Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhập thép phế liệu phục vụ sản xuất: Nhiều quy định xa thực tế

Ngày 22/8, VCCI phối hợp với hiệp Hội Thép Việt Nam tổ chức Hội thảo về đề tài thép phế nhập khẩu cho các Cty luyện thép lò điện. Tại hội thảo, các DN và các cơ quan chức năng đã góp ý cho dự thảo về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất do Bộ TNMT ban hành. DĐDN đã có cuộc PV ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam xung quanh nội dung này.

 - Thưa ông, dư luận từ nhiều năm nay vẫn cho rằng nhập khẩu phế liệu về sản xuất thép sẽ ảnh hưởng tới môi trường. Nhưng phải nhìn thực tế rằng việc sản xuất thép từ phế liệu rẻ hơn nhiều so với nhập phôi thép. Hai điều này dường như mâu thuẫn với nhau, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thế giới hiện đang sản xuất khoảng 1,2 tỷ tấn thép/năm, trong đó có 30% được sản xuất từ thép phế liệu (400 triệu tấn/năm) như vậy có thể thấy số lượng thép được sản xuất từ phế liệu là rất lớn. Ở Việt Nam, ngoài Thái Nguyên hiện nay chưa có lò nào sản xuất thép bằng quặng, còn lại hầu hết là lò điện. Hiện nay việc sản xuất thép phế liệu có nguồn từ trong nước không đủ cung ứng cho các nhà máy, mới có khoảng 1,2 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu khoảng gần 5 triệu tấn. Như vậy có thể thấy nhu cầu thu mua nguyên liệu thép để sản xuất ngày càng tăng, nếu ta không giải quyết rõ ràng vấn đề  nhập thép phế liệu thì sẽ rất khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước. Chẳng nhẽ để các DN đầu tư hàng triệu USD lại không đủ nguyên liệu sản xuất !

Trong thép phế liệu có 97% là sắt nên lượng các chất thải khác không nhiều, vốn đầu tư sản xuất thép từ nguyên phế liệu ít hơn nhiều so với sản xuất từ quặng, sản xuất thép từ quặng phải sử dụng nhiều than cốc, bản thân quặng cũng chỉ có 50% là sắt còn lại là các chất khác nên khí thải ra môi trường cũng rất độc hại trong khi sản xuất từ thép phế liệu chỉ cần điện và chất dung môi.

Khi mua phế liệu về chất thải lẫn trong thép phế chỉ có vài %. Ở các nước người ta vẫn cho phép nhập khẩu, ở Việt Nam nhiều người nói rằng trong thép thải có rác, có chất độc hại... thực tế đã là phế liệu thì không thể sạch được, phải có gỉ sét nhưng những chất đó không có độc hại cho môi trường.

- Những ách tắc lớn đã gặp khi nhập thép phế đã xảy ra ở Việt Nam với rất nhiều tranh cãi khác nhau. Ở góc độ là đại diện cho các DN thép, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ba vụ ách tắc được cho là lớn nhất là năm 2003, lô thép phế 5.000 tấn do Cty XNK Than nhập cho Cty Gang Thép Thái Nguyên; lô thép phế (200 container) của 6 Cty nhập cảng TP HCM và Hải Phòng; lô thép phế hơn 400 tấn (loại đã băm vụn) nhập bằng container ở Đà Nẵng của Cty Thép Thành Lợi cũng buộc phải tái xuất vì lý do vi phạm khoản 1 điều 43 của Luật Môi trường. Kết luận của Sở TNMT thì điều 1: không phải là chất thải nguy hại - nhưng ở điều 2 thì kết luận có lẫn chất thải nguy hại nên phải tái xuất, ngày 18/8 Chủ tịch TP Đà Nẵng quyết định tiêu huỷ.

Chúng tôi nhận thấy rằng cả 3 sự cố trên đều có chung 1 điều là ý kiến các cơ quan kiểm định, cơ quan quản lý và người sử dụng không đồng thuận, tranh cãi kéo dài, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại lớn cho DN sản xuất. Các xử lý tiếp theo không có sức thuyết phục cho cả người quản lý và người sản xuất.

- Ông có nói rằng vấn đề thép phế liệu gây tranh cãi là ý kiến các cơ quan kiểm định, cơ quan quản lý và người sử dụng không đồng thuận. Vậy ông có thể dẫn chứng cụ thể?

