Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Những doanh nghiệp thép đầu tiên hé lộ bức tranh lợi nhuận 6 tháng đầu năm

Tính đến ngày 19/7, theo thống kê của FiinTrade, đã có 6 doanh nghiệp thép công bố báo cáo tài chính quý II/2023, phần lớn lợi nhuận sụt giảm, thậm chí một số doanh nghiệp báo lỗ.

Kết quả kinh doanh quý II/2023 của 1 số doanh nghiệp thép. Ảnh: Thùy Dương tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh quý II/2023 của 1 số doanh nghiệp thép. Ảnh: Thùy Dương tổng hợp từ BCTC doanh nghiệp.

Theo đó, CTCP Thép Mê Lin (mã: MEL) là doanh nghiệp đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với lãi ròng giảm gần 30% so với cùng kỳ.

Trong quý II, công ty thu về xấp xỉ 180 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 10,7% so với cùng kỳ (svck) năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán hàng chiếm chủ yếu đạt 125 tỷ đồng, tăng 34,4% cùng kỳ năm ngoái, còn lại là doanh thu cung cấp thành phẩm, dịch vụ giảm nhẹ đạt 54 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp về bán hàng giảm hơn 16% còn 11,3 tỷ đồng kéo theo biên lãi gộp giảm xuống 6,2% svck 2022. Doanh thu tài chính đạt 0,13 tỷ đồng, giảm mạnh 115%, trong đó phần lớn là lãi chênh lệch tỷ giá cùng lãi tiền gửi, tiền cho vay. Chi phí tài chính của công ty so với kỳ trước đã giảm nhẹ, đạt 7,3 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay đạt 7,2 tỷ đồng.

Trừ chi phí, lãi trước thuế của MEL giảm gần 39% về 1,3 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 1,09 tỷ đồng, giảm 32% cùng kỳ 2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lãi ròng của MEL đều ghi nhận giảm sâu svck năm ngoái, lần lượt đạt 309,8 tỷ đồng và 3 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 24,6% và 75,2% cùng kỳ 2022.

Giải trình về chênh lệch kết quả kinh doanh, công ty cho biết do quý II chịu tác động của giá thép trên thị trường giảm, giá bán giảm, sản lượng của công ty thấp, lãi suất vay của các ngân hàng cao nên lợi nhuận cũng giảm.

Tiếp theo, CTCP Thép Thủ Đức - VNSTEEL (UPCoM: TDS) ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt gần 223 tỷ đồng, giảm khoảng 38% svck năm ngoái. Lãi gộp 2,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 2,5 tỷ đồng.

TDS cho biết, việc có lãi gộp là nhờ công ty cố gắng điều tiết sản xuất, tiêu thụ phù hợp với xu thế mới của thị trường.

Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đã giảm đáng kể, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh lên 6,5 tỷ đồng (cùng kỳ âm 4,7 tỷ đồng). Nguyên nhân do cùng kỳ có khoản hoàn nhập dự phòng trích trước 10,5 tỷ đồng mà năm nay không có.

Cùng với bối cảnh khó khăn chung toàn ngành khi tiêu thụ yếu và giá bán liên tục giảm, quý II/2023, TDS lỗ ròng 2,76 tỷ đồng, sâu hơn mức lỗ 2,5 tỷ đồng quý II/2022 và đánh dấu sự sụt giảm mạnh so với quý liền trước khi công ty đã có lãi 4,3 tỷ đồng trong quý I/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 571 tỷ đồng và lãi ròng 1,6 tỷ đồng, giảm tương ứng 49% và 73% svck.

Tính đến 30/6, tài sản ngắn hạn của TDS đạt 405 tỷ đồng, trong đó 13 tỷ đồng tiền mặt và 294 tỷ đồng hàng tồn kho. Nợ ngắn hạn ở mức 74 tỷ đồng, không có vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Một doanh nghiệp thép khác cũng đã có BCTC quý II là CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (UPCoM: TNS) với doanh thu thuần trong quý vừa qua đạt 121,6 tỷ đồng, giảm hơn 54% svck 2022.

Giá vốn hàng bán cũng giảm khoảng 53,5% cùng kỳ năm ngoái còn 119 tỷ đồng khiến lãi gộp giảm mạnh 81% xuống mức hơn 2 tỷ đồng. Mặc dù các khoản chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều giảm, duy chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 14,3% lên 2,4 tỷ đồng.

Kết quả, công ty báo lỗ ròng 1,26 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng 3,4 tỷ đồng.

Theo báo cáo giải trình, TNS cho biết do thị trường thép cán nguội quý II vẫn còn khó khăn, khả năng phục hồi chậm dẫn đến sản lượng sản xuất giảm 33,13% và tiêu thụ giảm 32,99% svck năm trước, doanh thu thuần giảm là các nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận sau thuế quý II.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của công ty giảm 49%, đạt 247 tỷ đồng. Lỗ ròng gần 3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 7 tỷ đồng.

