dân "nướng" vào các canh bạc chứng khoán. Tuy nhiên, nhờ “công lao” của Phil Gramm, nó đã bị bãi bỏ và thay bằng Đạo luật Hiện đại hóa Giao dịch Tương lai áp dụng từ năm 2000. Sản phẩm của Phil Gramm hủy bỏ sự kiểm soát của Ủy ban Giao dịch Tương lai Mỹ đối với các giao dịch phái sinh OTC như hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng. Phil Gramm nhanh chóng được các ngân hàng đầu tư tung hô. Tuy nhiên chỉ 8 năm sau, chính hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng đã hạ gục nhiều nạn nhân, trong số đó có nhà bảo hiểm lớn nhất thế giới AIG. Tuy nhiên, hồi tháng 1/2009, Phil Gramm đã lên tiếng phản đối vai trò của ông trong suy thoái.

3. Alan Greenspan

"Thầy phù thủy" của nền kinh tế Mỹ đã mắc sai lầm. Ảnh: newsday.

Cựu Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan là một chuyên gia kinh tế dày dạn kinh nghiệm trên thương trường và là học trò cưng của nhà lý luận nổi tiếng người Mỹ Ayn Rand. Sau khi chèo chống vượt qua thời kỳ chứng khoán đen tối năm 1987 và đạt thành công vang dội suốt những năm 1990, ông được toàn nước Mỹ phong tặng danh hiệu Thầy phù thủy. Tuy nhiên, nguy cơ dần nảy nở từ đầu năm 2000, khi Greenspan áp dụng mức lãi suất siêu thấp và bãi bỏ sự kiểm soát đối với các định chế tài chính lớn. Hồi tháng 10 năm ngoái, ông phải cay đắng thừa nhận trước Quốc hội Mỹ rằng mình đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng khi ngộ nhận các hãng tài chính có thể tự kiểm soát hoạt động của họ.

4. Chris Cox

Chân dung cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ. Ảnh: worldpress

Cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) Chris Cox có thể viện cớ quanh co để phủ nhận vai trò của ông trong vụ lừa đảo lịch sử Bernard Madoff. Tuy nhiên, giới đầu tư không chấp nhận bất cứ bào chữa nào về sự tắc trách khi ông còn đương chức. Cox biện hộ rằng SEC không đủ quyền hành để hạn chế sự lạm dụng đòn bẩy tài chính, vốn là nguyên nhân gây ra khủng hoảng. Tuy nhiên, sự thật là Ủy ban Chứng khoán Mỹ hoàn toàn có khả năng nắm thông tin hoạt động của những ngân hàng lớn như Lehman Brothers và Merrill Lynch.

5. Người tiêu dùng Mỹ

Trước khi suy thoái xảy ra, hàng triệu người dân Mỹ đã đặt niềm tin mãnh liệt vào sự giàu có. Ảnh: chicstores.

Chính người tiêu dùng Mỹ cũng bị liệt vào hàng “thủ phạm” trong suy thoái toàn cầu. Người Mỹ bắt đầu chính sách thắt lưng buộc bụng từ quý III/2008 do lo sợ kinh tế sẽ yếu đi. Trong khi suốt 40 năm trước đó, thị trường Mỹ đã quen với phong cách thoải mái chi tiêu của người dân. Họ vay mượn để mua sắm, vay mượn để tiêu dùng và đặt niềm tin mãnh liệt vào sự giàu có của nước Mỹ. Tuy nhiên, vào thời điểm bong bóng chứng khoán và bất động sản tan vỡ cuối năm 2007, nợ tiêu dùng của người dân đã lên đến 130% so với mức thu nhập trung bình. Hàng triệu người Mỹ vỡ nợ và nhận ra họ đã không giàu có như đã tưởng.

6. Hank Paulson

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson. Ảnh: telegraph

Khi Hank Paulson rời ghế Chủ tịch Goldman Sachs để trở thành Bộ trưởng Tài chính Mỹ năm 2006, mối bận tâm lớn nhất của ông là làm thế nào để gây ảnh hưởng càng lớn càng tốt. Cuối cùng ông đã thành công, tuy nhiên đó không phải là ảnh hưởng tích cực. Vào cuối thời tổng thống Bush – con, ông đã một tay thao túng toàn bộ nền kinh tế Mỹ bằng các chính sách kinh tế. Kết quả của chúng là 3 sai lầm đã được các nhà phân tích đúc kết lại. Sai lầm đầu tiên là ông đã chậm chân trong việc ngăn chặn khủng hoảng tài chính. Sai lầm nghiêm trọng tiếp theo của Hank Paulson là để Ngân hàng Lerman Brothers sụp đổ. Cuối cùng, người ta gọi gói cứu trợ tài chính trị giá 750 tỷ USD của vị cựu Bộ trưởng Tài chính chỉ là một đống hỗn độn tốn kém.

7. Joe Cassano

Chân dung Joe Cassano. Ảnh: worldpress.

