Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho công nghiệp

 Bắt đầu từ năm 2018 này, một cánh cửa rộng hơn đã mở ra cho DN công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững...

Quá trình hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN công nghiệp bắt đầu từ năm 2018, chủ yếu tập trung phát triển khu vực DN công nghiệp tư nhân có thương hiệu ở khu vực và toàn cầu, thông qua việc hỗ trợ các DN tư nhân lớn đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm và thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh quốc tế. Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh đối với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các ngành công nghiệp ô tô, dệt may, da giày, điện tử... để DN đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây chính là những điểm mới, được các hiệp hội ngành nghề quan tâm tại Quyết định 598/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ký ngày 25/5/2018) phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025.

Bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA - Trung tâm WTO (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho biết, kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025 (kế hoạch) đặt mục tiêu, giai đoạn 2018 - 2020 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP đạt từ 30% - 35%; tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; tỷ trọng hàng chế biến chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 85% - 90%; lao động trong công nghiệp và xây dựng chiếm 25% - 30%; tốc độ tăng trưởng đầu tư và số lượng DN trong công nghiệp cao hơn tốc tăng trưởng bình quân toàn xã hội.

Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ về phát triển bền vững ngành công nghiệp. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh phát triển sản phẩm cơ khí và một số ngành, lĩnh vực như ôtô, các sản phẩm máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện. Quá trình triển khai thực hiện kế hoạch theo hướng tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp trong GDP và tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh công nghiệp với các nước ASEAN.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam chia sẻ, các DN thuộc hiệp hội đều thấy được lợi ích thiết thực mà kế hoạch mang lại, như đề án ưu tiên trong giai đoạn 2018 – 2020 đã nêu rõ, ngoài tăng cường áp dụng hệ thống tổ chức sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong sản xuất công nghiệp, gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, còn xây dựng và nâng cấp chuỗi giá trị các sản phẩm của các ngành công nghiệp như dệt may, da giày, hóa chất, thực phẩm, điện tử... nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu, khai thác có hiệu quả quá trình hội nhập và tự do hóa thương mại.

Trong đó, có việc phát triển ngành thép nội địa như: ưu tiên đầu tư các nhà máy sản xuất các loại thép trong nước chưa sản xuất được có công nghệ thân thiện môi trường như thép tấm cán nóng và các loại thép hợp kim phục vụ ngành cơ khí chế tạo; xây dựng lộ trình loại bỏ dần các nhà máy gang, luyện và cán thép quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sử dụng không hiệu quả tài nguyên, để thay thế bằng các nhà máy có công nghệ tiên tiến, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đối với những ngành công nghiệp khác như ngành ô tô, kế hoạch cũng khuyến khích các DN lớn đầu tư phát triển, trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt DN trong nước và DN FDI, nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô cần chú trọng đầu tư vào công tác nghiên cứu phát triển và các ngành công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành.

Trong khi đó, lĩnh vực dệt may và da giày sẽ được tập trung hỗ trợ, nâng cao năng lực nghiên cứu, tự thiết kế mẫu và sản phẩm mới; phát triển và liên kết ngành công nghiệp thời trang với dệt may và da giày; xây dựng lộ trình về đổi mới công nghệ và hiện đại hóa ngành dệt may, da giày nhằm tạo giá trị gia tăng.

Các ngành khác là chế biến thực phẩm, thuốc lá, giấy, dầu thực vật, sữa... cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn nguyên liệu; điều chỉnh cơ cấu sản phẩm phù hợp thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Kế hoạch cũng tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành điện tử, cơ khí; rà soát bổ sung chính sách để thực hiện có hiệu quả chương trình cơ khí trọng điểm.

Bên cạnh các mục tiêu hành động đề ra, một điểm sáng khác cũng được nhiều DN đồng thuận. Đó là đặc biệt ưu tiên vào xử lý các điểm nghẽn về chính sách, thể chế và tiếp cận tích cực hơn các nguồn lực cho phát triển công nghiệp của các thành phần kinh tế, đảm bảo thực thi đầy đủ, nguyên tắc cơ chế thị trường trong huy động nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp. Như vậy, bắt đầu từ năm 2018 này, một cánh cửa rộng hơn đã mở ra cho DN công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

Nguồn tin: Thời báo ngân hàng

ĐỌC THÊM