Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lùm xùm 'đấu đá' doanh nghiệp: Từ động cơ... lộ bản chất (kỳ 2)

Những chiêu cạnh tranh không lành mạnh của nhiều doanh nghiệp không những vi phạm luật cạnh tranh, mà còn để lại “bia miệng” trên thương trường, bộc lộ kiểu văn hóa kinh doanh thấp kém...

Bài 2: Động cơ… bản chất

“Doanh nghiệp đấu đá kiểu gì cũng không che đậy được động cơ hạ bệ đối thủ”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định.

“Diệt” nhau

Theo ông Lê Đăng Doanh, việc cạnh tranh theo kiểu chà đạp lên nhau mà sống của một số doanh nghiệp sẽ mang đến cái hại lớn cho 3 đối tượng. Thứ nhất là hại cho doanh nghiệp đối thủ, thứ hai là hại cho cả xã hội, lĩnh vực, ngành nghề và cuối cùng là hại chính mình. Tuy nhiên, khả năng hại chính mình chỉ xảy ra sau cùng, thậm chí không xảy ra, nên nhiều doanh nghiệp dù biết nhưng vẫn ham “chơi xấu”.

Các vụ kiện tụng ầm ĩ giữa các doanh nghiệp đều nổi cộm vấn đề: có nhiều kiểu doanh nghiệp bài trừ nhau, thậm chí một số sẵn sàng chi mạnh tay cho việc đó. Tình trạng Posco bán phá giá thép tại thị trường Việt Nam đã diễn ra trong vài năm qua và doanh nghiệp này đã chịu lỗ hàng nghìn tỷ đồng cho chiến dịch cạnh tranh này tại Việt Nam. Tuy nhiên, là tập đoàn thép lớn nhất nhì Hàn Quốc và đứng thứ 3 thế giới, nên Posco có đủ tiềm lực tài chính để cạnh tranh giành thị phần kiểu này, nhưng lại gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động của các doanh nghiệp cùng ngành.
 

Việc Posco bán phá giá thép gây ảnh hưởng nặng tới các DN cùng ngành. Ảnh: Nguyễn Hữu.

“Việc một doanh nghiệp “chơi xấu” bằng cách bán phá giá sản phẩm không chỉ gây ảnh hưởng cho các doanh nghiệp cùng lĩnh vực, mà còn gây thất thoát thuế cho ngân sách nhà nước. Nhiều nhà kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu sử dụng chiêu này; họ bán phá giá, báo cáo kinh doanh lỗ và không phải nộp thuế tại Việt Nam. Song, thực tế họ vẫn lãi và có dòng tiền dương. Khi số lỗ nhỏ hơn dòng tiền khấu hao, họ vẫn thu được vốn về và số tiền này chảy về công ty mẹ ở nước ngoài”, một lãnh đạo công ty CP Kim khí TP HCM phân tích.

 

Đánh bóng tên tuổi

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, xét về nghệ thuật kinh doanh thì các chiêu cạnh tranh này chỉ là trò PR rẻ tiền. Bởi yếu tố tốt nhất để đem ra cạnh tranh là giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ, chứ không phải mấy trò bêu xấu đối thủ, kiện tụng ầm ĩ.

Theo ông Dương, phải công nhận quảng cáo mỳ Tiến Vua của Masan lúc đầu rất hiệu quả trong lăng xê thương hiệu, khiến người tiêu dùng tin rằng loại mỳ này an toàn với sức khỏe, còn những mỳ màu vàng sậm có chứa hóa chất độc hại. Nhưng chiêu “đánh bóng” của họ đã quá coi thường độc giả và người tiêu dùng, vì không lâu sau, báo chí và các doanh nghiệp cùng ngành, các chuyên gia về thực phẩm lên tiếng phản bác. Bây giờ, hầu hết sản phẩm của tập đoàn này đều đánh mất ít nhiều lòng tin ở người tiêu dùng.

Tương tự, bài hát tự chế để quảng cáo của Viettel hồi cuối năm 2010 có nêu tên MobiFone dựa vào kết quả đo kiểm 3G tại TP HCM những tưởng sẽ đưa thương hiệu này lên một tầm cao mới nhưng thực tế lại nhận phải nhiều phản hồi tiêu cực. Nhiều khách hàng lúc đó bình luận trên các diễn đàn, chiêu PR của Viettel không xứng với tầm của một tập đoàn lớn.

"Ném đá vào đầu kẻ đã rơi xuống giếng"

Thực tế, một doanh nghiệp muốn “chơi xấu” đối thủ cũng không phải dễ để tìm được cơ hội. “Không có lửa làm sao có khói”, rất nhiều vụ cạnh tranh đều dựa vào một sơ suất nào đó của đối phương để nhân cơ hội đè bẹp họ.

“Cách đây vài năm, khi dư luận dậy sóng về vụ nước tương nhiễm M3CP, khiến người tiêu dùng hoang mang cực độ, thì nước tương Chinsu của Tập đoàn Masan xuất hiện trên các kệ hàng, khẳng định chắc nịch “không có M3CP” và người mua hồ hởi về dùng. Tiếp sau, đến việc ầm ĩ của U rê trong nước mắm gây thiệt hại cho hầu hết các hãng nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống, dọn đường cho sự xuất hiện ngoạn mục của nước mắm Nam Ngư không chứa U rê", chị Mai, một bà nội trợ ở khu Chung cư Mỹ Đình, nhớ lại.

Đây là thứ văn hóa kinh doanh gì? các chuyên gia về quản trị kinh doanh cho rằng, đây là chiêu “ném đá vào đầu kẻ đã rơi xuống giếng”, mà nhờ đó thương hiệu Chinse Food được khẳng định. “Cũng đúng thôi, nếu sản phẩm của họ chất lượng và đảm bảo an toàn thì việc cạnh tranh này là một chiêu rất khôn ngoan, dù lợi dụng sơ hở của người khác”, ông Đặng Ngọc Biên, giảng viên trường Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm.

Cũng theo ông Biên, khi doanh nghiệp đưa ra quan điểm lệch lạc, vô căn cứ như quảng cáo mỳ Tiến Vua thì họ đã sai lầm trong cạnh tranh. Để đối phó với những tình huống này, các doanh nghiệp cùng ngành nên liên kết lại với nhau, cần thiết có thể nhờ đến hiệp hội hoặc cơ quan chức năng can thiệp. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài chính, khi một ngân hàng cạnh tranh “bẩn” bằng cách phá rào nâng lãi suất huy động lên đột biến, các ngân hàng đã triệu tập nhau kịp thời và cùng với hiệp hội ngân hàng báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước để giải quyết. “Thiết nghĩ các ngành khác cũng cần có sự liên kết chặt chẽ như vậy, thì doanh nghiệp khó có cơ hội chơi xấu nhau”, ông Biên nói.

Nguồn tin :Baodatviet

ĐỌC THÊM