Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngoại tệ vẫn chưa bớt căng thẳng

Sau 1 tuần liên tục điều chỉnh giảm, tỉ giá ngoại tệ bình quân liên NH ngày 22.2 đã được điều chỉnh tăng 5 VND/USD lên mức 20.678 VND/USD.

Như vậy, kể từ ngày 9.2, tỉ giá liên NH cao nhất là 20.713 VND/USD (ngày 12.2 và 14.2) và mức thấp nhất là 20.673VND/USD (ngày 21.2). Các NHTM hấu hết đều áp dụng mức sát trần cho phép 20.785VND/USD - 20.885 VND/USD. Với mức tăng nhẹ này trên thị trường NH, và do giá USD trên thị trường tự do có xu hướng giảm xuống còn 22.050 – 22.150VND/USD, đã kéo mức chênh lệch giữa hai thị trường xuống còn 1.265 VND/USD. Nhưng tín hiệu này vẫn không có nghĩa là tình hình ngoại tệ đã bớt căng thẳng.

Giao dịch ngoại tệ vẫn chưa hạ nhiệt kể từ khi NHNN điều chỉnh tỉ giá. Ảnh: Kỳ Anh

Vốn đang dần chuyển sang USD

Chỉ tính riêng ở khía cạnh ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu, ngày 19.2 NHNN phát đi thông điệp khẳng định đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu mặt hàng này. Và các NHTM phục vụ nhập khẩu xăng dầu đã cung ứng đủ ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu, phục vụ cho nhu cầu dự trữ và lưu thông xăng dầu trên thị trường trong nước.

Tuy nhiên, ngay sau đó, đại diện của TCty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn cho rằng, việc đảm bảo ngoại tệ và việc mua được ngoại tệ là hai vấn đề khác nhau. Do đó, việc đảm bảo đủ ngoại tệ nhập mặt hàng vẫn chưa thực sự được giải quyết.

Trong khi đó, nguồn vốn đang dần có xu hướng chuyển sang USD, thay vì VND như trước đó. Theo con số thống kê ban đầu, sau khi nới tỉ giá, số ngoại tệ huy động tại các NHTM tăng lên khoảng 4,43%. Ngược lại, lượng VND huy động được lại giảm khoảng 4,12%. Thêm vào đó, đồng USD lại có “cơ” lên giá khi NH lớn nhất VN là Vietcombank vừa nâng lãi suất huy động đối với ngoại tệ này thêm 0,5%/năm.

Như vậy, mức cao nhất áp dụng tại NH này đã lên tới 5,5%/năm kỳ hạn 12 tháng; các kỳ hạn từ 1 - 9 tháng cũng lần lượt ở mức 5% - 5,4%/năm. Như vậy, sẽ làm tăng tâm lý nắm giữ ngoại tệ của người dân, khi niềm tin vào VND đang giảm trong bối cảnh lạm phát khó có thể giữ được ở mức dưới 7% cả năm nay như mục tiêu đề ra. Lạm phát hai tháng đầu năm đã lên tới 3,66% tại Hà Nội và 2,62 tại TPHCM. Hai địa phương này có mức ảnh hưởng rất lớn tới chỉ số lạm phát chung của cả nước.

Giả sử, nếu CPI cả nước tương đương mức lạm phát bình quân của hai thành phố này thì sẽ rơi vào con số 3,14%. Liệu trong 10 tháng còn lại của năm, CPI có giữ được ở mức chỉ tăng thêm 3,86% (tức là 0,386%/tháng) hay không? Điều này là rất khó. Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khi trả lời báo chí về vấn đề này cũng thừa nhận thực tế việc kiểm soát CPI cả năm dưới 7% là rất khó. Năm 2010 dù đã điều chỉnh mục tiêu hai lần nhưng CPI vẫn vượt mức cho phép. Nếu lạm phát năm nay tiếp tục ở mức cao thì sẽ tiếp tục tạo sức ép lên tỉ giá.

Chấp nhận thị trường tự do?

