Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Người mua đồng nát trở thành chủ doanh nghiệp

Từ một cậu bé mồ côi cha sớm, trình độ văn hóa có hạn, với hai bàn tay trắng, không qua trường lớp học nghề, Mai Duy Hà đã tự học hỏi, rèn luyện để trở thành một thợ cơ khí giỏi.

Sinh năm 1973 tại Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình, năm 1987 Mai Duy Hà học hết lớp 7/10. Thi vào THPT không đỗ, Hà ở nhà giúp mẹ công việc gia đình, đồng áng. Ðến năm 1991 đủ sức khỏe, Hà vào bộ đội. Năm 1993 anh được giải ngũ.

 

Về nhà với hai bàn tay trắng, không nghề nghiệp. Gia đình ba mẹ con chỉ có ba sào ruộng độc canh cấy lúa. Vũ Hội quê anh là một làng nghề, đất chật, người đông, xóm giềng chung quanh nhà thì làm bún, nhà làm đậu, bánh đa, bánh phở, xay xát gạo... Còn anh không biết xoay xở nghề gì? Trông vào ba sào ruộng thì sống sao nổi! Nghĩ mãi, anh nảy ra kế đi học hàn.

 

Có ít tiền xuất ngũ, anh lên thị xã xin học kiểu truyền nghề trực tiếp được hai tháng hàn điện. Học xong, về nhà chẳng còn đủ tiền để mở cửa hàng, anh bèn xoay ra nghề đồng nát để kiếm vốn. Ngày ngày trên xe đạp với hai chiếc sọt đèo ở đằng sau, anh đi khắp thôn cùng xóm vắng trong tỉnh, mua từng chiếc vỏ chai, vỏ lon bia, dúm lông gà, lông vịt... Sau hơn một năm, anh dành dụm được ít  vốn để mua bộ đồ nghề hàn điện.

 

Năm 1995 anh bắt đầu mở cửa hàng. Ban đầu mới làm cổng sắt đơn giản, sau hàn khung hoa sắt cửa sổ, cửa đại, tay vịn cầu thang... Công việc cũng tương đối đều. Một mình anh đảm nhiệm tất cả các khâu: chạy vật tư, thiết kế, sản xuất, quản lý. Ðầu năm 2003 có anh Trần Văn Tám ở xóm bên mua một chiếc máy làm bún ở Nam Ðịnh về, thấy mọi người trầm trồ khen ngợi về công suất chiếc máy bằng mấy chục người làm, anh cũng tìm đến xem.

 

Và một ý nghĩ lóe lên trong đầu Hà: quê mình có nghề truyền thống làm bún. Hàng trăm gia đình sống bằng nghề này, quanh năm phải thức khuya dậy sớm, vất vả hơn cả công việc thổ mộc. Vậy ta có thể làm ra những chiếc máy làm bún  như thế này để cho bao người không phải lao động mệt nhọc được không?

 

Nghĩ rồi bắt tay ngay vào việc. Anh dành thời gian quan sát, theo dõi cấu tạo và cách vận hành của máy, phát hiện ra những ưu nhược điểm của nó trong cấu tạo, cách vận hành dẫn đến những hạn chế ở chất lượng sợi bún.

 

Từ kết quả nghiên cứu này, về nhà anh thiết kế chiếc máy làm bún theo mẫu chiếc máy của anh Tám, song có cải tiến một số bộ phận, chi tiết cho dễ vận hành và chất lượng bún tốt hơn. Sau gần hai tháng, một mình mày mò thiết kế, chế tạo, anh đã làm ra chiếc máy làm bún đầu tiên và bán được cho anh Mai Xuân Vinh ở thôn Năng An cùng xã với giá 20 triệu đồng.

 

Chiếc máy đó đến nay qua hơn năm năm vẫn hoạt động tốt, chất lượng sợi bún dai, bóng và dài hơn hẳn bún vắt tay thủ công. Công suất của máy mỗi giờ được hai tạ bún, nghĩa là bằng sáu người làm thủ công trong một ngày. Còn chiếc máy của anh Trần Văn Tám là nguyên mẫu cho Hà bắt chước sau hai tháng hoạt động luôn luôn bị trục trặc, chất lượng sợi bún lại không tốt nên anh Tám phải bán đi.

 

Sau thành công chế tạo được chiếc máy làm bún đầu tiên với chất lượng hơn hẳn chiếc máy của Nam Ðịnh, anh Hà chuyển sang chuyên sản xuất máy làm bún. Anh đã cung cấp cho địa phương sáu máy. Từ khi sáu gia đình trường vốn mua máy của anh về làm bún thì hàng trăm gia đình khác, không phải làm bún theo phương pháp thủ công cũ quá vất vả mà chỉ việc đến sáu gia đình có máy mua cất bún đi bán lẻ ở các chợ hay đổ cho các cửa hàng ăn.

 

Sau khi chế tạo được máy làm bún, thấy gia đình anh Nguyễn Văn Cường thôn Trung Lập cùng xã mua chiếc máy làm bánh phở về sản xuất anh Hà lại đến xem xét, tìm hiểu và rồi anh lại tìm cách thiết kế, chế tạo ra máy làm bánh phở. Với kinh nghiệm sản xuất máy làm bún thành công, việc chế tạo máy làm bánh phở anh không gặp mấy khó khăn.

 

Máy anh làm ra nhờ biết cải tiến nên công suất và chất lượng cũng hơn hẳn máy của nơi khác. Mỗi giờ làm được 80 kg bánh phở, nghĩa là bằng năm lao động thủ công trong một ngày. Anh đã cung cấp được ba máy sản xuất bánh phở cho địa phương, giải phóng được công việc nặng nhọc cho hàng trăm người làm bánh phở.

 

Từ khi chế tạo được máy làm bún và máy làm bánh phở, công việc sản xuất, kinh doanh của anh Hà phát đạt hơn. Anh thuê thêm năm thợ có tay nghề gò, hàn, tiện về làm và lập thành xưởng sản xuất.

 

Ðến nay anh Hà đã có vốn để mua đất và lập một xưởng sản xuất với 100 m2 nhà xưởng ở mặt đường 223 nơi thị tứ của xã. Lương tháng cho mỗi công nhân anh trả từ 1,5 đến ba triệu đồng tùy theo sản phẩm và tay nghề. Hai sản phẩm là máy làm bún và máy làm bánh phở của anh hiện nay đã bán ra 24 tỉnh thành trong cả nước: từ Kiên Giang, Ðác Lắc, Bình Phước, Bình Dương ở phía nam đến Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên ở phía bắc. Ðặc biệt máy làm bún của anh lại "lấn chiếm" được ngay sân nhà của cơ sở sản xuất máy làm bún của tỉnh Nam Ðịnh. Ðến nay, anh đã bán cho Nam Ðịnh hơn 20 chiếc, mỗi chiếc từ 35 đến 40 triệu đồng.

 

Từ một cậu bé mồ côi cha sớm, trình độ văn hóa có hạn, với hai bàn tay trắng, không qua trường lớp học nghề, Mai Duy Hà đã tự học hỏi, rèn luyện để trở thành một thợ cơ khí giỏi. Ngày nay xưởng cơ khí Hà Duy Nam có thương hiệu mà sản phẩm máy làm bún, làm bánh phở của anh đã có mặt khắp từ bắc chí nam.

Nhân Dân