Trước khi ngành tài chính Mỹ đóng băng, ít người biết đến khái niệm hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS). Đó là một loại hợp đồng bảo hiểm, trong đó một bên trả cho bên kia khoản phí để đổi lại được nhận bồi thường trong trường hợp vỡ nợ trái phiếu. Một trong số những người hiểu rất rõ bản chất của công cụ này là Joe Cassano, thành viên sáng lập bộ phận đầu tư tài chính của tập đoàn bảo hiểm AIG. Trong thời kỳ hoàng kim, việc kinh doanh bảo hiểm CDS đã đem lại cho AIG nhiều món lợi khổng lồ. Tuy nhiên, chúng trở thành rắc rối chính của người khổng lồ này khi thị trường bất động sản đi xuống và rủi ro tín dụng vùn vụt tăng cao. Cho đến nay, chính phủ Mỹ đã phải chi đến hơn 150 tỷ USD để duy trì sự sống cho AIG với quyết tâm không thể để tập đoàn này sụp đổ.

8. Ian McCarthy

Nhà kinh doanh bất động sản đầy mưu mẹo Ian McCarthy. Ảnh: rediff

Ian McCarthy được xem là thủ phạm lớn trong vụ sụp đổ thị trường nhà đất ở Mỹ. Là CEO của Công ty Bất động sản Beazer Homes, ông đã cho xây quá nhiều nhà, vượt ngoài khả năng tiêu hóa của người Mỹ. Để tiêu thụ hết số nhà đó, Ian McCarthy đã dùng đến vài mánh khóe. Một trong số đó là chiêu dối trá về khả năng trả nợ của khách hàng, khiến nhà băng sẵn sàng cho họ vay tiền mua bất động sản. Vụ việc của Ian McCarthy đang được FBI, Cơ quan phát triển Nhà của Mỹ và Cơ quan thuế IRS phối hợp điều tra.

9. Frank Raines

CEO gốc Phi đầu tiên trong danh sách Fortune 500. Ảnh: veja.abril.com.br

Khai sinh ra Ngân hàngFannie Mae vào năm 1938 là Quốc hội Mỹ. Còn người đưa ngân hàng này đến với thành công là cựu Chủ tịch Jim Johnson. Nhưng thủ phạm chính khiến Fannie trở thành mối họa với kinh tế Mỹ là người kế nhiệm Jim Johnson, CEO Frank Raines. Frank Raines từng đứng trong bộ máy ngân khố thời Bill Blinton, và ông là CEO gốc Phi đầu tiên nằm trong danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới. Sau khi rời Ngân hàng vào 2004 sau một scandal, ông để lại sau lưng một mối họa tiềm ẩn với nền kinh tế Mỹ. Năm 2008, thua lỗ của Fannie cùng bạn đồng hành Freddie Mac đã lên đến 100 tỷ USD mỗi năm và bị buộc phải nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ Mỹ.

10. Kathleen Corbet

Kathleen Corbet những ngày hoàng kim. Ảnh: daylife

Corbet là người điều hành tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn nhất và uy tín nhất nước Mỹ là Standard & Poor's suốt một thập kỷ. Lợi dụng uy tín của mình, Kathleen Corbet đã dán nhãn “chất lượng cao” lên những khoản vay rủi ro nhất, khuyến khích nhà đầu tư lao đầu vào mua các giấy nợ đảm bảo bằng tài sản. Tuy nhiên khi khủng hoảng xảy ra, những tờ giấy nợ này biến thành giấy loại không hơn không kém. Tiền là lý do duy nhất khiến bà làm ăn thiếu trách nhiệm. Một số nhà phát hành chứng khoán trả tiền cho Kathleen Corbet để cổ phiếu yếu kém của họ được chính S&P đảm bảo.

11. Dick Fuld

Dick Fuld đi giữa sự phản đối của người dân Mỹ trong phiên điều trần trước Quốc hội. Ảnh: Reuters

Từng nổi tiếng với biệt danh Gorilla của Phố Wall, CEO Dick Fuldlà người có công đầu trong việc nhấn chìm Ngân hàng Lehman Brothers trong những phi vụ kinh doanh thế chấp dưới chuẩn. Lehman rót vốn cho các ngân hàng. Sau đó, đến lượt những ngân hàng này cung cấp khoản vay cho những người không có khả năng trả nợ. Lehman biến tiền thành trái phiếu và chuyển cho nhà đầu tư hàng tỷ USD nợ xấu. Trước khi Lehman phá sản, Dick Fuld nhanh tay tự thưởng cho mình 500 triệu USD.

12. Bill Clinton

Bill Clinton trong vai trò mới là diễn giả. Ảnh: bet

Nước Mỹ ở trong thời kỳ kinh tế thịnh vượng những năm Tổng thống Bill Clinton "trị vì". Tuy nhiên, ông là người có công bãi bỏ và lập ra nhiều đạo luật, vốn làm nền móng cho những rắc rối gần đây. Năm 1999, ông quyết định bỏ luật Glass-Steagall Act, bài học sau thời kỳ Đại Suy thoái những năm 1930. Một năm sau đó, ông ký duyệt Đạo luật Hiện đại hóa Giao dịch Tương lai. Hành động này đã cởi trói cho Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng. Năm 1995, Clinton nới lỏng quy định về nhà đất bằng cách sửa lại Luật Tái đầu tư Công cộng. Điều luật gia tăng sức ép lên các ngân hàng, buộc họ phải tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp vay tiền mua nhà. Các nhà phân tích vẫn đang không ngớt tranh cãi về vai trò của vị cựu tổng thống trong việc tạo ra một môi trường cho vay đầy rủi ro.

(còn tiếp)

VnEx

ĐỌC THÊM