Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nguyên nhân loạn giá thép, giá xăng dầu?

Bộ Công thương vừa được “điểm mặt chỉ tên” trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất nhập khẩu, bình ổn thị trường xăng dầu và thép. Mặt tồn tại, khuyết điểm trong qúa trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ này từ năm 2007 đến năm 2009 được nêu rõ: Quy hoạch ngành thép kém, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Ban Quản lý khu công nghiệp chưa chặt chẽ...

Sai ngay từ đầu?

Công tác bình ổn thị trường xăng dầu và sắt thép là nhiệm vụ được đánh giá có tính phức tạp, nhạy cảm cao. Tuy nhiên, giữa hoàn cảnh phải nhập 100% xăng dầu, 50% phôi thép trong lúc diễn biến giá thế giới đảo chiều khó lường thì Bộ Công thương lại có cách điều hành khá lạ lùng.

Về ngành thép, năm 2008, lợi nhuận Tổng Công ty Thép Việt Nam giảm khoảng 600 tỷ đồng, riêng Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên giảm gần 200 tỷ đồng. Lượng thép thành phẩm và phôi thép tồn kho cũng lên tới 2 triệu tấn. Nguyên nhân chính là do Bộ Công thương đã ban hành và gỡ bỏ giấy phép xuất khẩu tự động chậm so với diễn biến của thị trường, việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương không tăng giá thép đối với Tổng Công ty Thép VN (VNS) bộc lộ rõ hạn chế, hiệu quả bình ổn giá không cao mà doanh thu của doanh nghiệp cũng xuống thấp. Dưới sự điều hành của Bộ Công Thương, có 65 dự án sản xuất gang, thép được triển khai tuy nhiên đến 32 dự án chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng hoặc ý kiến thỏa thuận của chính bộ.

Bất ổn trong việc quản lý của Bộ Công thương không chỉ dừng lại trong ngành gang thép. Những lên xuống thất thường của ngành xăng dầu cũng cho thấy sự thiếu trách nhiệm. Chỉ trong năm 2009, có 6 doanh nghiệp tên tuổi trong làng dầu là công ty Petec, SgPetro, Petro Mekong... nhập được đúng 92%, 97% theo hạn ngạch được giao, nhưng đến nay vẫn chưa bị cơ quan chủ quản hỏi thăm.

Từ năm 2007 đến 2009, Bộ Công thương chưa triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra đầy đủ về kinh doanh xăng dầu. Việc thiếu kiểm tra, đôn đốc đã khiến cho tình trạng gian lận xăng dầu tràn lan. Chỉ trong hai năm 2007-2008, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện trên 2.600 vụ gian lận xăng dầu với giá trị vi phạm trên 831 tỉ đồng, đã xử phạt gần 10 tỉ đồng.

Trong quá trình ổn định thị trường xăng dầu được nhìn nhận mắc phải khuyết điểm trong phân phối sản phẩm tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Công tác chỉ đạo của Bộ Công Thương trong việc hướng dẫn, xây dựng cơ chế phân phối sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất theo quy định trong giai đoạn nhà máy chạy thử và vận hành chính thức rất bất cập, chưa tạo ra sự minh bạch trong kinh doanh, kiểm soát các khoản thu của ngân sách Nhà nước. Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý giá, Bộ Tài chính, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Dung Quất có thể tự sản xuất ra xăng dầu nhưng Việt Nam vẫn nhập, và Bộ Công thương yêu cầu vẫn điều hành giá xăng dầu theo giá thị trường thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc, Dung Quất chưa phát huy được nhiệm vụ của mình.

Lỗi là từ công tác quản lý

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công thương với công tác chỉ đạo, giám sát, tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển theo nội dung của Đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 27/2007/QĐ-TTg ngày 15/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ còn hạn chế. Hệ thống phân phối mặt hàng thép xây dựng chưa hình thành rõ ràng, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, nhập khẩu với các tổ chức kinh tế và người tiêu dùng; người tiêu dùng, các công trình xây dựng... chưa tiếp cận được giá bán theo chỉ đạo.

Bộ Công thương phối hợp với Tổng cục Hải quan kiểm soát hoạt động xuất khẩu, tái xuất xăng dầu chưa chặt chẽ, còn để một số đơn vị xuất khẩu, tái xuất xăng dầu không báo cáo; cơ chế phân phối sản phẩm nhà máy lọc dầu Dung Quất còn bất cập. Quy chế hoạt động của Tổ Điều hành thị trường trong nước chưa quy định rõ trách nhiệm trong phối hợp, thu thập, cung cấp thông tin, phân tích, dự báo.

Để phát huy nhiệm vụ đầu tàu của mình, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương tăng cường thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành; phải kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối, tạm nhập tái xuất, xuất khẩu xăng dầu, các tổng đại lý, đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu, sắt thép. Kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương, kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những tồn tại, khuyết điểm của các tập thể, cá nhân thực hiện chưa đầy đủ theo thẩm quyền, trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

Nguồn: Daidoanket

ĐỌC THÊM