Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Trần Văn Huỳnh cho biết, bên cạnh các giải pháp chủ động từ ngành, như: đầu tư phát triển sản xuất theo quy hoạch trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường, không đầu tư mới các dây chuyền sản xuất xi măng, gạch ceramic, granite, sứ vệ sinh, kính tấm xây dựng thông thường vì hiện nay các mặt hàng này đã đủ để cung cấp cho thị trường đến năm 2015, ngành VLXD rất cần những giải pháp từ vĩ mô của Chính phủ. Ông Huỳnh kiến nghị, các công trình xây dựng ở trong nước nên sử dụng VLXD trong nước, trước tiên là các công trình xây dựng bằng vốn Nhà nước, các công trình xã hội, trụ sở các cơ quan công sở…; đồng thời, cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật, tăng cường công tác quản lý thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, bên cạnh những giải pháp tự cứu mình của các doanh nghiệp VLXD, cũng cần những biện pháp bài bản hơn, cụ thể hơn trong tiến trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Trong đó việc tái cơ cấu ngành nghề để dám hy sinh những công trình, dự án khiến cho ngành nghề lĩnh vực đó dư thừa công suất lớn như thép xây dựng, hay việc tái cơ cấu vùng, lãnh thổ để giảm bớt những gánh nặng nhỡn tiền từ các dự án xi măng hay mía đường… là những điều tối cần thiết.
Hội VLXD Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam và nhiều hiệp hội ngành nghề khác đều có chung một kiến nghị Nhà nước sớm nghiên cứu ban hành chính sách phòng vệ thương mại chống bán phá giá và cạnh tranh không lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài. Song song đó, cần rà soát các công trình đã thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC để thấy những mặt được và chưa được, nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu thầu. Nên tách gói thầu EPC thành 2 gói thầu tư vấn, cung cấp thiết bị và xây lắp để tạo điều kiện cho các nhà thầu trong nước vươn lên tham gia xây lắp và cung cấp VLXD sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giảm nhập siêu.
Nguồn tin: Taichinh