Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhiều bức xúc tại đối thoại hải quan - doanh nghiệp

100 đại diện của doanh nghiệp đã tham dự cuộc đối thoại giữa hải quan - doanh nghiệp Hà Nội vào ngày 2/10. Vẫn là “n” bức xúc trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, giá tính thuế chưa phù hợp và đặc biệt lỗi do ... đường truyền chậm.

 

Theo đánh giá của các doanh nghiệp tại cuộc đối thoại, ngành hải quan nói chung và Cục hải quan Hà Nội nói riêng, kể từ khi áp dụng thủ tục hải quan điện tử đã giảm thiểu được thời gian và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, các DN vẫn chỉ ra nhiều vướng mắc trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

 

Ông Nguyễn Doãn Bốn, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Hải quan Hà Nội thừa nhận: “Xung quanh việc áp mã thuế đối hàng hoá nhập khẩu, thời gian gần đây xảy ra rất nhiều tranh chấp giữa hải quan và DN, nhiều vụ khiếu nại vượt cấp.

 

Một phần là do cơ chế chính sách, một phần do cả hải quan và DN đều thiếu kiến thức hiểu biết về bản chất của hàng hoá. Tất nhiên cũng có trường hợp, DN biết nhưng cố tình khai không đúng mã hàng để được áp mức thuế thấp”.

Trao đổi với cơ quan chức năng, đại diện Công ty liên doanh Hino Việt Nam bày tỏ: “Một bộ gạt nước xe ô tô có chừng 20 - 25 chi tiết, chúng tôi nhập linh kiện về để lắp nhưng hải quan lại áp mã thuế là bộ gạt nước và áp mức thuế cao hơn nhiều.

Trường hợp khác, chúng tôi nhập khẩu ô tô theo dạng bộ linh kiện CKD, trong động cơ có cánh quạt, để tiện vận chuyển chúng tôi tháo cánh quạt ra. Về đến Việt Nam, hải quan áp mã thuế vào mặt hàng nhập khẩu quạt”.

Đó là chưa kể, để lắp ráp được một chiếc ôtô, công ty này cần khoảng 15.000 chi tiết phải nhập khẩu, khi khai phải khai đủ nhưng có khi gửi thông tin đến các chi cục hải quan thì đường truyền dữ liệu lại gặp vấn đề, khiến sản xuất bị đình trệ.

Cũng với vấn đề này, bà Phí Mai Hoa, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội cho biết: DN rất khổ vì lỗi mạng, lỗi đường truyền của hải quan. Nhiều lúc do lỗi đường truyền, đường truyền chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ của lô hàng công ty này.

Giải đáp bức xúc của DN, ông Lê Trọng Hùng, Trưởng Trung tâm Dữ liệu và Công nghệ thông tin (Hải quan Hà Nội) cho hay: Tới đây, cục sẽ tiếp tục nâng cấp và thuê đường truyền cáp quang tốc độ cao hơn để đảm bảo có thể nhận thông tin tốt nhất từ các DN.

Tuy nhiên, “đường truyền phải từ cả hai đầu, hải quan đường truyền tốc độ đã cao nhưng phía DN cũng phải cao thì mới được. Nếu hải quan xây dựng xa lộ nhưng doanh nghiệp vẫn đi xe đạp thì không thể đi nhanh được”.

Đối với những tờ khai lớn đến 15.000 chi tiết như của Công ty Hino, ông Hùng cho rằng, đây là trường hợp đặc biệt, hiếm có đơn vị nào cùng lúc phải khai nhiều chi tiết như thế. Trong khi đường truyền của Hải quan Hà Nội mới chỉ đáp ứng được ở mức khoảng 10.000 chi tiết khai cùng một lúc.

Đại diện Công ty TNHH Hệ thống dây Sumi - Hanel bày tỏ bức xúc khi phải chi thêm 40.000 USD vì… khổ của một tờ giấy. Chuyện là, DN này nhập hàng từ Thái Lan về, tất cả thủ tục đã làm đầy đủ nhưng khi xuất trình C/O thì hải quan không chấp nhận, chỉ vì khổ giấy C/O lấy từ Thái Lan nhỏ hơn khổ giấy A4 một chút.

Theo bà Lê Thu Hương, cán bộ xuất khẩu của Công ty Daiwa Plastics Thăng Long, sản phẩm của công ty được xuất khẩu tại chỗ cho công ty Canon Việt Nam. Tuy nhiên hàng hoá thường bị đình lại, không được đưa vào sản xuất ngay do chờ xác nhận và kiểm hoá của chi cục hải quan nơi hàng nhập khẩu.

Bà Hương đề nghị, Chi cục Hải quan có thể áp dụng cho DN khai 1 tháng 1 lần và hạn chế kiểm hoá rút ngắn thời gian cho DN?

Trả lời vấn đề này, Phó Vụ trưởng vụ giám sát quản lý Tổng cục Hải quan Trịnh Đình Kính cho biết: Hàng xuất khẩu tại chỗ không cần kiểm tra, kiểm hoá, đây là vấn đề mới phát sinh trong thực tế cần phải sửa đổi. Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu và áp dụng phương pháp quản lý rủi ro đối với các DN xuất khẩu hàng tại chỗ.

Còn ông Lê Văn Chung, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty CP Phú Lâm bày tỏ lo ngại về một loại “giấy phép con”: “Hải quan quy định, các DN làm hàng gia công xuất khẩu khi tiêu huỷ phế thải phải xin phép Sở Tài nguyên & Môi trường, tôi cho quy định đó là không cần thiết.

Nó là một loại giấy phép con, mà hiện nay chúng ta đang thực hiện cải cách hành chính, bỏ các loại giấy phép con. Bởi khi chúng tôi ký hợp đồng với DN khác để tiêu huỷ thì DN đó đã có giấy phép cho phép được làm việc này”…

Ghi nhận ý kiến của các DN và nhằm tạo điều kiện cho DN hoạt động, phát triển, ông Nguyễn Văn Trường - Cục phó Cục Hải quan Hà Nội cho hay: Thời gian tới ngành hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hiện đại hoá và mở rộng làm thủ tục hải quan điện tử, góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính, đẩy nhanh quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu cho DN.

Dân Trí

ĐỌC THÊM