Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Lạm phát đang "rình rập"

Nền kinh tế đang đứng ở đáy. Đây là nhận định được hầu hết các chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư có kinh nghiệm đồng ý. Những dấu hiệu phục hồi đầu tiên có thể thấy rõ với việc thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm trong những ngày qua. Nhưng khả năng hồi phục ổn định đến như thế nào, vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Trong khi đó, lạm phát đang “rình rập”, và khả năng lạm phát tăng mạnh là một nguy cơ rõ rệt.

Thị trường chứng khoán thường đi trước những chuyển động của nền kinh tế một thời gian. Việc thị trường chứng khoán tăng giá chứng tỏ giới đầu tư đang đón trước cơ hội từ việc kinh tế phục hồi. Bên cạnh đó, có một mối quan hệ chặt chẽ giữa tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng 4 vừa rồi với việc dòng tiền đang đổ vào thị trường chứng khoán dồi dào hơn. Tín dụng tháng 4 tăng 5,81% so với tháng trước và hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây mà mức mà trong quan điểm của ngân hàng Nhà nước là tương đối cao, nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay thì tốt. Nhưng cùng một lúc, tín dụng tăng mạnh nhắc nhở sự ám ảnh của lạm phát phi mã năm ngoái.

Trong khi thâm hụt ngân sách năm nay dự kiến tăng mạnh ở mức khoảng 8% GDP, Chính phủ vẫn phải đổ thêm tiền vào nền kinh tế thông qua các biện pháp kích cầu từ hỗ trợ lãi suất đến miễn giảm thuế. Tổng lượng tiền kích cầu, được cho là khoảng tám tỉ USD, sẽ tạo ra một cú hích cho nền kinh tế đang trì trệ, nhưng cũng có thể đẩy nó đi quá đà, đẩy mạnh nhu cầu đầu tư, tiêu dùng và dẫn đến lạm phát. Một khả năng nữa, là ngân sách hạn hẹp, cộng với việc huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ đang khó khăn, có thể tạo ra sức ép in thêm tiền từ phía ngân hàng Nhà nước. Những nguồn tiền lớn được phát hành và đẩy vào nền kinh tế trong những năm trước là một trong những nguyên do chính tạo ra những đợt lạm phát phi mã “kinh hoàng” của nền kinh tế. Đây là điều nhiều người lo ngại và đang lên tiếng cảnh báo trong năm nay. Nhà kinh tế Nguyễn Đức Thành cho rằng, các dấu hiệu của lạm phát đang xuất hiện khi chỉ số giá cả CPI bắt đầu tăng trưởng dương trong tháng 4. Tăng trưởng tín dụng mạnh, các thị trường tài sản đang ấm lên nhanh, trong khi đó giá nguyên liệu thô thế giới cũng bắt đầu tăng trở lại. “Chúng tôi cảnh báo rằng khi kinh tế thế giới hồi phục, thì lạm phát ở Việt Nam sẽ tăng trở lại”, ông Thành nói.

Tiền từ đâu?

Các luồng tiền đang đổ mạnh vào thị trường chứng khoán khiến không ít người đặt câu hỏi: tiền từ đâu? Theo quan sát của ông Nguyễn Trung Hà, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Chứng khoán Thiên Việt, có ba luồng tiền chính. Thứ nhất, trong vòng vài tháng đầu năm, một lượng lớn vàng dành dụm trong những năm qua đã được bán ra khi giá vàng lên cao. Số tiền này có thể dao động từ 2,5 tỉ đến 3 tỉ USD (dựa trên con số về kim ngạch xuất khẩu vàng trong thời gian qua). Thứ hai, luồng tiền từ khoản hỗ trợ, kích cầu của Chính phủ, chủ yếu là nhờ nguồn vốn chi phí rẻ từ chính sách cho vay ưu đãi của Chính phủ. Một số lượng đáng kể từ nguồn này đang đổ vào thị trường chứng khoán. Thứ ba, nguồn tiền từ phía các nhà đầu tư nước ngoài, tuy còn nhỏ, nhưng có xu hướng tăng.

Ông Trịnh Hoài Giang, phó tổng giám đốc công ty Chứng khoán HSC cũng cho rằng, tuy hiện nay các dấu hiệu chưa rõ ràng, nhưng nguy cơ lạm phát là có thật, với một loạt các yếu tố có thể đẩy lạm phát, trong đó có gói kích cầu khá lớn so với GDP, chi tiêu lớn từ Chính phủ nhưng không có hiệu quả, và một khả năng tác động bên ngoài là sự suy yếu của đồng đô la Mỹ. Một số nhà đầu tư lớn thận trọng đã cắt bớt các khoản đầu tư trái phiếu, đề phòng khả năng lạm phát tăng. Mới đây, ông Jim Rogers, một nhà đầu tư Mỹ có uy tín, đã cho rằng đồng đô la Mỹ đã tăng quá cao trong thời gian qua, và điều này sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tiền tệ trong thời gian không xa. Theo quan sát của giới chuyên gia trong nước, một cuộc khủng hoảng của đồng đô la Mỹ sẽ bơm thêm khả năng lạm phát trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Lạm phát đặc biệt ám ảnh ở Việt Nam, là vì khi xảy ra, lạm phát thường tăng phi mã, mạnh hơn rất nhiều các nền kinh tế khác. Tình trạng này được giải thích là vì Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ và đang phát triển, muốn phát triển mạnh, thì cần tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, Chính phủ có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ và tạo nguy cơ lạm phát cao. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là sự phụ thuộc của Việt Nam vào xuất khẩu, nhập khẩu. Khi giá cả thế giới tăng, giá cả trong nước cũng bị tác động rất nhanh.

Trong khi đó, quan điểm của Chính phủ là khi nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu. Một số quan chức Chính phủ cho rằng, còn quá sớm để lo chuyện lạm phát. Hiện nay, ngân hàng Nhà nước đang sử dụng một biện pháp hãm phanh, chính là duy trì lãi suất cơ bản ở mức 7%. Đây là mức đã giảm còn một nửa so với lúc tăng cao nhất 14% của năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Bình, phó thống đốc ngân hàng Nhà nước cho biết, mục tiêu là duy trì tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức từ 20 – 23% trong năm nay. “Chủ trương là vẫn hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhưng phải theo dõi sát sao tình hình”, ông Bình nói.

(SGTT)

ĐỌC THÊM