Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Những nhà máy thép "sinh" khó

- Liên tục các dự án đầu tư ngành thép với số vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD đổ vào Việt Nam với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, sau cấp phép, khởi công hoành tráng, một số dự án không triển khai, có dự án bị rút giấy phép vì không đủ năng lực.

Đã khởi công hai năm nhưng dự án thép Guang Lian mới xây văn phòng, chưa xây nhà máy - Ảnh: M.Thu

Thống kê chưa đầy đủ, có ít nhất bảy dự án đầu tư vào ngành thép với số vốn từ 500 triệu USD trở lên đã được cấp phép hoặc thông qua chủ trương đầu tư trong vòng hai năm gần đây.

Cấp phép hoành tráng, triển khai tậm tịt

Chậm ít nhất hai năm

Bộ Công thương xác nhận tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trong danh mục đã được quy hoạch đều chậm so với kế hoạch đặt ra ít nhất hai năm. Khó khăn chủ yếu là do thời gian lập, phê duyệt dự án và đấu thầu kéo dài; giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn khó khăn, biến động giá vật liệu và suy thoái kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án.

Trong khi danh sách các dự án mới được cấp phép dài thêm thì số dự án cũ lẽ ra đã phải hoàn tất nhưng hiện vẫn triển khai ì ạch. Trong đó có dự án sản xuất thép Tycoons Steel International - công ty con của Tycoons Group International Co., Đài Loan - làm chủ đầu tư, được cấp phép từ tháng 9-2006 tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Sau nhiều lần trì hoãn do thay đổi đối tác, đến cuối tháng 10-2007 dự án mới khởi công xây dựng với liên doanh thành lập giữa Tycoons (Đài Loan) và Jinnan (Trung Quốc đại lục), công suất 5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD.

Sau một thời gian, Công ty Jinnan (Trung Quốc) rút khỏi dự án. Thay vào đó là Công ty E-United (Đài Loan) với 90% vốn, Tycoons chỉ còn lại 10% phần vốn đầu tư, trở thành liên hợp thép 100% vốn Đài Loan, vốn đầu tư mới trên 3 tỉ USD. Chủ đầu tư công bố giai đoạn 1 dự án có vốn đầu tư 1,83 tỉ USD, tháng 4-2009 sẽ lắp đặt thiết bị cho nhà máy, tháng 6-2010 chạy thử nhà máy và tháng 10-2010 sản xuất chính thức. Tuy nhiên, đầu tháng 7-2009, hàng trăm hecta đất nơi đặt nhà máy vẫn hoang vắng.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, trưởng BQL Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), cho biết dự án hiện do Công ty TNHH Guang Lian Steel (thuộc Tycoons Group) điều hành triển khai. “Do suy thoái kinh tế và điều chỉnh lại thiết kế nhà máy giai đoạn 1 nên chủ đầu tư đã làm chậm tiến độ xây dựng”, ông Thủy nói. Còn ông Võ Tiến Dũng, phó trưởng BQL Khu kinh tế Dung Quất phụ trách đền bù giải tỏa, lại cho rằng nguyên nhân khác khiến dự án chậm triển khai là do chuyện đền bù, giải tỏa.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã gửi văn bản đề nghị Công ty TNHH Guang Lian Steel trong tháng 7-2009 phải có báo cáo tiến độ xây dựng chi tiết về dự án để xem xét bổ sung mặt bằng triển khai giai đoạn 1 của dự án.

Nước ngoài hụt hơi

Tương tự, dự án nhà máy thép cán nóng công suất 2 triệu tấn/năm giữa Tổng công ty Thép VN (VNSteel), Tổng công ty Cao su VN (Geruco) và Essar Steel VN Holdings Ltd (Ấn Độ) tại KCN Phú Mỹ 1 (Bà Rịa - Vũng Tàu) được cấp phép vào tháng 3-2007 cũng buộc phải dừng triển khai do đối tác Ấn Độ rút lui. Dự án ban đầu có tổng vốn đầu tư trên 527 triệu USD, trong đó vốn điều lệ trên 158 triệu USD với tỉ lệ VNSteel chiếm 20%, Geruco 15% và Essar 65%. Hơn một năm sau, tháng 4-2008, đối tác Essar xin chuyển nhượng lại phần vốn góp cho VNSteel để rút lui.

