Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Luật thiếu nhất quán, khó phạt địa phương và nhà đầu tư

Ông Lê Dương Quang
Có thể rút ra điều gì từ kết quả kiểm tra việc thực hiện quy hoạch ngành thép mới đây của Bộ Công thương là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên Báo Đầu tư với ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương.
 
Từ thực tế kiểm tra các dự án thép vừa qua, liệu có thể nói rằng, đã có sự bùng nổ lần thứ hai trong đầu tư vào ngành thép, thưa ông?
 
Đúng là có thể xem đầu tư vào ngành thép thời gian qua là sự bùng nổ thứ hai, đặc biệt bởi sự có mặt của các dự án quy mô lớn. Điều này phản ánh hai thực tế. Thứ nhất, những mục tiêu chính của chiến lược và quy hoạch phát triển ngành thép là đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, nâng cao sản lượng, giảm dần sự mất cân đối về cơ cấu sản phẩm, áp dụng công nghệ tiến bộ, đa dạng hoá nguồn vốn... bước đầu đã được thực hiện. Thứ hai, môi trường đầu tư của nước ta ngày càng được cải thiện.
 
Việc có hơn 30 dự án, trong đó không ít dự án quy mô lớn, được cấp phép ngoài quy hoạch cho thấy công tác dự báo và xây dựng quy hoạch chưa sát thực tế?
 
Đúng là công tác dự báo của chúng ta còn yếu. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, rất khó dự báo về khả năng xuất khẩu, đặc biệt là khi khá nhiều dự án - nhất là của khối FDI - dự kiến sẽ xuất khẩu là chủ yếu.
 
Còn về việc xây dựng quy hoạch, tôi không cho là yếu, vì quan điểm xây dựng đối với hầu hết quy hoạch ngành hiện nay đã khác trước. Quy hoạch chủ yếu mang tính định hướng cho nhà đầu tư, đưa ra dự báo về cung - cầu, cũng như mong muốn của Chính phủ - còn gọi là quy hoạch “mở”.
 
Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cho bổ sung các dự án ngoài quy hoạch vào quy hoạch. Điều này liệu có tạo ra một tiền lệ xấu cho các địa phương lẫn nhà đầu tư không tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt không, thưa ông?
 
Tôi không nghĩ rằng, việc bổ sung nhiều dự án ngoài quy hoạch vào quy hoạch sẽ tạo ra tiền lệ xấu, vì trong quá trình thực hiện quy hoạch nào cũng cần được thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp đòi hỏi thực tế. Hơn nữa, Chính phủ sẽ là người quyết định chấp thuận việc bổ sung hoặc không bổ sung quy hoạch, tuỳ thuộc vào yêu cầu điều hành kinh tế vĩ mô.
 
Ngoài nhắc nhở các địa phương cần chú ý tham vấn các quy định luật pháp liên quan khác ngoài Luật Đầu tư trong quá trình cấp phép các dự án thép, theo ông, cần có chế tài gì đối với những trường hợp cấp phép không đúng thẩm quyền, cấp phép ngoài quy hoạch không?
 
Tôi tin là một khi Chính phủ đã có cảnh báo, nhắc nhở thì từ nay trở đi, việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư của các địa phương sẽ đi vào nề nếp. Theo tôi, vấn đề ở chỗ, không phải là cần có chế tài gì, mà là phải cố gắng để đạt được sự đồng bộ, nhất quán, minh bạch trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật liên quan đến đầu tư nói riêng. Rất khó phạt địa phương hoặc nhà đầu tư khi mà luật của ta còn không ít bất cập, thiếu nhất quán.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, làn sóng đầu tư vào ngành thép thời gian qua là do giá điện ở nước ta thấp; các yêu cầu về môi trường của ta còn thoáng, nên nhà đầu tư nhân cơ hội đó để dịch chuyển đầu tư luyện kim sang Việt Nam?
 
Nhận xét này có phần đúng. Riêng vấn đề giá điện thấp thì tôi chưa hoàn toàn đồng tình, nhất là đối với các dự án quy mô lớn. Giá điện thấp là một yếu tố hấp dẫn, song chỉ trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư đều biết, Chính phủ có lộ trình tăng giá điện. Về vấn đề môi trường, tôi cho là cần phải lưu ý nhận xét này, vì pháp luật về môi trường của ta thì nghiêm, nhưng thực thi pháp luật đó còn chưa nghiêm.
 
Trên thực tế, có những dự án thép lớn dù nằm trong quy hoạch hay đã được các cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận bổ sung, nhưng sau đó có dấu hiệu không triển khai được. Điều này cảnh báo vấn đề gì, thưa ông?
 
Loại trừ yếu tố khách quan, như khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu hiện nay, thì điều này cũng cảnh báo rằng, hoặc chúng ta chưa chuẩn bị tốt để đón nhận việc đầu tư (do hạ tầng yếu kém, thiếu nhân lực, giải phóng mặt bằng chậm, chưa cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư, thủ tục hành chính rườm rà, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý...), hoặc do chưa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực.
 
Việt Nam có nên theo đuổi con đường trở thành một trung tâm sản xuất thép của khu vực và thế giới, như các nhà đầu tư vẫn thường nói khi muốn đặt dự án thép quy mô lớn tại đây không?
 
Tôi không nghĩ Việt Nam phải đặt mục tiêu trở thành một trung tâm công nghiệp thép lớn của khu vực. Song nếu tất cả các dự án thép, nhất là các dự án quy mô lớn, được triển khai đúng như các giấy phép đầu tư đã cấp thì trong vòng 10 năm tới, Việt Nam sẽ là một trong những trung tâm công nghiệp thép của khu vực.
 
Điều này sẽ góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp sử dụng thép phát triển, cũng như thể hiện được quan điểm xây dựng công nghiệp thép trở thành một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, như trong Chiến lược và quy hoạch.
 
(VIR)

ĐỌC THÊM