Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngành thép bị o ép?

Lãnh đạo hiệp hội cũng như phía DN thép đang khá bức xúc trước dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã ghi lại ý kiến của đại diện hiệp hội cũng như DN thành viên.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam:

Phân biệt đối xử

Theo dự thảo của Bộ Công Thương về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới đang được lấy ý kiến, 2 ngành thép và xi măng sẽ được tách riêng, không hưởng giá chung với các ngành khác. Mức giá điện cho 2 ngành này dự kiến sẽ tăng lên từ 2-16%.

Cụ thể, giá điện bán cho sản xuất thép và xi măng có mức khá cao, từ 59-187% giá bán lẻ điện bình quân, tùy cấp điện áp và thời gian sử dụng điện vào lúc bình thường, thấp hay cao điểm. Điều này cho thấy đang có sự phân biệt đối xử, nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay các DN đang hết sức khó khăn và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, động thái này của Bộ Công Thương sẽ làm DN khó càng thêm khó.

 

Ngay bản thân các DN trong sản xuất luôn phải tự ý thức được việc tiết kiệm điện, 
nâng cao năng suất vì có như vậy mới đảm bảo được tính cạnh tranh.

 

Trước những lý lẽ cho rằng ngành thép tiêu thụ nhiều điện năng do công nghệ lạc hậu, điều này hoàn toàn không xác đáng. Trước hết phải nhìn nhận kinh tế thị trường, cạnh tranh không còn chỉ dừng lại trong nước, mà là trong khu vực và trên thế giới, chính vì thế bản thân các DN phải ý thức được việc đổi mới công nghệ nếu không tự họ sẽ giết mình.

Và trên thực tế, những DN như Thép Việt, thép Miền Nam, Hòa Phát… đều đầu tư công nghệ hết sức tiên tiến, hiện đại. Nhìn lại thời điểm cách đây chừng 10 năm khi chúng ta còn phải nhập khẩu khoảng 70-80% phôi thép từ nước ngoài, Chính phủ đã kêu gọi các nhà đầu tư đẩy mạnh sản xuất phôi thép. Cho đến nay, khi Việt Nam có thể tự chủ nguồn phôi thép thì lại đổ lỗi cho ngành thép.

Điều này sẽ khiến nhà đầu tư cảm thấy chán nản. Mà nếu nói sâu xa hơn, khi chủ đầu tư quyết định xây dựng nhà máy sản xuất thép đều phải có thỏa thuận với ngành điện trước, nên nói thiếu điện vì thép là không công bằng.

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là chúng tôi phản đối việc tăng giá điện. Nhưng chúng tôi cần có một lộ trình cụ thể, cần có sự công bằng giữa các ngành. Hiện chúng tôi đã có công văn gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Công Thương trình bày về vấn đề này. Nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Nếu dự thảo này của Bộ Công Thương vẫn được áp dụng, chúng tôi sẽ phải tập hợp các DN, lấy thêm ý kiến để trình Chính phủ. Để các DN có thể tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, chúng tôi mong muốn Chính phủ có những hỗ trợ tích cực hơn nữa như giảm thuế VAT, bởi chỉ giảm thuế VAT mới có tác dụng tích cực, chứ giảm thuế thu nhập DN không ăn thua.

Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Còn về phía các DN, cần đẩy mạnh xuất khẩu để giảm căng thẳng của thị trường trong nước. Đồng thời không ngừng đổi mới trang thiết bị để hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Thép Việt:

 Cần phá thế độc quyền

 Trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng như hiện nay, không nên có sự bao cấp cho ngành nào và cũng đừng bắt một ngành nào đó phải chịu thiệt thòi. Việc ngành thép phải chịu giá điện cao hơn là bất hợp lý, vì mỗi ngành sản xuất đều có những đóng góp khác nhau cho nền kinh tế. Nếu nhìn vào thực tế ngành điện vẫn là ngành độc quyền, tự đưa ra giá rồi lại tự tính lời - lỗ là không phù hợp.

 

Ngay bản thân các DN trong sản xuất luôn phải tự ý thức được việc tiết kiệm điện, nâng cao năng suất vì có như vậy mới đảm bảo được tính cạnh tranh.

 

Nhà nước cần phải có biện pháp nhằm phá vỡ thế độc quyền của ngành điện. Ngành điện cũng phải có năng lực cạnh tranh với giá điện của các nước trong khu vực. Bởi chúng ta đang hướng đến việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, cạnh tranh với các sản phẩm trong khu vực và trên thế giới, nếu không có sự công bằng ngay từ nội tại sẽ rất khó cho DN.

Ngành điện cũng cần phải công khai, minh bạch. Tăng giá điện là tất yếu nhưng cần phải có thời điểm thích hợp. Và cũng không nên dựa vào lý do CPI thấp để tăng giá điện. Tất nhiên, khi mọi thứ đã công bằng, ngành điện không còn độc quyền thì cứ tuân theo cơ chế thị trường thôi.

Khi thời điểm 2015 đang đến gần, khi đó thép nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc sẽ ồ ạt vào Việt Nam tạo thêm nhiều sức ép cho DN trong nước. Nếu không có những bước chuẩn bị ngay từ bây giờ sẽ là quá trễ.

Trong bối cảnh hiện nay, các DN, nhất là DN tư nhân luôn phải nỗ lực hết sức vì đồng tiền của chính mình. Nhưng vấn đề còn lại và mang tính quyết định cao phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình kinh tế vĩ mô. Vào những chính sách của Chính phủ.

Nguồn tin: ĐTTC

ĐỌC THÊM