Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ngân hàng cho vay kiểu 'nhìn mặt, bắt hình dong'

Cùng một sổ đỏ dùng làm tài sản thế chấp, người ăn mặc quê mùa chật vật không vay nổi 200 triệu đồng từ ngân hàng nhưng người đi ôtô lại được nhà băng giải ngân cả tỷ đồng.

Ông Quách Văn Lợi (Hai Bà Trưng, Hà Nội), người có nguy cơ mất nhà vì dính tín dụng đen kể, thế chấp sổ đỏ và 3 ô tô vẫn không vay được tiền ngân hàng. Nhân viên nhà băng yêu cầu ông phải có bảng liệt kê thu chi và tổng thu nhập mỗi tháng. Dáng vẻ nông dân, chân chất, lại không hiểu thủ tục vay ngân hàng, ông Lợi và vợ đành nhắm mắt giao sổ đỏ, ký giấy ủy quyền cho Hà Thùy Linh (một người cho vay tín dụng đen). Sau đó, họ được Linh cho vay 200 triệu đồng.

Ngân hàng
Không phải ai muốn vay vốn ngân hàng là được. Ngoài hồ sơ thủ tục, người vay còn phải chứng minh mục đích sử dụng vốn. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Sau đó, Linh dễ dàng vay được 1 tỷ đồng từ Navibank nhờ có dáng doanh nhân, đi ô tô xịn và ăn nói lưu loát, trôi chảy. Không chỉ Navibank, Linh còn được gần chục ngân hàng cấp vốn nhờ thủ đoạn lấy sổ đỏ của người khác để sang tên mình. Nhưng bất ngờ là các nạn nhân này đều khẳng định, chưa bao giờ thấy nhân viên ngân hàng đến nhà thẩm định tài sản.

Chị Hạnh ở Nghĩa Đô (Hà Nội) cũng là một trường hợp tương tự. Muốn vay tiền để nhập một lô hàng bánh kẹo bán dịp Tết nhưng chị không thể vay được ngân hàng dù có sổ đỏ và cũng dự kiến được khả năng trả ngân hàng. "Dáng tôi buôn bán, trông quê mùa, lên gặp cán bộ ngân hàng đã ngại nên chẳng biết làm thế nào", chị chia sẻ. Trong khi đó, một người bạn của chị trông bảnh bao hơn vì đi ôtô, mặc đồ hiệu và khéo mồm lại vay không mấy khó khăn dù tiền vay là để cho chị vay lại với lãi suất cao hơn khoảng 1,5% một tháng.

"Đúng là trông bề ngoài hoành tráng dễ được cán bộ ngân hàng tin hơn", chị Hạnh tâm sự. Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận, nếu không rành thủ tục vay vốn ngân hàng thì việc vay cũng khó mà người bạn chị thì biết nên làm thế nào để hồ sơ thủ tục đầy đủ, "sạch đẹp".

Theo đánh giá của lãnh đạo một ngân hàng lớn tại Hà Nội, trong 4 nhóm rủi ro của ngành ngân hàng gồm rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng và rủi ro tác nghiệp (vận hành) thì nhóm thứ 4 khó quản trị nhất vì nó liên quan đến công nghệ và đạo đức cán bộ ngân hàng. Việc cán bộ tín dụng "nhìn mặt" khách khi cho vay tiền mà không thẩm định không phải lúc nào cũng diễn ra, nhưng cũng có ở một số ngân hàng.

Cán bộ tín dụng một ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ, về nguyên tắc, người dân sẽ dễ vay vốn nếu chứng minh được mục đích sử dụng tiền và nguồn để trả nợ. Song thực tế, không ít người làm tín dụng bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài của khách hàng. Theo chị này, hai khách đến vay tiền, một người ăn mặc sang trọng, đi ô tô xịn còn người kia đi xe máy số, quần áo nhàu nhĩ, chắc chắn người đầu tiên sẽ tạo được ấn tượng hơn.

"Trong ngành ngân hàng không có nguyên tắc 'nhìn mặt khách', nhưng vì cán bộ, nhân viên làm tín dụng cũng là con người, nên nhiều khi bị chi phối bởi vẻ bề ngoài, sau đó mới xét đến hồ sơ", chị này bày tỏ. Dù thế, chị này cũng cho biết, ấn tượng ban đầu dù quan trọng cũng không thể quyết định khách có vay được tiền hay không mà còn phải xét đến các yếu tố khác như giá trị tài sản thế chấp, độ khả thi của phương án kinh doanh, mục đích vay tiền rõ ràng, nguồn trả nợ...

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội cho biết, không phải nhà băng nào cũng khắt khe với việc cho người dân vay tiền. Nhiều trường hợp, chính người đi vay không kiên nhẫn trong khâu làm hồ sơ, chờ đợi giải ngân từ ngân hàng mà lại vội vã tìm đến tín dụng đen. "Đó là chưa kể đến chuyện hồ sơ của những người có nhu cầu vay vốn không đủ điều kiện", ông nói. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, hầu hết các khoản vay của khách hàng cá nhân là tiêu dùng, bất động sản..., nên ngân hàng phải "siết" vì vướng room tăng trưởng.

Lãnh đạo nói trên cũng xác nhận, có trường hợp nhân viên ngân hàng thiếu đạo đức, móc nối với "cò" hoặc môi giới để vay tiền. "Mọi ngân hàng đều nghiêm cấm hành động này. Nhưng không dễ để kiểm soát được nhân viên bên dưới có làm bậy hay không vì hệ thống nhiều chi nhánh và có hàng trăm, hàng nghìn người", ông nói. Mặt khác, nhiều khi vì "cò" quá chuyên môn và có kinh nghiệm, nên chúng dễ dàng biết cách làm thế nào để có thể qua được "cửa ải" vay vốn, ông này bày tỏ.

Theo ông, trong hoạt động tài chính, mỗi nhà băng sẽ có một "khẩu vị" và phong cách riêng. Về nguy cơ "cò" cấu kết với nhân viên nhà băng để trục lợi, lãnh đạo ngân hàng nói trên bày tỏ, nếu làm thật tâm, không khó để phát hiện "cò" với người có nhu cầu vay thật. "Chẳng qua vì lợi ích này hay lợi ích khác khi làm việc với 'cò' và những người có 'mác' xịn, nên nhân viên ngân hàng mới dám làm bừa", ông nói.

Tổng giám đốc VPBank, ông Nguyễn Hưng nhìn nhận, hiện nay, ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng, vì đây là một trong những nhân tố chính để tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, vì là lĩnh vực nhạy cảm nên hoạt động tín dụng ngân hàng phải tuân theo một quy trình khắt khe. Ông khẳng định, các ngân hàng không bao giờ gây khó dễ với khách hàng hay nhìn mặt để cho vay tiền. Song ngay cả khi có tài sản thế chấp, nếu người dân không chứng minh được mục đích vay và phương án kinh doanh..., ngân hàng sẽ không cấp vốn.

Nguồn tin: Vnexpress