Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Làng thép, làng nghề: Chờ... phá sản

 Chưa bao giờ ở một làng tôi luyện, cán kéo thép lớn nhất nhì miền Bắc - làng Đa Hội (Bắc Ninh) - lại lâm vào tình cảnh như bây giờ. Cảnh đông vui, náo nhiệt, hàng ngàn lò lửa rừng rực đỏ suốt ngày đêm, xe cộ vào ra “ăn” thép ầm ầm… nay còn đâu. 
 
Chủ, thợ cùng… khóc
 
Có mặt tại làng Đa Hội, ngay từ đầu làng, chúng tôi đã cảm nhận được sự vắng lặng khác thường của một ngôi làng luyện, cán thép chưa bao giờ từng tắt lửa lò. Hàng trăm cửa hiệu kinh doanh sắt thép đã khóa trái cửa.
 

Trong xưởng thép của anh Trần Văn Cường (40 tuổi, ở Cụm công nghiệp Châu Khê 1) trước luôn có 50-60 công nhân nhưng nay chỉ còn giữ lại 4-5 công nhân


 
Ngay cả các trạm cân điện tử để cân thép xuất xưởng cũng tự “niêm phong” vì không có việc. Càng đi sâu vào trong làng càng thêm giật mình vì cả con đường làng trở nên lạnh lẽo, không còn tiếng sắt thép kêu xoang xoảng như cách đây mới vài ba tháng. Ngay cả các xưởng tôi luyện, cán kéo thép nằm trong Cụm công nghiệp Châu Khê 1 và 2 cũng đóng cửa, nằm san sát như những dãy nhà bỏ hoang. Bên trong, phôi thép ra lò tồn thành đống, không bán được.  

Ông Phạm Văn Thinh - Chủ tịch UBND xã Châu Khê - buồn bã: “Cả làng Đa Hội có tới 1.700 cơ sở sản xuất thép, được coi là lớn nhất cả miền Bắc hiện nay. Thế nhưng bây giờ, hầu như không còn cơ sở nào hoạt động nữa. Bà con đã nghỉ 2-3 tháng nay. Làng sắt Đa Hội sắp phá sản rồi”. 

Còn theo ông Trần Văn Bình, chủ cơ sở đúc Hải Hòa, ở Đa Hội thì, do “bão” tài chính tiền tệ nên sau khi không thể xuất khẩu ra nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất thép lớn đã quay lại khai thác thị trường nội địa và họ đã “bóp chết” các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đến nay, ở Đa Hội đã bắt đầu có chủ cơ sở vỡ nợ, phải bỏ làng đi nơi khác. Số còn lại, nguy cơ vỡ nợ rất nhiều bởi gần như 100% cơ sở đều phải vay vốn ngân hàng. Trung bình, mỗi cơ sở vay 1 tỷ đồng. “Hiện nay không sao, nhưng nếu đến cuối tháng 12 này, nếu các ngân hàng đòi quay vòng vốn thì chắc chắn nhiều cơ sở phải công bố phá sản bởi họ không còn đủ khả năng trả nợ”, anh Trần Văn Cường - chủ cơ sở cán thép Tiến Cường lo lắng.

Rời Đa Hội, chúng tôi đến làng Vĩnh Lộc thuộc xã Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội). Đây là nơi sản xuất thép lớn thứ hai ở miền Bắc chỉ sau Đa Hội. Nơi đây, hàng trăm xưởng cán, kéo thép quy mô lớn cũng đóng cửa. Hai bên đường làng và dọc con đường dẫn vào Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, hàng trăm đống sắt thép phế liệu nằm lạnh lẽo.
 

Hàng loạt cửa hiệu kinh doanh sắt thép, xưởng thép thi nhau đóng cửa, nhiều chủ vỡ nợ, bỏ làng đi biệt

Đi ngược lên làng Tề Lỗ thuộc xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) - nơi nổi tiếng về buôn sắt thép phế liệu, vẻ đìu hiu cũng không kém. Đến làng luyện sắt thép Vân Chàng thuộc xã Nam Giang (Nam Trực, Nam Định), cảnh “chợ chiều” cũng đang lâm cảnh tương tự. Ở đây có hơn 800 hộ làm cơ khí, chủ yếu nhập sắt thép từ các làng như Đa Hội, Vĩnh Lộc về sản xuất phụ tùng xe đạp, xe máy, máy cày, thép cây, thép tấm… cũng đang “đắp chiếu”.

Trao đổi với PV Báo SGGP 12 Giờ, ông Lưu Duy Dần - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - khẳng định, hiện nay không chỉ các làng sản xuất thép khốn đốn mà kể cả việc sản xuất ở các làng gỗ, gốm, mây tre đan ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng... cũng đang rơi vào tình trạng làm ăn thua lỗ, nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp bị phá sản hoặc chỉ hoạt động cầm cự.

“Theo tôi, trong thời gian tới, nếu không sớm có giải pháp hỗ trợ thì có thể khoảng 50% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nông thôn phải giải thể do không trụ vững được, và điều đó đồng nghĩa với gần 5 triệu lao động làng nghề bị mất việc làm”- ông Dần nói.
 
Cứu làng thép: Cách nào?
 
Trước tình trạng trên, trong cuộc họp “nóng” bàn các giải pháp cứu thị trường nông sản và hoạt động sản xuất ở nông thôn trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT tỏ ra rất lo ngại khi đề cập đến tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các làng thép đang phải đóng cửa, người lao động thì mất công ăn việc làm.
Ông cho rằng, yêu cầu quan trọng hiện nay là phải kịp thời giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ở nông thôn, không để nhiều người lao động bị mất công ăn việc làm, bị ảnh hưởng đến thu nhập. Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo thì giải pháp căn bản vẫn là tìm cách giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nông thôn sớm được phục hồi.
 
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương cũng cho rằng, để hỗ trợ và cứu các doanh nghiệp, ngay từ bây giờ, Nhà nước cần có một gói tài chính hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp bằng cách không phải cho tiền trực tiếp mà là hỗ trợ thông qua việc các ngân hàng khoanh các khoản nợ cũ, giãn nợ quá hạn và cho vay với lãi suất ưu đãi đối với những khoản vay mới.
 
Mới đây, khi trao đổi với PV Báo SGGP 12 Giờ, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho biết, sau hơn 2 tháng liên tục đóng băng, giá giảm mạnh, hiện giá thép đã nhích lên một chút. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, không thể nói trước bất cứ điều gì bởi mọi rủi ro đều có thể xảy ra cho thị trường thép.
Theo ông Cường, hiện nay, một trong những mối lo đối với các doanh nghiệp thép Việt Nam là từ ngày 1-12, Trung Quốc sẽ bãi bỏ thuế xuất khẩu thép để đẩy lượng thép tồn ra bên ngoài, làm giá thép thế giới giảm mạnh. Do đó, để nhanh chóng cứu thị trường thép nội địa, Nhà nước cần phải tạo ra “hàng rào” để bảo hộ thép trong nước bằng chính sách thuế nhập khẩu hợp lý.
(SGGP)

 

ĐỌC THÊM