Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Ngành điện đẩy trách nhiệm sang ngành thép"

- Cuối tháng 8, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc ngành điện đang gặp khó khăn trong việc cấp điện cho các dự án sản xuất gang, thép đầu tư ngoài quy hoạch. EVN đề nghị ngành thép tự xây dựng nhà máy điện để phục vụ sản xuất. Trao đổi với PV ANTĐ ngày 22-9, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, EVN đã đẩy trách nhiệm sang cho ngành thép.

Ngành thép đang đầu tư đổi mới công nghệ

Đầu tư thép ồ ạt làm vỡ quy hoạch điện

Theo Văn bản số 3193/EVN-KD-KH gửi Thủ tướng Chính phủ, EVN đề nghị với những dự án sản xuất thép có nhu cầu công suất điện lớn, từ 100MVA trở lên thì chủ đầu tư dự án thép tự xây dựng nguồn điện để sử dụng. Phần dư công suất còn lại sẽ bán cho hệ thống điện quốc gia.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu thiết bị sản xuất thép lạc hậu, tiêu tốn năng lượng. EVN cho rằng: “Quy hoạch ngành thép Việt Nam hiện đã bị phá vỡ, đòi hỏi nhu cầu điện rất lớn và làm cho hệ thống điện quốc gia gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện đầu tư hệ thống điện theo quy hoạch và đảm bảo cung cấp điện”.

EVN đưa ra dẫn chứng, thống kê đến ngày 30-8-2009, cả nước có 65 dự án sản xuất gang, thép có công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên, chưa kể một số nhà máy thép do Tổng công ty Thép Việt Nam quản lý. Nhưng trong đó chỉ có 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung quy hoạch, còn 32 dự án được các địa phương cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc thỏa thuận của Bộ Công Thương.

Hàng năm, các nhà máy thép này tiêu thụ khoảng 3.500 triệu kWh mặc dù mới sử dụng chưa đến 50% công suất thiết kế. Để cấp điện cho các dự án trên, ước tính mỗi năm ngành điện phải đầu tư khoảng 35,5 nghìn tỷ đồng cho nguồn, trạm và dây dẫn điện. Vì lý do này mà tại nhiều địa phương, lưới điện bị phá nát, manh mún.

Cũng theo EVN, hiện nay, giá bán điện cho các nhà máy thép tại Việt Nam bình quân là 909,28 đồng/kWh (tương đương 4,78 cent/kWh) thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, các nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ thuận lợi này để vào Việt Nam sản xuất thép, sau đó xuất khẩu ra nước khác kiếm lời. Trong khi hệ thống điện quốc gia chưa có dự phòng công suất thì các dự án thép như trên làm ảnh hưởng lớn đến việc cấp điện cho các ngành khác và sinh hoạt của nhân dân.

Không thể lặp lại sự cố Vinashin!

Bày tỏ quan điểm của Hiệp hội Thép Việt Nam về kiến nghị này, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: “Do thiếu điện và bị chỉ trích quá nhiều, lại thêm việc trong thời gian đó Bộ Công Thương đang chấn chỉnh công tác đầu tư trên cả nước, nên EVN đã có kiến nghị như trên.

EVN không cung cấp đủ điện đã đẩy trách nhiệm sang ngành khác”. Theo ông Nghi, nếu ngành nào, lĩnh vực sản xuất nào cũng được đề nghị tự xây dựng nhà máy điện thì ngành điện không cần tồn tại nữa. Mặt khác, “Nếu doanh nghiệp thép đầu tư sản xuất điện thì dẫn đến đầu tư ngoài ngành, mở rộng và không hiệu quả, rất dễ lặp lại sự cố như của Vinashin.

Có chăng, nếu doanh nghiệp thép nào có điều kiện sản xuất điện thì họ sẽ xin phép. Không thể đầu tư nhỏ lẻ, manh mún được” - ông Nghi nói. Tại Việt Nam, chủ dự án nhà máy thép Fomusa cũng đã có kế hoạch tự xây dựng nhà máy điện với 7 tổ máy, mỗi tổ máy 150MW. Dự án này đang được xúc tiến xây dựng, nếu Fomusa tự cấp điện thì họ không dùng đến điện của EVN.

Ông Nghi thừa nhận, có thể thời điểm này, Bộ Công Thương phải chấn chỉnh công tác đầu tư các dự án thép cho “ra tấm, ra món”, nhưng việc phát triển ngành thép vẫn cần được quan tâm. Hiện nay, bình quân lượng tiêu thụ thép ở nước ta đạt khoảng hơn 100kg/người/năm. Để trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hệ thống cảng biển, đường bộ, đường sắt…

Các mục tiêu này đều cần dùng đến thép và đất nước không thể đi nhập thép thành phẩm. Bình quân phải đạt 1.000 kg/người/năm thì cơ sở hạ tầng mới đủ mạnh. Bởi vậy, nhu cầu về điện rất lớn. “Ngành điện không thể cho rằng thiếu vốn đầu tư phát triển điện trong khi vẫn mở rộng đầu tư kinh doanh sang viễn thông” - ông Nghi lập luận. Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, đề xuất của EVN là không hợp lý. Ngành thép cũng đang tập trung cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất, tiêu hao năng lượng ít, từ đó hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

(ANTĐ)

ĐỌC THÊM