Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nhập khẩu: thiệt thòi do không nắm đúng thời cơ

Thực tế hoạt động nhập khẩu thời gian qua cho thấy, Việt Nam chịu thiệt do không chọn đúng thời điểm nhập khẩu: nhập nhiều lúc giá cao và nhập ít lúc giá thấp...
Những động thái trong xuất nhập khẩu trong bốn tháng qua, các nhà quản lý tuy không thể không sốt ruột ở phía đầu ra của nền kinh tế, nhưng lại có thể thở phào nhẹ nhõm vì nhập khẩu đã rơi tự do, cho nên nhập siêu đã khác một trời một vực so với cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng, dường như nhập khẩu cho đến nay đã giảm quá đà, và nếu vậy, với những động thái của thị trường thế giới, có nhiều khả năng cơ hội nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ đã vuột khỏi tầm tay của các doanh nghiệp nước ta.
Trước hết, các số liệu thống kê bốn tháng qua cho thấy, với ước tính 18,636 tỉ USD, cho dù chỉ là giảm rất không đáng kể (-0,1%), nhưng đây cũng là dấu mốc có lẽ chỉ mới lần đầu tiên đoàn tàu xuất khẩu của nước ta đạt tốc độ tăng trưởng âm kể từ sự kiện rung chuyển thế giới và chúng ta bị mất các thị trường truyền thống khi công cuộc đổi mới chỉ mới chập chững những bước đi đầu tiên.
Không những vậy, nếu loại trừ phần tăng đột biến 2,481 tỉ USD trong xuất khẩu nhóm hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm, thì rổ hàng hoá xuất khẩu của nước ta đã “co lại” chỉ còn 16,155 tỉ USD, cho nên thực tế đoàn tàu xuất khẩu đã giảm tốc tới 13,40% và vượt qua kỷ lục giảm tốc 14,18% năm 1991.
Trong khi đó, cho dù nhập khẩu tháng 4 đã ước đạt 5,2 tỉ USD và cao hơn xuất khẩu tới 700 triệu USD, nhưng với ước tính chỉ đạt 17,835 tỉ USD, đoàn tàu nhập khẩu bốn tháng qua đã giảm tốc 41% và chúng ta vẫn xuất siêu 801 triệu USD  vượt rất xa kỷ lục xuất siêu 40 triệu USD cho đến trước thời điểm này vẫn là duy nhất chúng ta đạt được năm 1992.
Như vậy, phải chăng là cho tới thời điểm này nhập khẩu đã giảm quá đà? Có ba căn cứ chủ yếu sau đây để biện minh cho điều này:
- Thứ nhất, xét về tương quan giữa tốc độ tăng nhập khẩu và xuất khẩu của nền kinh tế nước ta, đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử.
Các số liệu thống kê cho thấy, nếu như trong thập kỷ trước bình quân tốc độ tăng nhập khẩu chỉ xấp xỉ tốc độ tăng xuất khẩu (18,97%/năm so với 19,65%/năm), thì trong tám năm trở lại đây, tốc độ tăng nhập khẩu đã vượt so với xuất khẩu (22,77%/năm so với 20,13%/năm), còn trong trường hợp cùng giảm hy hữu như năm 1991 thì mức chênh lệch cũng không đáng kể (nhập khẩu giảm 15,05% và xuất khẩu giảm 13,18%).
Tất cả những điều đó có nghĩa là, đầu ra và đầu vào này của nền kinh tế gần như vẫn song hành với nhau.
- Thứ hai, xét trên bình diện quốc tế, quan hệ tỷ lệ này cũng không khác nhau quá nhiều.
Trung Quốc chẳng hạn, trong bốn tháng đầu năm nay, trong khi xuất khẩu giảm bình quân 20,73% thì nhập khẩu giảm 28,70%, và ngược lại, xuất khẩu của Nhật Bản rơi tự do tới 47,1% và nhập khẩu cũng rơi tự do tới 39,2%, tức là các mức chênh lệch đều không “một trời một vực” như của nước ta.
