Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Làng sắt đắp chiếu, đồng nát liêu xiêu

Hàng triệu tấn sắn thép tồn đọng đã đẩy các làng nghề luyện thép vào cảnh thua lỗ nặng, kéo theo hàng vạn nông dân làm nghề thu mua sắt phế liệu thất nghiệp.

Bài 1: Làng nghề chờ... phá sản

Hôm qua cưỡi "mẹc", hôm nay chân đất

Đến thị trấn Nam Giang (Nam Trực, Nam Định) tôi hỏi đường vào làng nghề luyện sắt thép Vân Chàng. Thay cho việc chỉ đường, người đàn ông tên Khương hất hàm: “Chú mua sắt à?” rồi kéo cửa kho lôi tuột tôi vào xem đống sắt thép chất cao đến nóc. Anh Khương bảo: “Nói thật với chú, cũng vì ngân hàng giờ siết nợ ghê quá, đòi kê biên tài sản đành phải bán tháo với giá chỉ bằng 1/3 giá năm ngoái. Nước này, bọn anh không còn tính đến lỗ lãi gì cả, thu hồi được ít vốn nào tốt ít ấy. Chả trách chú đi qua mà không nhận ra làng Vân Chàng. Giờ cả làng anh nằm đắp chiếu đi ngủ rồi, im ắng lắm”. 

Cả làng sắt vốn luôn tấp nập giờ đắp chiếu lặng im

Làng nghề luyện sắt thép Vân Chàng có khoảng 700 hộ làm nghề cơ khí truyền thống. Sản phẩm rất đa dạng, từ cuốc, xẻng, xoong, nồi, phụ tùng xe đạp, xe máy, máy cày, thép cây, thép tấm…Mỗi hộ làm nghề này là một xưởng sản xuất. Đêm, họ tập trung vào nung nấu sắt, ngày thì trau truốt sản phẩm đem bán ra thị trường. Ước có khoảng trên 3.000 lao động thường xuyên làm thuê tại đây với mức thu nhập trung bình 2 triệu đồng/tháng. Ở nông thôn Nam Định, Vân Chàng là vùng sôi động nhất, có thu nhập cao nhất. Vậy mà vào thời điểm này, nó trở nên đìu hiu...

Theo đánh giá của UBND phường Châu Khê (TX Từ Sơn, Bắc Ninh), năm 2007 làng nghề Đa Hội – Châu Khê có doanh thu khoảng 300 tỉ đồng thì năm nay dù bán đổ bán tháo sản phẩm cũng chỉ bằng ½ số đó. Hiện nay, hầu hết các xưởng sản xuất và kinh doanh sắt phế thải, sắt thép thành phẩm, luyện phôi thép của Đa Hội đắp chiếu. Chủ cơ sở sản xuất Thu Hằng cho hay: “Ở thời điểm này, chỉ có những hộ có tiềm lực kinh tế mạnh, có những mối hàng ruột mới cố duy trì sản xuất nhưng cũng chỉ đạt 20-30% công suất. Còn lại, hầu hết…chờ chết. Năm nay, hộ nào cũng dính nặng. Anh nào tỉnh táo bán sớm được còn đỡ chứ để đến bây giờ “chết hẳn”. Nếu tình hình này kéo dài thêm, 1.700 hộ sản xuất kinh doanh sắt thép ở đây sẽ phá sản không dưới một nửa”. 

Ngao ngán nhìn đống hàng tồn kho

Làng nghề sắt thép Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cũng rơi vào cảnh tương tự. Hàng ngàn chiếc ôtô, máy ủi, máy xúc…được các ông chủ mua về “thịt” ra lấy sắt bán cho các làng nghề luyện sắt nằm chềnh ềnh khắp nơi. Ông chủ Nguyễn Văn Tâm tính: “Tôi mua vào khi đó với giá sắt đẹp 65, nay bán khoảng 35, tức là lỗ gần một nửa nhưng “cóc” thằng nào mua. Ở cái làng này người giàu cũng nhiều, nông dân lên đời cưỡi “mẹc” cũng không hiếm thế mà giờ chết ráo".

Ông chủ mếu, người làm thuê khóc!

Khắp làng nghề Đa Hội, Tề Lỗ, Vân Chàng, người ta không khó để nhận ra những nông dân đến đây vật vờ tìm việc. Với đặc thù sử dụng rất nhiều lao động, chủ yếu là lao động phổ thông có sức khoẻ, vì thế mỗi ngày hàng ngàn lao động khắp nơi dồn về các làng nghề này tìm việc, công sá từ 50 ngàn đ/ngày/người trở lên. “Dù ở đây không có việc, nhưng anh em chúng tôi về nhà cũng chơi, năm ngoái xã hội nhiều việc, không đi khuân sắt thì đi phu hồ, vác đất, giờ chả ai thuê cả. Thôi thì chịu khó lăn lộn, 3 ngày lang thang ở đây mà nửa ngày có việc là cũng được vài chục rồi, thời buổi khó khăn, nếu cứ ở nhà thì lấy gì mà nhét vào mồm hả anh”- anh Hoàng Văn Cầm, ở thị trấn Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết. 

"Ngồi chơi xơi nước" vì không có việc làm

Những nông dân làm thuê ở Đa Hội ví von: Làng nghề đắp chiếu, các ông chủ ngửa mặt lên trời kêu, tắt điện thoại, chốn chỗ này chỗ kia để tránh đòi nợ còn nông dân thì há hốc mồm ngồi chờ ngoài cửa, mong được ông chủ quát: “Anh kia, ra đây!”. Vậy mà chờ dài, nước bọt trôi hết xuống bụng, vẫn không thấy ông chủ chiếu cố gọi đến. Nếu theo số liệu thống kê của 3 làng nghề trên, thì có khoảng 10 ngàn lao động tại đây đang thất nghiệp.

Một kĩ thuật viên ở Đa Hội cho biết: “Ở thời điểm này, lao động cơ bắp cũng khổ mà có tay nghề cũng khổ. Bình thường lương tháng mỗi kỹ thuật viên khoảng 4-5 triệu đồng nay còn 1/3. Nông dân có khi họ còn dễ thích nghi hơn mình, không khuân sắt thì đi phu hồ, không phu hồ thì đi kéo đất chứ cái anh học đại học ra rồi khó thay đổi nghề ngỗng lắm…”

Ở vùng ĐBSH, nông nghiệp đã không còn nuôi nổi nông dân. Họ đang duy trì cuộc sống bằng việc bán sức lao động tại thành phố và các làng nghề. Nông dân bảo, họ đang “ăn bám vào đô thị hoá và công nghiệp hoá”. Nhưng giờ công nghiệp chết thì cái chỗ họ muốn ăn bám cũng không còn. (Còn nữa) 

Làng nghề Đa Hội mỗi ngày đêm đưa hàng ngàn tấn sắt, chủ yếu là sắt phế liệu vào sản xuất. Nguồn sắt này được hàng vạn người nông dân khắp cả nước làm nghề đồng nát đi thu gom về. Năm ngoái, giá sắp phế liệu đạt 7.200-7.500đ/kg. Nhưng năm nay có thời điểm xuống 2.000 đ/kg. Phôi thép năm ngoái đạt 12-13.000đ/kg, năm nay có xuống chỉ trên 5.000đ/kg cũng chả có “ma” nào nhòm ngó. (Ông Trần Văn Thắng, Các bộ UBND phường Châu Khê)

 

(Nông Nghiệp)

ĐỌC THÊM