Về tình hình tài chính, hết 30/6, tổng tài sản của TNS đạt 372 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,4% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn tăng 40,5%, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 24 tỷ đồng xuống 8,5 tỷ đồng, phần lớn là tiền gửi không kỳ hạn. Hàng tồn kho tăng 32,8% lên gần 80 tỷ đồng do phát sinh chi phí sản xuất kinh doanh dở dang so với đầu năm.

Nợ phải trả đạt 339 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 272 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ còn 33 tỷ đồng.

CTCP Cán Thép Thái Trung (UPCoM: TTS) cũng ghi nhận kết quả kém khả quan khi doanh thu thuần trong kỳ đạt 454,9 tỷ đồng, giảm 62,7% svck, lỗ ròng 10,3 tỷ đồng trong kỳ cùng kỳ lãi hơn 3 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, công ty thu về 1.923 tỷ đồng, giảm 38,8% cùng kỳ năm ngoái, lỗ ròng 7,3 tỷ đồng nhờ quý I có lãi hơn 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lỗ ròng nửa đầu năm nay vẫn thấp hơn nhiều so với kết quả kinh doanh 6 tháng/2022 lãi hơn 1 tỷ đồng.

CTCP Gang thép Cao Bằng (UPCoM: CBI) báo cáo doanh thu quý II tăng 13,8% svck 2022 lên 568 tỷ đồng nhưng lỗ ròng tới hơn 11 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 17,7 tỷ đồng).

Công ty giải trình, lợi nhuận sụt giảm do giá vốn bán hàng tăng vì ảnh hưởng tăng giá từ 1 số nguyên vật liệu đầu vào như quặng và than.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần CBI đạt 1.336 tỷ đồng, tăng nhẹ svck 2022, lãi ròng 2,4 tỷ đồng, giảm mạnh xấp xỉ 18 lần cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, trong báo cáo tài chính riêng (trước kiểm toán) quý II/2023, CTCP Thép VICASA - VNSTEEL (HOSE: VCA) có lãi quý II tăng mạnh so với cùng kỳ.

Theo đó, công ty ghi nhận doanh thu thuần trong quý đạt 358 tỷ đồng, giảm gần 29% svck năm trước. Dù vậy, giá vốn cũng giảm hơn 31% còn 349 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của VCA đạt hơn 8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 5 tỷ đồng.

Trong kỳ, dù doanh thu hoạt động tài chính giảm 63% xuống 130 triệu đồng nhưng chi phí tài chính cũng giảm mạnh 41% còn 2 tỷ đồng. Cùng đó đó, chi phí bán hàng giảm 34% do chi phí vận chuyển giảm (sản lượng tiêu thụ giảm) và chi phí quảng cáo thương hiệu giảm. Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh lên hơn 3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 12 tỷ đồng, nguyên nhân là trong quý II công ty hoàn nhập dự phòng tiền lương đã trích năm 2021 với số tiền là 15,07 tỷ đồng.

Trừ chi phí và thuế, VCA vẫn lãi ròng hơn 879 triệu đồng, tăng mạnh 75% svck 2022, dù thấp hơn nhiều so với mức lãi 5,3 tỷ đồng của quý I/2023. Theo giải trình, mức tăng lợi nhuận này đến từ việc sản lượng tiêu thụ và giá bán giảm khiến doanh thu thuần giảm; giá vốn giảm nhiều hơn do công ty tiết giảm chi phí sản xuất; và lợi nhuận gộp tăng.

Lũy kế 6 tháng, VCA ghi nhận doanh thu thuần đạt 864 tỷ đồng, giảm 36,3% cùng kỳ năm ngoái, lãi ròng giảm 34%, đạt khoảng 6,2 tỷ đồng.

Tính đến 30/6, tổng tài sản của công ty đạt 443,8 tỷ đồng, tăng 19,4% so với số đầu năm, chủ yếu là tài sản ngắn hạn đạt 394,8 tỷ đồng, tăng 25,6%. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền giảm mạnh gần 4 lần còn khoảng 5,3 tỷ đồng, phần lớn là tiền gửi không kỳ hạn.

Hàng tồn kho tăng mạnh 66,6 tỷ đồng lên 325 tỷ đồng so với số đầu năm, nguyên vật liệu chiếm 150 tỷ đồng.

Nợ phải trả cũng tăng lên 252 tỷ đồng so với 186 tỷ đồng hồi đầu năm. Công ty không có nợ dài hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 191 tỷ đồng, tăng không đáng kể.

Nguồn tin: Doanh nhân

ĐỌC THÊM