Nhiều ý kiến cho rằng, với kỳ vọng lạm phát vẫn đang ở mức cao và nhập siêu chưa có dấu hiệu cải thiện thì sau khi điều chỉnh tỉ giá (dù là ở mức cao kỉ lục 9,3%), có thể đây vẫn chưa phải lần điều chỉnh duy nhất của NHNN trong năm nay, nếu không có thanh khoản ngoại tệ không được cải thiện. Nhiều phân tích đã cho rằng, với động thái chạy theo thị trường tự do như thời gian qua, khó có thể nói tâm lý găm giữ USD sẽ giảm. Trong đợt sốt ngoại tệ vừa qua, có thể thấy thị trường tự do dù nhỏ nhưng đã phát huy hết tác dụng của nó.

Thực tế là thị trường này đã tạo nên được một cơn sốt giá và tâm lý đám đông găm giữ USD. Tuy nhiên, trong mấy ngày qua, ý kiến về việc kiểm soát thị trường ngoại tệ tự do lại được đưa ra, với lý do thị trường này chỉ chiếm chưa tới 10% giao dịch trên thị trường ngoại hối. Và giao dịch trên thị trường này chủ yếu là giao dịch nhỏ lẻ của người dân với số lượng không lớn như các DN có nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu. Giá giao dịch cũng chỉ do một số đầu mối quyết định. Đã có không ít người gánh chịu hậu quả của hành vi làm giá khi chạy theo các cơn sốt ngoại tệ. Một câu hỏi không mới lại được đặt ra là liệu có thể kiểm soát được thị trường này không?

Hồi giữa năm 2008 khi cơn sốt ngoại tệ khiến USD tự do lập mốc 18.000VND/USD. Khi đó, USD trên thị trường NH được niêm yết ở mức dưới 16.200VND/USD (khoảng cách giữa hai thị trường khi đó là 1.800VND/USD). NHNN lúc này đã có thống kê trên cả nước có tới 3.591 bàn thu đổi ngoại tệ. Trong đó, có 2.294 bàn thu đổi trực tiếp của các tổ chức tín dụng. Còn lại 1.279 bàn thuộc diện “chân rết” và bàn thu đổi ngoại tệ “chui”.

NHNN khi đó đã phát đi thông điệp sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm các đại lý vi phạm quy định hiện hành liên quan tới hoạt động thu đổi ngoại tệ. Và thực tế là đã có không dưới 2 trường hợp bị phát hiện và bị xử lý. Trước đó, đã có chỉ thị của NHNN về việc chấn chỉnh hoạt động của bàn thu đổi ngoại tệ và có hẳn một “Quy chế hoạt động của bàn thu đổi ngoại tệ” được ban hành. Nhưng sau đó, thị trường tự do đã rút vào hoạt động “ngầm” và tinh vi hơn. Và sau một thời gian, các giao dịch ngầm này lại đương nhiên công khai khi cơ quản quản lý lơ là.

Theo quy định thì “toàn bộ số ngoại tệ tiền mặt thu được, các đơn vị này phải bán lại cho ngân hàng thương mại, không được bán cho cá nhân”. Nhưng trong những ngày vừa rồi, nếu tới phố Hà Trung, khách hàng lạ sẽ được hướng dẫn: “Mua USD xin mời vào trong nhà”. Còn khách quen thì sẽ không cần hướng dẫn. Rõ ràng quy định này đang bị vi phạm một cách công khai mà không bị kiểm tra hay bị phạt.

Có ý kiến cho rằng, NHNN nếu muốn kiểm soát tình trạng này thì phải chấn chỉnh ngay từ các TCTD có đại lý thu đổi ngoại tệ bên ngoài. Và quan trọng là phải có “quân bài chủ” trong tay. Còn trong điều kiện người dân, DN có nhu cầu ngoại tệ một cách chính đáng mà không được đáp ứng thì thị trường tự do vẫn phát huy tác dụng.

Nguồn: Laodong