Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngân hàng loay hoay đẩy vốn ra thị trường

Vốn huy động tăng trưởng tốt, lãi suất cho vay giảm, song các ngân hàng vẫn bí đầu ra.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế của các ngân hàng trên địa bàn đạt mức tăng trưởng hơn 2%, song tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng này chỉ tăng hơn 0,2%.

Một trong những nguyên nhân khiến tín dụng chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, theo ông Minh, là áp lực nợ xấu còn rất lớn. “Các ngân hàng thừa vốn, nhưng luôn phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đồng thời hạn chế cho vay đối với những khách hàng tiềm ẩn rủi ro về nợ xấu. Vì thế, dư nợ tín dụng khó có thể kỳ vọng tăng cao”, ông Minh nhấn mạnh.

Hiện các ngân hàng tập trung ưu tiên vốn cho những lĩnh vực khuyến khích, như xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh… và lãi suất cũng ưu đãi hơn đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực này.

Nhưng với tín dụng đối với khách hàng cá nhân, lãi suất ở mức tương đối cao (14 - 16%/năm) được áp dụng phổ biến tại các ngân hàng, kể cả cho vay mua nhà. Do đó, việc đẩy mạnh cho vay với nhóm đối tượng này không dễ, dù vốn huy động dư thừa.

Nguyên nhân quan trọng không kém dẫn đến tín dụng khó tăng là, mặc dù lãi suất giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa muốn vay vốn. Với tình hình như vậy, theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), cần có thêm các chính sách để kích cầu thị trường.

Ông Phước kiến nghị, Chính phủ và NHNN nên mở rộng đối tượng tái cấp vốn giá rẻ qua các ngân hàng thương mại cổ phần để cho cá nhân có nhu cầu về nhà ở được vay vốn lãi suất thấp, thay vì chỉ tái cấp vốn qua ngân hàng thương mại nhà nước, như chủ trương đưa ra.

Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, một trong những điểm nghẽn đối với hoạt động tín dụng hiện nay là khó khăn của thị trường bất động sản. “Bất động sản, chứng khoán… hồi phục thì dòng vốn mới được lưu thông và tiền sẽ quay vòng lại ngân hàng. Do đó, việc giải quyết khó khăn cho bất động sản sẽ tạo cơ hội tốt cho các ngân hàng, nhất là khi nợ xấu ngân hàng hiện nay tập trung nhiều ở bất động sản”, ông Trung nói.

Để thúc đẩy tăng trưởng dư nợ tín dụng, theo chỉ đạo của NHNN, các ngân hàng thương mại đã và đang nỗ lực điều chỉnh lãi suất xuống mức phù hợp.

Ông Trương Văn Phước cho biết, trong năm qua, Eximbank cũng như các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh lãi suất. Theo ông Phước, lãi suất cho vay tiền đồng đối với doanh nghiệp hiện phổ biến ở mức 10 - 12%/năm, song Eximbank đã phải cho vay với lãi suất thấp nhất là 7%/năm, mà trong 2 tháng đầu năm, tín dụng của ngân hàng này vẫn trong tình trạng tăng trưởng âm.

Với tình hình khó khăn hiện nay, lãi suất cần phải giảm thêm để tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc nhận định, các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng lớn, nên lãi suất chưa thể giảm ngay, mà cần có thời gian. Dẫu vậy, theo ông Lịch, dư địa để giảm thêm lãi suất cũng chỉ  khoảng 1% đối với huy động và 1 - 2%/năm đối với cho vay.

Nguồn tin: baodautu.vn