Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhiều vướng mắc khi DN đầu tư ra nước ngoài

Tại hội nghị “Thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài” do Bộ Kế hoạch – Đầu tư tổ chức tại TPHCM ngày 5-9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Đức Hòa nhận xét: Đầu tư ra nước ngoài là hướng phát triển mới của các doanh nghiệp (DN) VN và bước đầu đã có kết quả tích cực.

Song, vẫn còn một số vướng mắc khiến các DN gặp khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Theo ông Bùi Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài: Tính đến nay, VN đã có 317 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 2,5 tỉ USD, vốn thực hiện khoảng 1 tỉ USD, chiếm 40% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài; quy mô đầu tư bình quân đạt 7,8 triệu USD/dự án. Các DN VN đã có mặt tại tất cả châu lục. Một số dự án lớn đã được triển khai thực hiện như: Dự án thăm dò dầu khí tại Algeria và Malaysia của Tổng Công ty Dầu khí VN trị giá 150 triệu USD; dự án đầu tư sang Singapore của Công ty Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí trị giá 22,7 triệu USD; dự án xây dựng thủy điện tại Lào trị giá 100 triệu USD; dự án đầu tư sang Nhật của FPT trong lĩnh vực đào tạo đội ngũ trình lập viên phần mềm; dự án xây dựng trung tâm cộng đồng đa năng TPHCM tại Nga...

Dù đầu tư ra nước ngoài được Chính phủ xác định là phương thức quan trọng giành quyền chủ động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhưng thực tế, các DN VN đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ nhiều phía. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng (Traseco), cho rằng: Nghị định 78/2006/NĐ-CP về đầu tư ra nước ngoài ít nhiều có tác dụng thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài nhưng vẫn nặng cơ chế xin – cho, DN vẫn bị bắt bẻ khi thực hiện thủ tục. Trong đó, thủ tục của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc chuyển tiền ra nước ngoài là “xơ cứng” nhất. Chẳng hạn, một dự án đầu tư sang Trung Quốc đã được cấp đất, thậm chí khi có Thủ tướng đến dự lễ khởi công mà DN vẫn chưa nhận được tiền chuyển từ VN sang. Có lần phải mất hơn 60 ngày, DN mới nhận được 13 triệu nhân dân tệ (khoảng 31 tỉ đồng) gây ảnh hưởng đến hoạt động của toàn hệ thống. Vì vậy, nên mở rộng việc chuyển tiền ra nước ngoài của các dự án đầu tư ra nước ngoài thông qua ngân hàng thương mại.

Bà Phạm Thị Lợi, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cáp và Vật liệu viễn thông (Sacom), đề nghị các cơ quan quản lý tại Việt Nam cần quan tâm, hỗ trợ DN nhiều hơn. Cách đây vài tháng, công ty của bà bị cơ quan quản lý ở Campuchia thu giữ máy móc thiết bị. Dù đã có văn bản gửi các bộ ngành ở Việt Nam nhờ tháo gỡ khó khăn nhưng không nhận được sự hỗ trợ nào khiến DN cảm thấy mất tự tin khi “một thân một mình” đầu tư ra nước ngoài.

Một trong những giải pháp được Thứ trưởng Nguyễn Đức Hòa đề xuất là đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép, chẳng hạn như trong 5 ngày làm việc mà không thấy bộ trả lời, có thể xem như hồ sơ xin phép của DN đã được chấp nhận.

Người Lao Động


ĐỌC THÊM