Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lùm xùm ‘đấu đá’ doanh nghiệp (kỳ cuối)

 Thời gian qua, việc các doanh nghiệp cạnh tranh nhau bằng cách “chà đạp mà sống” âu cũng do chế tài còn quá nhẹ tay và các doanh nghiệp chưa chủ động tự bảo vệ mình...

 


Luật sư Ngô Đình Hoàng, Chủ nhiệm Văn phòng luật sư Ngô Đình Hoàng: Chế tài còn quá nhẹ tay:

 

Bôi xấu, làm giảm uy tín của doanh nghiệp khác là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị cấm theo quy định tại Khoản 4 Điều 39 và Điều 44 của Luật Cạnh tranh. Trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh này, có những hành vi không chỉ vi phạm Luật Cạnh tranh, mà còn vi phạm cả luật Dân sự và Luật Hình sự, do đó sẽ bị xử lý hình sự. 

Tôi nghĩ những doanh nghiệp bị chơi xấu có quyền khởi kiện để đòi bồi thường thiệt hại và cải chính thông tin theo quy định của các điều luật này. Khởi kiện là việc cần làm để đưa vụ việc ra trước ánh sáng, đồng thời răn đe những doanh nghiệp khác có ý định cạnh tranh “bẩn”. Khi những vụ việc này được xử lý nghiêm minh và truyền thông qua báo đài, các doanh nghiệp sẽ hướng đến sự cạnh tranh lành mạnh và tôn trọng luật pháp cũng như các nguyên tắc đạo đức trong kinh doanh. 

Tuy nhiên, ở Việt Nam, Luật Cạnh tranh và vấn đề kiểm soát hành vi cạnh tranh cũng như xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn nhẹ. Chế tài áp dụng đối với hành vi này mức nhẹ nhất chỉ 500.000 đồng, nặng nhất cũng chỉ 100 triệu đồng, trong khi những hành vi này có thể ảnh hưởng rất nặng đối với các doanh nghiệp bị hại.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: Tìm đồng thuận của dư luận:

Khi một doanh nghiệp bị đối phương cạnh tranh không lành mạnh thì có thể lên tiếng tìm sự ủng hộ của các doanh nghiệp cùng ngành, sau đó tới các hiệp hội, cơ quan chức năng, bởi dư luận luôn bênh vực lẽ phải. Khi có sự đồng thuận của dư luận thì việc vạch mặt kẻ chơi xấu và vực dậy doanh nghiệp mình sẽ dễ dàng hơn. 
 


Với vụ bán phá giá của thép Posco thời gian qua, Tổng công ty Thép Việt Nam đã xử lý đúng: bên cạnh việc thông tin rằng sẽ kiện Posco, doanh nghiệp này còn trao đổi với Hiệp hội Thép để làm “công tác tư tưởng” với các thành viên trong Hiệp hội và đề nghị Hiệp hội dàn xếp cuộc gặp với Posco vào cuối tháng này. Nếu tình hình tốt đẹp thì có thể việc kiện tụng tốn thời gian, công sức sẽ không xảy ra, và quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp thép sẽ được đảm bảo.

 

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương: Doanh nghiệp phải chủ động đấu tranh:

Tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động hơn trong việc phát hiện và báo cáo, xử lý khi bị đối thủ cạnh tranh không lành mạnh. Hiện, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thụ động trong việc đối phó với những chiêu cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ. Thống kê cách đây vài tháng của Cục cho thấy, trên 90% số vụ cạnh tranh không lành mạnh được điều tra và xử lý nhờ vào sự chủ động của Cục, chứ không phải từ phía doanh nghiệp phản ánh. 
 


Trong năm 2010, chúng tôi đã chủ động phát hiện, khởi xướng điều tra 26 vụ việc, trong khi chỉ có hai trường hợp doanh nghiệp chủ động gửi đơn yêu cầu Cục điều tra, xử lý. Vì vậy, tôi nghĩ doanh nghiệp cần chủ động phát hiện kịp thời khi bị chơi xấu, sau đó báo cáo lên các cơ quan an ninh, chức năng để có hướng giải quyết triệt để. Doanh nghiệp không nên xem nhẹ chuyện này, vì nếu để lâu thì ảnh hưởng sẽ khôn lường.

 

Tiến sĩ Vũ Mạnh Lợi, Viện phó Viện Xã hội học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam: Người tiêu dùng cần thông thái:

 


Với cương vị là một người tiêu dùng, tôi nghĩ người dân nên biết cách để trở thành một người tiêu dùng thông thái, nhằm tự bảo vệ mình trước những nguồn thông tin đa dạng về sản phẩm, hàng hóa. Người tiêu dùng trước tiên cần biết tự phán xét sản phẩm dựa trên kinh nghiệm về tiêu dùng của mình. Họ cũng cần có nguồn tin độc lập đáng tin cậy từ một bên thứ 3 như báo, đài, cơ quan y tế, dinh dưỡng, hội bảo vệ người tiêu dùng… Vì sao một doanh nghiệp khi tung một quảng cáo mà nêu quan điểm sai, hạ bệ đối thủ nhưng quảng cáo vẫn đông người xem, sản phẩm của họ vẫn bán chạy? Vì sao một thương hiệu đang đắt khách, bỗng nhiên bị bêu xấu trên mạng dù chưa có chứng cứ xác thực đã vội bị khách hàng quay lưng? Nếu không phải người tiêu dùng quá cả tin, không suy xét kỹ thì sẽ không tiếp tay cho những hành động cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp và họ cũng không phải chịu thiệt thòi khi mua hàng nếu biết chọn lọc và tìm hiểu, thẩm định thông tin.

 

Nguồn tin:Baodatviet

ĐỌC THÊM