Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lo tìm vốn cho các dự án thép dở dang

 Ngoài khó khăn về sản xuất và tiêu thụ, ngành thép hiện đang phải đối mặt với việc tìm vốn cho các dự án, nhất là những dự án còn dở dang. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, việc thu xếp vốn không phải dễ. Quan trọng hơn, có nên tiếp tục đổ vốn vào các dự án thép?

Công ty Gang thép Thái Nguyên
Dự án mở rộng sản xuất Giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: S.T

Vốn thiếu

 

 

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2013, sẽ có thêm 5 nhà máy thép đi vào hoạt động, với công suất 1,5 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất thép xây dựng cả nước lên 11 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tiêu thụ thép cả nước hiện chỉ đạt gần 5 triệu tấn (chưa bằng nửa so với công suất sản xuất).

Trong khi nguồn cung thép đang dư thừa, tháng 5-2013, Công ty CP Thép Thái Trung đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất có công suất lắp đặt 500.000 tấn/năm và đã có sản phẩm bán ra thị trường. Tương tự, Công ty CP Thép miền Trung đã đưa vào hoạt động dây chuyền có công suất lắp đặt 250.000 tấn/năm, chuyên sản xuất thép dây và hiện đã có sản phẩm bán ra thị trường.

 

 

Từ năm 2007, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã chính thức được phê duyệt, với tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 3.843 tỷ đồng. Theo tính toán, Dự án sẽ được nghiệm thu và chạy thử nghiệm vào năm 2011.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn như: Biến động thị trường đã làm giá cả nguyên vật liệu tăng cao, chính sách của Nhà nước cũng có nhiều thay đổi, do khủng hoảng kinh tế thế giới làm cho thời gian dự án bị kéo dài cùng với sự biến động tỷ giá ngoại tệ trong nước…

Với những lý do trên, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đã làm văn bản đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.104 tỷ đồng, tăng lên 4.261 tỷ đồng so với ban đầu. Trong cơ cấu nguồn tiền xin điều chỉnh này, chi phí thiết bị chiếm đến 1.930 tỷ đồng và chi phí xây dựng cũng đội lên 1.137 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Khâm, Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cho biết, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty thời gian qua triển khai chậm, 6 tháng đầu năm 2013, Công ty chỉ tập trung đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành phê duyệt tăng tổng mức đầu tư.

Còn theo ông Lê Phú Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), trong lúc còn khó khăn về sản xuất và tiêu thụ thì hiện nay Tổng công ty lại phải triển khai 2 dự án trọng điểm là Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Nhà máy thép Lào Cai. Thế nhưng chỉ có chỉ có Dự án gang thép Lào Cai đang trong tiến độ khả quan nhất (dự kiến đến tháng 10 sẽ cho sản phẩm phôi thép đầu tiên, chậm một vài tháng so với dự tính ban đầu). Ngoài ra, nhiều dự án lớn khác đã phải ngừng triển khai.

Điển hình là dự án 2 triệu tấn thép cán nóng của Tổng công ty đã không tìm được nhà đầu tư triển khai, mặc dù VNSteel đã đàm phán với nhiều đối tác Nga, Malaysia... Dự án thép được coi là trọng điểm giai đoạn 2015-2025 tại Hà Tĩnh với nhà thầu Ấn Độ cũng khó khăn do đối tác Tata, Ấn Độ rút khỏi dự án. Tata nắm tới 60% dự án này, do vậy việc rút khỏi dự án của Tata đồng nghĩa với việc không thể tiếp tục dự án.

Cần xem xét cung cầu  thị trường

Theo thông tin ông Khâm cung cấp, đến nay, việc phê duyệt điều chỉnh mức đầu tư đã hoàn thiện, Công ty cũng như VNSteel đang làm việc với các ngân hàng để thu xếp vốn. Ông Khâm nhận định: “Việc thu xếp vốn chắc chắn khó khăn, tuy nhiên vẫn phải tìm mọi biện pháp để triển khai bởi dự án hiện đã và đang đầu tư tiền rất lớn, nếu dừng dự án thì không thể… trả nợ được”.

Hơn nữa, trên thực tế, nhiều nhà máy sản xuất phôi thép hiện nay đang sản xuất phôi bằng lò điện và lò trung tần, tiêu thụ điện năng rất lớn. Trong khi đó, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được cho là một trong hai dự án lớn nhất của ngành thép Việt Nam sản xuất phôi sử dụng lò cao dung tích 550m3, ít tiêu tốn điện năng.

Về phía VNSteel, ông Hưng cho rằng, khi đổ vốn đầu tư cần xem xét cung cầu thị trường và có những tính toán cụ thể. VNSteel sẵn sàng “cắt bỏ những dự án không đủ sức thực hiện”, hướng tới thực hiện mục tiêu cao hơn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường.

Với những lý lẽ này cùng với việc tiên lượng được sự đóng góp lớn của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 cho ngành thép, ông Hưng khẳng định: “Khó khăn của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên cũng là khó khăn của Tổng công ty nên Tổng công ty sẽ “kề vai sát cánh” tháo gỡ khó khăn của Công ty”. Không chỉ có được sự đồng thuận của VNSteel, Dự án của Công ty Gang thép Thái Nguyên còn được trợ giúp từ phía cơ quan chức năng, trực tiếp là Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để tìm vốn tháo gỡ khó khăn cho Dự án của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Kết quả của buổi làm việc này như thế nào thì chưa được Bộ Công Thương công bố.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN thép “chết lâm sàng”, nhiều dự án thép đã đầu tư lớn nhưng đang “đắp chiếu” nằm đó (ví dụ như Dự án Khu liên hiệp Gang thép Vạn Lợi), dù có được sự hậu thuẫn từ “cấp trên” nhưng có lẽ việc thu xếp vốn cho các dự án thép, trong đó có Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên không hề dễ dàng.

Thêm vào đó, nhiều dự án đã chậm tiến độ, nên tính dự báo về hiệu quả dự án cần được xem xét kỹ. Vì vậy, việc cân nhắc có nên tiếp tục triển khai các dự án, hay dừng lại chấp nhận lỗ cũng là bài toán cần tính đến. Bởi đầu tư cho sản xuất thép cần vốn lớn, thời gian thu hồi chậm, chưa kể có những đầu tư rủi ro nếu không chọn được công nghệ thiết bị tốt, không tiên lượng được tính cạnh tranh của sản phẩm.

Nguồn tin:Baohaiquan

ĐỌC THÊM