Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nghịch lý ngân hàng

Nhìn trên toàn hệ thống ngân hàng (NH), dư địa cho tăng trưởng tín dụng còn khá nhiều, bởi vậy nhiều NH đang lo canh cánh không đẩy mạnh được tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm.

Trong tháng 7, cả huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đều giảm so với tháng 6

Trên thị trường liên ngân hàng, đã khoảng 4 tuần qua lãi suất liên tục ổn định ở mức thấp 12-15%/năm, thậm chí lãi suất cho vay qua đêm có lúc xuống dưới 10%/năm và chỉ mới tăng lên 10,63% vào cuối tuần trước, cùng với sự nhích lên trên mức dao động trung bình 13%-16% của lãi suất kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng.

Dư tiền đồng, lãi khó giảm

Nhưng không vì thế mà lãi suất trên thị trường huy động dân cư và DN đã có sự điều chỉnh giảm ngay. Nói cách khác là trong khi chờ đợi NHNN rà soát và sửa đổi Thông tư 13, Thông tư 19 quy định về tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), một số NH vẫn tiếp tục phải cơi nới lãi suất đầu vào ở mức 17-19%, thậm chí tới 20% tùy giá trị khoản tiền gửi để tiếp tục tăng nguồn vốn huy động. Và họ có nhiều lý do cho việc đó, chứ không hẳn chỉ vì để đón đầu việc tăng tỉ lệ huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng vào thời gian tới.

Một trong những lý do chính là nếu giảm lãi suất huy động từ trung bình 17-19%, xuống khoảng 14 -16%, thì chỉ khoảng 2-3 phần trăm này cũng sẽ là một thách thức cho thanh khoản của các NHTM, mặc dù trong ngắn hạn, các NH dường như không còn gặp nhiều khó khăn về thanh khoản. Một chuyên gia cho rằng việc các NHTM dư tiền đồng, đủ vốn, “ổn định thanh khoản” như khẳng định của Thống đốc NHNN chỉ là trước mắt, khi hầu hết những khoản vay lớn của DN thời gian qua đều tập trung vào ngoại tệ, và một phần không nhỏ tín dụng ngoại tệ đã quay trở lại với các NH dưới hình thức tiền đồng để DN hưởng chêch lệch lãi suất tiết kiệm. Còn trong trung và dài hạn, khi DN không còn dễ dàng vay ngoại tệ, thì nguồn tiền đồng từ khoản ngoại tệ quy đổi để hưởng chênh lệch lãi suất này sẽ không còn. Mặt khác, trong trường hợp lãi suất huy động giảm, không đảm bảo thực dương, có khả năng nhiều người gửi tiết kiệm cũng sẽ lựa chọn rút tiền ra khỏi NH để tìm kiếm kênh sinh lời khác.

Theo số liệu của NHNN, tính đến 20/7, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước giảm 0,25% so với tháng trước. Trong đó, tiền gửi bằng VND tăng 0,51%, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 3,29%. So với cuối năm trước, tổng số dư tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 3,96%. Cho vay đối với nền kinh tế đến 20/7 ước giảm 0,19% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,88%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 1,96%. So với cuối năm trước, các khoản cho vay ước tăng 7,57%. Như vậy, trong tháng 7, cả huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đều giảm so với tháng 6. Và với những nguyên cớ đã nêu (trong trường hợp các NH buộc phải giảm lãi suất), có khả năng vào những tháng tới, cả huy động và cho vay của hệ thống NH sẽ tiếp tục đi lùi.

Với viễn cảnh như vậy, nên cho dù gọi là “dư vốn”, “ổn định thanh khoản”, một thực tế rõ ràng là các NH vẫn phải duy trì lãi suất huy động cao, đề phòng thanh khoản sụt giảm trong những tháng cuối năm, khi nhu cầu chi tiêu của DN và người dân sẽ tăng cao.

Tăng trưởng tín dụng : Vướng !

Với những NH lớn đủ khả năng ổn định thanh khoản trong dài hạn, do hiện nay các NH nhỏ đã vay hết tỷ lệ 20%/ vốn huy động nên không thể đẩy mạnh cho vay trên thị trường 2, đã tích cực hơn trong việc đi đầu tiếp cận khách hàng DN bằng cạnh tranh lãi suất đầu ra. Ngân hàng HDBank có chương trình giảm lãi suất cho vay thấp hơn 1- 4% năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường đối với các DN hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ và một số DN xuất khẩu nông sản. Ngân hàng ACB tung chương trình giảm lãi suất 1,2% năm với các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, chương trình đề ra là một chuyện, thực tiễn DN có vay được hay không, và NH sẽ xét hồ sơ cho vay theo những tiêu chí cụ thể nào, lại là một chuyện khác, một cựu Tổng giám đốc NHTM trên địa bàn TP HCM nói.

Theo ông này thì có nhiều rào cản khiến các NHTM khó đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Trong 7 tháng đầu năm, tốc độ huy động vốn vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng và điều này cho thấy các NH nói chung chưa thực sự thoải mái về thanh khoản. Một phần lý do nữa là thời gian qua, nhiều NH, kể cả các NH lớn, đã chạy đua huy động vốn với lãi suất cao tới 20%, đặc biệt ở những NH nhỏ thì các khoản vay từ cả thị trường 1 lẫn thị trường 2 đều chịu lãi suất rất cao. Khi chưa tiêu thụ được hết nguồn vốn huy động lãi suất cao này, việc các NH giảm lãi suất cho vay xuống ngang mức lãi suất huy động, sẽ là chuyện... không tưởng.

Nhìn nhận tích cực hơn, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng các NHTM vẫn có thể “đẩy” ra thị trường những khoản vốn đã huy động với lãi suất cao, cho những loại tín dụng có thể chịu được mức lãi suất đã cân đối. Tuy nhiên, với thực tế NHTM vẫn đang tiếp tục duy trì huy động vốn với lãi suất cao, thì “dòng xoáy” lãi suất không chỉ là chuyện của quá khứ, mà sẽ còn của tương lai. Trong lúc nền kinh tế nói chung đang rất khó khăn, sản xuất kinh doanh đình đốn và chưa thấy dấu hiệu khởi sắc nào, mọi hoạt động đầu tư đều co hẹp, thì những lĩnh vực nào có khả năng cáng đáng được loại tín dụng lãi suất cao đó, mà không gây ra rủi ro nợ xấu?

Hiện nay, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) đang chiếm tới 47% tổng nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của toàn hệ thống NH đã tăng 0,94% so với cuối năm 2010 (Nguồn: Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia). Việc hãng đánh giá định mức tín nhiệm quốc tế S&P hạ điểm tín nhiệm dài hạn đồng nội tệ Việt Nam từ BB xuống BB- cuối tuần trước đã cảnh báo về môi trường thiểu phát có thể ảnh hưởng bất lợi tới khả năng chi trả tiền lãi cho những khoản vay tín dụng nội địa, theo đó sẽ tác động xấu tới chất lượng của hệ thống NH. Đó là tín hiệu đáng quan ngại về lĩnh vực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh cả DN, người dân cũng như các NH, đang chờ đợi những chính sách điều hành vĩ mô tích cực hơn, trong đó có gói giải pháp mà NHNN có thể đưa ra vào đầu tháng 9. Hy vọng sự chờ đợi sẽ không phải ở tình trạng “dài cổ” cộng thêm độ trễ của chính sách, mà độ trễ để chính sách có tác động thực sự trong đời sống, thường từ 3 đến 6 tháng.

Nguồn tin: DDDN