Tôi xin ví dụ, ở điều điều 43 của Luật Môi trường khác nhau giữa người quản lý với người nhập và sử dựng thép phế, giữa người quản lý với cơ quan giám định:

+ Người quản lý yêu cầu thép phế phải được phân loại, làm sạch, không lẫn những vật phẩm, hàng hoá cấm nhập khẩu.

+ Người sản xuất thì cho là quy định đó không thực tế, quá triệt để vì không thể không lẫn chất thải, quy định như thế nào là sạch cũng không định lượng, không minh bạch nên dễ bắt lỗi.

- Những chất "độc hại"lẫn vào thép phế là không tránh được, nhưng hàm lượng bao nhiêu  mới nguy hại và không được phép nhập ?

- Khoản 2 điều 43 của Luật Môi trường chỉ cho phép những người trực tiếp sử dụng thép phế mới được nhập là không phù hợp với Luật Thương mại và thông lệ quốc tế (sau đã được sửa ở Thông tư 02 (30/8/2007) của liên bộ Thương mại và TNMT nhưng như vậy là vi phạm luật). Khi nhập khẩu thép phế thì các chi tiết, phụ tùng máy móc đã hư hỏng chỉ được phép nhập khi đã cắt, phá, làm biến đổi hình dạng... đến mức không còn giá trị sử dụng. Đây là nội dung gây tranh cãi và để bị bắt lỗi vì thường ở nước ngoài họ ít quan tâm, Việt Nam thì lo ngại sẽ tận dụng, coi như nhập lậu (lá zoăng ôtô, ống xả ôtô gỉ sét), có những chi tiết máy thải ra không thể làm biến dạng được như "trục khuỷu"...

Danh mục thống kê các chất cấm nhập khẩu thì rất nhiều loại nhưng không có quy định về mức độ lẫn các chất này trong thép phế: có qui định không rõ như cấm thép phế lẫn dầu mỡ (sản phẩm thép luôn có dầu mỡ chống gỉ) các hộp dựng sơn đã dùng hết, các nước đều đưa vào nấu ở lò thép, Việt Nam thì cấm?
 
Khi thép phế lẫn tạp chất, việc lấy mẫu đại diện như thế nào để có hàm lượng các chất độc hại chuẩn xác cũng là vấn đề còn tranh luận. Lô thép phế thường lớn 20 tấn, 50 tấn, 100 tấn, 1000 tấn nếu chọn 1 vài lon hộp có dính dầu, 1 mảnh mạch bán dẫn để phân tích chất độc hại thì không thể là đại diện, số liệu  phân tích nồng độ độc hại sẽ không chuẩn.

Có những quy định xa thực tế, không thể thực thi được khi qui định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu là thân, vỏ tàu biển (kể cả sà lan) phải loại bỏ: dầu mỡ, cao su, amiăng, phi kim loại tại nước xuất khẩu. Quy định như vậy thì có cách gì đưa được tầu về. Thuê nhân công nước ngoài làm việc đó thì các nước giàu có họ không làm, tiền nhân công cao, giá thép phế sẽ không chấp nhận được. Trên thế giới chỉ có nước nghèo mới làm việc này. Điều lưu ý là quy định như trên sẽ đồng nghĩa với xoá bỏ nghề phá dỡ tàu cũ ở Việt Nam. Hiện tại có Cty tháo dỡ tàu biển phải mua tàu kéo sang Campuchia tháo dỡ, đưa thép phế về Việt Nam trong khi công nhân Việt Nam không có việc làm.

- Xin cảm ơn ông !
 

Năng lực sản xuất phôi bằng lò điện (dùng thép phế) ở Việt Nam hiện nay:

- Cả nước có 25 lò điện đã sản xuất hoặc đang xây dựng công suất 4,5 triệu tấn/năm

- Hiện tại 18 lò đang sản xuất trực thuộc 12 công ty sản xuất thép.

- 7 lò đang xây dựng và sẽ đi vào sản xuất trong năm 2009 - 2010. Với năng lực sản xuất thép lò điện như vậy, lượng thép phế thu mua trong nước bị hạn chế (trên 1 triệu tấn/năm), lượng thép phế nhập khẩu sẽ tăng.

Dự kiến năm 2009 sẽ nhập thép phế từ 2 triệu tấn - 2,5 triệu tấn

Năm 2010 sẽ nhập thép phế khoảng từ 3 triệu tấn - 4,5 triệu tấn

(DĐDN)

ĐỌC THÊM