Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhu cầu thép ở Trung Quốc suy giảm, giá quặng sắt lao dốc

Giá quặng sắt trên các sàn giao dịch hàng hóa ở Trung Quốc và Singapore đồng loạt lao dốc khi nhiều nhà máy thép ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dừng hoạt động các lò cao trong bối cảnh nhu cầu trong nước suy giảm.

Vào chiều 20-6, giá quặng sắt giao sau ở sàn giao dịch hàng hóa Singapore giảm 7,4%, xuống mức 111,2 đô la Mỹ/tấn, xóa sạch thành quả tăng giá kể từ hồi đầu năm. Nguyên liệu sản xuất thép này đã mất khoảng 1/5 giá trị sau một đợt sụt giảm kéo dài liên tục 8 ngày.

Giá quặng sắt tương lai ở sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên ở Trung Quốc cũng giảm 8,3%, trong khi đó, giá thép cây và thép cuộn cán nóng đều giảm khoảng 5%. Giá than cốc luyện kim, được sử dụng để sản xuất thép ở Trung Quốc, giảm tới 12%, về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2.

Các nhà phân tích ở Ngân hàng Westpac (Úc) cho biết giá thép ở Trung Quốc đã giảm về mức thấp nhất trong 16 tháng. Họ cho rằng đà giảm của giá thép càng làm gia tăng sức ép giảm giá trên các thị trường quặng sắt, đặc biệt khi nhiều nhà máy thép ở Trung Quốc đang tạm dừng hoạt động do lợi nhuận giảm mạnh.

Nhu cầu tiêu thụ quặng sắt ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản đang suy thoái giữa lúc Trung Quốc vẫn chưa thể kiểm soát được hoàn toàn các đợt bùng phát Covid-19. Tháng trước, ngành công nghiệp thép Trung Quốc bắt đầu lạc quan hơn với kỳ vọng sự suy giảm đợt bùng phát dịch bệnh sẽ thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng trong hoạt động kinh tế. Nhưng gần đây, các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải buộc phải triển khai các chiến dịch xét nghiệm hàng loạt khi các ổ dịch mới xuất hiện và đứng trước nguy cơ bị phong tỏa trở lại.

Giới kinh doanh quặng sắt đang lo ngại về các yếu tố cơ bản của thị trường trong bối cảnh Trung Quốc phải vật lộn để ngăn chặn các đợt bùng phát Covid-19 gần đây, hoạt động xây dựng chậm lại trong mùa mưa, tồn kho thép tăng do nhu cầu ảm đạm và lợi nhuận thấp tại các nhà máy thép.

Tuần trước, công suất lò cao ở Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc, lần đầu tiên giảm kể từ giữa tháng 5. Công ty tư vấn Mysteel cho biết nhiều nhà máy ở Đường Sơn đang cắt giảm sản lượng để bảo trì trong thời kỳ biên lợi nhuận suy yếu. Chỉ số lợi nhuận ngành thép của Trung Quốc giảm đến gần 90% trong tháng này.

Wei Ying, nhà phân tích tại Công ty tư vấn đầu tư China Industrial Futures, nói: “Với giao dịch giao ngay đang chững lại, giá thép đang giảm. Nhiều nhà máy thép hiện thua lỗ và phải gấp rút bảo trì theo kế hoạch”. Tuy nhiên, bà cho rằng quặng sắt “có thể đã bị bán giảm giá quá mức” và có khả năng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm.

Wei Ying cho biết  các giao dịch giao ngay hàng ngày đối với các sản phẩm thép xây dựng ở Trung Quốc giảm về mức khoảng 11-13 triệu tấn, so với mức thông thường là 17-19 triệu tấn.

Mysteel cho rằng triển vọng ảm đạm đối với ngành xây dựng của Trung Quốc tiếp tục thử thách lòng tin của thị trường. Một loạt các biện pháp chính sách hỗ trợ từ Bắc Kinh trong vài tháng qua đã không giúp giá thép tăng ổn định liên tục vì rủi ro dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát và chính sách “zero-Covid” tiếp tục ám ảnh thị trường.

Nhà phân tích Rosealea Yao của Công ty dịch vụ tài chính GavekalDragonomics cho biết các nhà máy thép Trung Quốc đã tăng sản lượng kể từ cuối năm ngoái vì họ đặt cược rằng chương trình kích thích đầu tư hạ tầng của Bắc Kinh và sự phục hồi nhanh chóng trong lĩnh vực xây dựng bất động sản sẽ hỗ trợ nhu cầu trong những tháng tới. Rosealea Yao nhận định trừ khi lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sớm phục hồi mạnh mẽ hơn, sự mất cân đối do sản lượng thép cao và nhu cầu yếu sẽ phải được giải quyết bằng cách giảm giá thép xuống thấp hơn nửa hoặc cắt giảm sản lượng thép hoặc triển khai cả hai điều này cùng lúc.

Nguồn tin: Kinh tế sài gòn

ĐỌC THÊM