- Thứ ba, từ những thực tế đó và cho dù tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta hiện nay chỉ chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2008, nhưng điều này vẫn có nghĩa là nhu cầu nhập khẩu vẫn tăng, cho nên chỉ có thể lý giải rằng, mức tăng đó được đáp ứng nhờ nguồn nguyên liệu nhập khẩu dồi dào trong nước.
Điều này có lẽ không sai. Bởi lẽ, các số liệu thống kê ở cùng thời điểm này năm 2008 cho thấy, trong khi tốc độ tăng xuất khẩu cho dù đã tăng hết sức đáng mừng 30,36%, nhưng nhập khẩu tăng phi mã 75,85%, tức là tăng gấp 2,5 lần xuất khẩu. Không những vậy, cơn lốc tăng nhập khẩu của nước ta lúc đó tuy đã dần lắng xuống, nhưng cho đến gần hết quý 3 cũng vẫn còn rất mạnh (bảy tháng tăng 58,59%; tám tháng tăng 52,71%)...
Nếu vậy, những điều nói trên có nghĩa là, do đã có những khối lượng hàng hoá khổng lồ đã được nhập khẩu ở những thời điểm giá thế giới tăng bùng nổ để “xài dần”, cho nên bị thiệt lớn, còn khi giá thế giới rơi tự do trong những tháng vừa qua, chúng ta có thể yên tâm giảm mạnh nhập khẩu, cho nên cũng bị thiệt lớn. Đây chắc chắn cũng là nguyên nhân quan trọng hàng đầu khiến cho giá cả thị trường trong nước chỉ giảm “tượng trưng” trong tháng 3, còn tháng 4 vừa qua đã tăng trở lại và so với tháng 12.2008 đã tăng 1,68%, trong khi giá tiêu dùng của Trung Quốc ba tháng vừa qua liên tục giảm 1,2%; 1,6% và 1,5%.
Thế nhưng, câu chuyện của chúng ta sẽ không dừng lại ở đó. Bởi lẽ, trong khi nhu cầu nguyên liệu nhập khẩu vẫn tăng và tồn kho đã vơi, thì việc tăng tốc nhập khẩu trong những tháng tới là tất yếu, cho nên điều này có nghĩa là, cơ hội nhập khẩu nguyên liệu với giá “bèo nhất” có lẽ đã qua. Bởi như các số liệu thống kê của IMF cho thấy, thời điểm giá nguyên liệu thế giới ở mức đáy chỉ với 97,8 điểm là tháng 2 và tháng 3 cũng chỉ là 99,9 điểm, còn tháng 4 vừa qua đã lên tới 103,6 điểm, tức là đã tăng mạnh 5,93%.
Còn trong một vài tháng tới, cho dù chưa có ai dám khẳng định là kinh tế thế giới sẽ hồi phục, nhưng phải chăng là giá cả thế giới đã “đi trước thời đại” ngay khi đón nhận những thông tin về kinh tế thế giới đã chạm đáy. Do vậy, trong điều kiện “chúng ta đang nằm xung quanh điểm uốn của một chu kỳ kinh tế. Xét trên tổng thể trong tất cả các trường hợp, chúng ta chứng kiến đà suy giảm kinh tế, vốn được giám sát chặt chẽ trong quý 4/2008 và quý 1/2009 đang chậm lại. Ở một vài trường hợp cụ thể, chúng ta nhận thấy sự phục hồi tăng trưởng, trong khi ở một vài trường hợp khác, tăng trưởng kinh tế tiếp tục suy giảm nhưng mức độ chậm hơn. Đặc biệt, ở một số nền kinh tế đang nổi có vẻ đã vượt ra ngoài “điểm uốn” như lời của chủ tịch ngân hàng Trung ương châu Âu sau cuộc họp thống đốc ngân hàng G10 ngày 11.5 vừa rồi, có nhiều khả năng giá cả thế giới sẽ tiếp tục vượt qua “điểm uốn” tháng 2 vừa qua.
Nếu vậy, điều này có nghĩa là, chúng ta sẽ phải tăng tốc nhập khẩu đúng vào lúc giá cả thế giới tăng tốc, cho nên cũng sẽ bị thiệt lớn.

(SGTT)

ĐỌC THÊM