Dự án trở thành 100% vốn đầu tư trong nước với tỉ lệ VNSteel nắm giữ 84%, Geruco 15% và Công ty Thép Đà Nẵng giữ 1%. Hiện dự án vẫn trong giai đoạn nằm chờ “vì sau khi chuyển phần vốn góp sang cho VNSteel thì chủ đầu tư mới vẫn chưa có động tĩnh gì”, nguồn tin từ BQL các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.

Một dự án đình đám khác cũng đã tê liệt sau nhiều năm “giữ đất” là của Nhà máy thép Thiên Hưng (Đài Loan) đầu tư sản xuất thép không gỉ tại Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, được cấp phép đầu tư ngày 2-11-2005. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD này bị thu hồi giấy phép vào ngày 8-8-2008 vì “không còn khả năng triển khai” sau nhiều lần xin trì hoãn thực hiện của chủ đầu tư.

Đây cũng là dự án vốn rất được kỳ vọng về quy mô đầu tư lẫn sản phẩm thép đặc chủng, nhưng đến thời điểm rút giấy phép, dự án này vẫn chỉ tồn tại trên... giấy phép. Hiện đã có hai nhà đầu tư khác được cấp giấy phép đầu tư trên phần đất bị thu hồi rộng đến 50ha của dự án nổi tiếng một thời này.

Vỡ quy hoạch

Trong khi các dự án đầu tư trong quy hoạch ngành thép đã được cấp phép vẫn tiếp tục ì ạch thì số dự án “tự phát” ở các địa phương xin được “vào quy hoạch” cứ ngày một dài ra.

Tháng 9-2007, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp thép của VN từ nay tới năm 2020 và tầm nhìn tới 2025, với 26 dự án được phê duyệt. Trừ ba dự án đã đi vào hoạt động, trong 16/23 dự án trong diện đang triển khai khá ì ạch thì số dự án không thuộc danh mục quy hoạch, nhưng đã được các tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư lên đến 32 dự án.

Trong 32 dự án đang xin “được vào quy hoạch”, có ba dự án nhà máy thép liên hợp quy mô lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, năm dự án quy mô vừa đã được Bộ Công thương có ý kiến thỏa thuận, còn lại 24 dự án quy mô vừa và nhỏ không có ý kiến cho phép và thỏa thuận của Thủ tướng Chính phủ và bộ.

Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành thép, sở dĩ có tình trạng nói trên là do thép không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ có các dự án luyện kim có vốn đầu tư từ 1.500 tỉ đồng trở lên không có trong quy hoạch được duyệt phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Các chuyên gia trong ngành khẳng định dù số dự án đi vào hoạt động sản xuất chưa nhiều, nhưng nguy cơ cung vượt cầu là điều ai cũng thấy trước nếu cộng tất cả công suất thiết kế của các dự án đã được cấp phép. Nếu năm 2010, nhu cầu thép ước chỉ ở mức 6,5 triệu tấn thì nguồn cung đã vượt ngưỡng 10 triệu tấn và lên đến 15 triệu tấn vào năm 2015. Chưa kể tổng công suất cán thép xây dựng vượt gần gấp đôi công suất luyện, trong khi thép tấm cán nóng, thép chất lượng cao như thép không hợp kim, thép mạ điện hợp kim để phục vụ nhu cầu sản xuất cơ khí, ôtô, động cơ điện... vẫn chưa sản xuất được.

(Tuổi trẻ)

ĐỌC THÊM